Phiên 15/8 giá dầu tăng gần 2% khi lạc quan về số liệu kinh tế Mỹ, vàng cũng tăng, đồng lên mức cao nhất hai tuần, trong khi quặng sắt thấp nhất 14 tháng.
Dầu tăng gần 2% do lạc quan về số liệu kinh tế của Mỹ
Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng sau khi số liệu kinh tế của Mỹ làm dịu đi nỗi lo suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại.
Chốt phiên 15/8, dầu thô Brent tăng 1,28 USD hay 1,6% lên 81,04 USD/thùng. Dầu WTI tăng 1,18 USD hay 1,53% lên 78,16 USD/thùng.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng 7. Báo cáo khác cho thấy số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của Mỹ tăng ít hơn dự kiến.
Điều này có thể củng cố dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng tới, điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và tiêu thụ dầu.
Giá dầu cũng được hỗ trợ từ lo lắng về việc Iran sẽ đáp trả như thế nào với việc ám sát thủ lĩnh Hamas của Palestine vào tháng trước.
Xung đột Nga – Ukraine cũng khiến giá dầu tăng. Nga cho biết họ sẽ tăng cường phòng thủ biên giới, cải thiện khả năng chỉ huy và kiểm soát đồng thời gửi thêm lực lượng,
Sản lượng nhà máy của Trung Quốc chậm lại trong tháng 7, trong khi sản lượng của nhà máy lọc dầu giảm tháng thứ 4, nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế không đồng đều của nước này và hạn chế đà tăng của thị trường dầu thô.
Vàng tăng
Giá vàng giảm mức tăng do USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng sau khi số liệu kinh tế của Mỹ mạnh hơn dự kiến có thể ảnh hưởng tới quy mô cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 2.454,4 USD/ounce sau khi tăng khoảng 0,9% trước đó. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,5% lên 2.492,4 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 1% trong tháng trước sau khi giảm 0,2% trong tháng 6, theo Cục thống kê của Bộ Thương Mại.
Một báo cáo khác của Bộ Lao động cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống mức thấp nhất một tháng vào tuần trước.
Sau số liệu này, USD tăng 0,5% so với các đồng tiền đối thủ, khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Đồng lên mức cao hai tuần
Giá đồng tăng lên mức cao nhất hai tuần đươc hỗ trợ bởi sự đột phá trên mức kỹ thuật quan trọng và khả năng rủi ro nguồn cung liên quan tới một cuộc đình công tại mỏ Escondida, nhưng khối lượng giao dịch vẫn thấp do các nhà đầu tư quỹ vẫn đứng bên lề.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) có lúc đạt 9.175 USD/tấn, vượt cả mức trung bình 200 ngày và 21 ngày. Đóng cửa phiên giá tăng 2% lên 9.155 USD/tấn.
Đồng đã tăng lên mức cao lịch sử hồi cuối tháng 5 bởi đầu cơ, nhưng nhiều quỹ đã rút lui và chuyển từ các kim loại sang vàng và dầu.
Công nhân công đoàn tại Escondida, mỏ đồng lớn nhất thế giới đã từ chối yêu cầu tạm dừng cuộc đình công của nhà điều hành BHP. BHP vẫn chưa tiết lộ bất kỳ ước tính nào về ảnh hưởng tới sản xuất.
Quặng sắt thấp nhất 14 tháng
Giá quặng sắt tiếp tục giảm phiên thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hơn 14 tháng, do số liệu bất động sản của Trung Quốc suy yếu kéo dài làm gia tăng sự bi quan về triển vọng nhu cầu.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giao dịch giảm 2,09% xuống 703,5 CNY (98,32 USD)/tấn. Hợp đồng này đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 26/5/2023 tại 691 CNY/tấn trước đó trong phiên này.
Tại Singapore quặng sắt giao tháng 9 giảm 2,81% xuống 93,5 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 11/2022.
Đầu tư bất động sản tại Trung Quốc giảm 10,2% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 10,1% trong 6 tháng đầu năm. Số liệu chính thức cho thấy, số lượng công trình xây dựng mới tính theo diện tích sàn đã giảm 23,2% so với cùng kỳ năm trước sau khi giảm 23,7% trong nửa đầu năm.
Thị trường bất động sản vẫn là nơi tiêu thụ thép lớn nhất của Trung Quốc bất chấp thị phần của lĩnh vực này đang giảm trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài kể từ năm 2021.
Tại Thượng Hải, thép thanh giảm 0,16%, thép cuộn cán nóng giảm 1,71%, dây thép giảm 0,83% và thép không gỉ ổn định.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 9,5% so với tháng trước đó, giảm tháng thứ hai liên tiếp do nhiều nhà sản xuất thép thực hiện bảo dưỡng trong bối cảnh lợi nhuận âm kéo dài.
Cao su Nhật Bản giảm
Cao su Nhật Bản giảm, kết thúc 6 ngày tăng liên tiếp do số liệu kinh tế suy yếu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu, mặc dù giá cao su tổng hợp tăng và gián đoạn nguồn cung đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,4 JPY hay 0,12% xuống 323,2 JPY (2,2 USD)/kg.
Tại Thượng Hải giá cao su giao tháng 1/2025 tăng 150 CNY, hay 0,94% lên 16.025 CNY (2.239,25 USD)/tấn.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy sản lượng của nhà máy Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7, chỉ ra sự phục hồi tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang mất đà, mặc dù lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng đã phục hồi nhẹ khi các biện pháp kích thích nhằm vào hộ gia đình có hiệu lực.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,09 US cent hay 0,5% xuống 17,88 US cent/lb.
Các đại lý cho biết triển vọng vụ mía ở Ấn Độ được thúc đẩy nhờ lượng mưa tương đối lớn trong khi triển vọng tại Thái Lan cũng đang được cải thiện.
Tuy nhiên, tại khu vực quan trọng Trung Nam Brazil, sản lượng tại vụ thu hoạch hiện nay sụt giảm và dường như giảm hơn nữa trong những tuần tới.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 2,1 USD hay 0,4% xuống 513,3 USD/tấn.
Vụ củ cải đường năm 2024 của Ukraine có thể giảm xuống 10 triệu tấn từ khoảng 12 triệu tấn trong năm 2023, theo công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform.
Cà phê tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 86 USD hay 2% lên 4.378 USD/tấn.
Xuất khẩu robusta từ Việt Nam giảm nhưng được bù một phần bởi xuất khẩu từ Brazil tăng lên.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 3,4 US cent hay 1,4% lên 2,3805 USD/lb.
Giá cà phê robusta tiếp tục giảm trong tuần này tại Việt Nam trong bối cảnh giao dịch chậm ở cuối mùa vụ, trong khi giá thay đổi ít ở Indonesia khi một số nhà kinh doanh bắt đầu tích trữ.
Nông dân tại Tây Nguyên đang bán cà phê nhân xô ở mức 116.900 – 118.000 đồng (4,67 – 4,71 USD)/kg, giảm từ 122.000 – 123.000 đồng một tuần trước.
Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết thị trường cà phê trong nước ảm đạm, trái ngược với thị trường toàn cầu lạc quan do nhu cầu từ các nước nhập khẩu lớn đã phục hồi. Tình trạng này sẽ kéo dài vài tháng nữa.
Vụ mới của Việt Nam sẽ thường bắt đầu từ tháng 10.
Các thương gia chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 450 – 600 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 ở London.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt 979.353 tấn, giảm 12,4% so với một năm trước. Việt Nam đã xuất khẩu 76.982 tấn cà phê trong tháng 7, tăng 9,7% so với tháng trước đó.
Tại Indonesia, cà phê Sumatran được chào bán ở mức cộng 320 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9, không đổi so với tuần trước.
Gạo Ấn Độ giảm do nhu cầu trầm lắng, khả năng nguồn cung tăng
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần này do nhu cầu yếu và dự đoán sản lượng tăng ở vụ mới khi diện tích canh tác được mở rộng.
Tại Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm được chào bán ở mức 536 – 540 USD/tấn, giảm từ mức 539 – 545 USD/tấn một tuần trước.
Đồng rupee của Ấn Độ tuần này mất giá xuống mức thấp kỷ lục giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm được chào ở mức 570 USD/tấn tăng từ 565 USD một tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung trong nước thấp trong khi các nhà xuất khẩu đang tăng cường phân phối sang Indonesia và Châu Phi.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 7 tăng 46,3% so với tháng trước, đạt 751.093 tấn. Đưa tổng lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay lên 5,3 triệu tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được chào báo ở mức 567 USD/tấn, tăng nhẹ so với 565 USD/tấn một tuần trước.