Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều có kế hoạch chi tiêu lớn khi lên nắm quyền, tuy nhiên các chính sách của ông Trump có nhiều rủi ro lạm phát hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Jerome Powell, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có vẻ sắp giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể khiến tình thế bị đảo ngược.
Lạm phát đã hạ nhiệt nhờ lãi suất gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục và nguồn cung lao động dồi dào. Nhưng liệu tốc độ tăng của giá cả và chi phí vay nợ có tiếp tục đi xuống trong năm tới hay không, tất cả sẽ phụ thuộc vào các lựa chọn chính sách của bà Kamala Harris hoặc ông Donald Trump.
Chính sách của cả hai ứng viên đều có khả năng sẽ cản trở đà đi xuống của lạm phát. Nhưng các nhà kinh tế đặc biệt lo ngại về các kế hoạch của ông Trump, bao gồm đề xuất tăng thuế quan lên mọi hàng hóa nhập khẩu và trục xuất lao động nhập cư.
Bà Harris dự định khắc phục vấn đề giá cả bằng cách thúc đẩy hoạt động xây dựng nhà ở, ngăn doanh nghiệp tăng giá trục lợi và mở rộng phạm vi miễn giảm thuế cho gia đình có trẻ em.
Bà hứa sẽ bù đắp các chương trình chi tiêu mới bằng cách tăng thuế hoặc tăng nguồn thu mới, nhưng chưa đề xuất biện pháp làm giảm thâm hụt ngân sách, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Ông Brian Riedl, chuyên gia chính sách kinh tế tại Viện Manhattan, bình luận: “Nếu Đảng Dân chủ giữ được Nhà Trắng, tôi đoán lạm phát sẽ không tăng vọt nhưng có thể vẫn sẽ khá dai dẳng”.
Còn ông Trump muốn gia hạn chương trình cắt giảm thuế cho doanh nghiệp mà ông ban hành vào năm 2017. Ông cũng đề xuất loại bỏ thuế đối với tiền boa của người lao động, tiền làm thêm giờ và phúc lợi An sinh xã hội của người về hưu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là các đề xuất về chính sách thương mại và nhập cư của ông Trump.
Ông Adam Posen, Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đánh giá: “Nếu ông Trump làm những gì mình tuyên bố, ông ấy sẽ gây ra một cú sốc nguồn cung cho nền kinh tế. Giá cả sẽ đi lên còn năng lực cung ứng hàng hóa và dịch của của nền kinh tế sẽ đi xuống”.
Tác động tiềm tàng từ chính sách nhập cư và thuế quan
Theo những người ủng hộ các đề xuất về chính sách nhập cư của ông Trump, nền kinh tế Mỹ sẽ tốt lên khi người Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn từ những công việc hiện đang được giao cho lao động nước ngoài.
Song, các nhà kinh tế cho biết thị trường lao động phức tạp hơn nhiều và cảnh báo về tác động dây chuyền từ việc thu hẹp lực lượng lao động.
Nhóm nhà kinh tế tại Đại học Colorado đã nghiên cứu các trường hợp trục xuất lao động tại Mỹ từ năm 2008 đến 2014.
Họ phát hiện rằng cứ 1 triệu lao động trái phép bị trục xuất thì khoảng 88.000 người lao động Mỹ bị mất việc.
Trên thực tế, lao động nhập cư trong một số lĩnh vực nhất định như xử lý thực phẩm, nông nghiệp và xây dựng không hẳn là cạnh tranh với người lao động Mỹ.
Nếu lượng lao động hiện tại bị trục xuất, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ thu hẹp hoạt động hơn là tuyển thêm nhân viên bản địa.
Tiếp đến, doanh thu doanh nghiệp đi xuống sẽ làm giảm số công việc trả lương cao hơn dành cho các lao động bản xứ phục vụ trong những ngành đó.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế đều đồng tình rằng rốt cuộc, người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng phải chịu gánh nặng của thuế quan.
Ông Philip Daniele, CEO công ty phụ tùng ô tô AutoZone, phát biểu trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh tháng trước: “Chúng tôi sẽ chuyển phần chi phí thuế gia gia tăng về phía người tiêu dùng”.
Ông Trump gợi ý sẽ áp mức thuế quan 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với hàng hóa từ phần còn lại của thế giới. Cả hai con số này đều cao hơn mọi mức thuế quan mà ông Trump từng cố ban hành trong nhiệm kỳ trước.
Bất kỳ điều gì nhen nhóm ngọn lửa lạm phát cũng có thể khiến các quan chức chần chừ giảm lãi suất hoặc tạm ngưng kế hoạch đó.
Vào năm 2019, thuế quan bổ sung do chính quyền ông Trump khiến thị trường chứng khoán đảo lộn và đe dọa kìm hãm các khoản đầu tư của doanh nghiệp.
Fed giảm lãi suất sau khi nhận thấy tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại tới tăng trưởng kinh tế sẽ áp đảo áp lực lạm phát.
Một số tin là Fed sẽ duy trì vị thế trung lập.
Tại một hội thảo vào mùa hè năm nay, Thống đốc Fed Christopher Waller gợi ý nếu thuế quan khiến giá cả gia tăng một lần thì nó sẽ giống với một cú sốc nguồn cung mà ngân hàng trung ương nên để mặc.
Những người khác lo ngại thuế quan sẽ thổi bùng lạm phát. Ví dụ, người lao động có thể sẽ đòi tăng lương do giá cả lên cao hơn. Các đối tác thương mại có thể trả đũa lại Mỹ, châm ngòi cho cuộc thương mại ngày càng leo thang.
Ông Austan Goolsbee, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, bình luận: “Viễn cảnh này có vẻ sẽ gây ra áp lực lạm phát thay vì chỉ dẫn đến sự gia tăng một lần của mức giá chung”.
Gia tăng thâm hụt ngân sách lại là một nỗi lo khác. Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm ước tính bà Harris sẽ khiến thâm hụt của Mỹ tăng thêm 3.500 tỷ USD trong vòng 10 năm, còn dự báo đối với ông Trump là 7.500 tỷ USD.
Sự kết hợp giữa thâm hụt ngân sách phình to, các chính sách thuế quan và nhập cư tiềm ẩn mối nguy lạm phát có thể sẽ kích hoạt phản ứng dây chuyền trên thị trường trái phiếu. Cụ thể, các nhà đầu tư có nguy cơ đòi lợi suất cao hơn để bù đắp rủi ro nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ.
Thượng nghị sĩ J.D Vance, ứng viên phó tổng thống của ông Trump, cũng đã lưu ý đến rủi ro này. Ông nhắc lại rằng cuộc náo động trên thị trường trái phiếu Anh hai năm trước đã buộc Thủ tướng Liz Truss từ chức chỉ sau chưa đầy hai tháng lên nắm quyền.
NGUỒN: VIETNAMBIZ