Việc Ấn Độ chính thức dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm xuất khẩu gạo chưa gây lo ngại cho giá gạo của Việt Nam, ít nhất là đến hết năm 2024.
Sau nhiều đồn đoán, Tổng cục Ngoại thương - Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati từ ngày 28-9. Điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam vẫn cao
Trước đó, Ấn Độ đã từng bước nới chính sách hạn chế xuất khẩu gạo, như giảm thuế suất thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt và gạo nguyên liệu từ 20% còn 10%, có hiệu lực từ ngày 27-9. Nước này cũng nới và sau đó bỏ chính sách giá sàn đối với gạo basmati để tạo thuận lợi cho dòng sản phẩm cao cấp này tiếp cận với các thị trường sinh lợi như châu Âu, Trung Đông và Mỹ.
Trước khi hạn chế tham gia thị trường xuất khẩu gạo, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thị phần. Vì vậy, các chính sách điều hành của nước này được cho là sẽ ảnh hưởng đến thương mại gạo toàn cầu.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore) - chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, nhận định quyết định mới của Ấn Độ không quá bất ngờ nên sẽ không khiến thị trường phản ứng thái quá.
Bà Hương phân tích: Tuy Ấn Độ mở cửa cho thị trường gạo trắng thông dụng nhưng không mở tự do mà áp dụng giá sàn nên sẽ không có chuyện các thương nhân bán ra ồ ạt với giá rẻ. Bên cạnh đó, mức giá sàn 490 USD/tấn là vừa phải, không quá thấp.
Đón đầu việc Ấn Độ mở cửa thị trường, gạo xuất khẩu cùng phân khúc của Myanmar và Pakistan đã giảm còn 470 - 500 USD/tấn để xả hàng. Mặt khác, giá gạo xuất khẩu cùng phân khúc của Việt Nam thời gian qua cũng có xu hướng giảm, một phần do tỉ giá USD/VNĐ giảm. Ngoài ra, nguồn cung gạo phân khúc này hiện không có nhiều, sản lượng thu hoạch từ nay đến cuối năm ít nên không gặp áp lực về tiêu thụ.
Cũng không bất ngờ trước động thái mới của Ấn Độ, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhiều tháng nay, hiệp hội đều tính đến việc nước này có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo bất cứ lúc nào. Theo đánh giá của VFA, các loại gạo của Ấn Độ chủ yếu cấp thấp, bán sang châu Phi trong khi nhiều sản phẩm gạo thơm của Việt Nam chỉ có Thái Lan là đối thủ cạnh tranh.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo lớn tại ĐBSCL cho hay thị trường chính của gạo thông dụng Việt Nam là Indonesia. Trong đợt mở thầu gần nhất, DN trong nước trúng thầu với giá 553 USD/tấn giao tại cảng đến, tương đương khoảng 523 USD/tấn (giá tại cảng đi), không cao hơn nhiều so với giá sàn của Ấn Độ vì giá cước vận chuyển cao hơn. Chưa kể, chất lượng gạo của Việt Nam tốt hơn nên giá có thể giảm nhưng sẽ không nhiều.
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết khi có thông tin về việc Ấn Độ quay lại thị trường gạo thế giới, giá gạo trắng thông dụng xuất khẩu của Việt Nam giảm 5 - 10 USD/tấn, giá nội địa giảm 100 - 200 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gạo thơm như Jasmine, Đài Thơm 8 vẫn ổn định do nguồn cung ít và nhu cầu cao từ các thị trường như Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), châu Phi.
"Khi Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, thương nhân Trung Quốc kỳ vọng giá gạo Việt Nam giảm để tăng nhập khẩu song giá gạo của chúng ta quá cao nên thị trường này nhập ít, chủ yếu là nếp" - ông Trọng thông tin.
Theo số liệu thống kê, 8 tháng đầu năm nay, các DN Việt Nam đã xuất khẩu được 6,06 triệu tấn gạo, thu về 3,792 tỉ USD - tăng 4,72% về lượng và 20,54% về giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng. Như vậy, Việt Nam không phải lo ngại về tồn kho từ nay đến cuối năm bởi chỉ còn vụ thu đông với sản lượng ít và dự báo năng suất không cao do tình hình mưa lũ.
Đến giữa tháng 9-2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6,5 triệu tấn, trị giá trên 4 tỉ USD. Dự báo cả năm, nước ta xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo.
Không chạy theo thành tích
Tuy trước mắt, việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo chưa ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng đến vụ thu hoạch đông xuân đầu năm 2025 - vụ chính của Việt Nam - thì tác động sẽ rõ nét hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết bộ này sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để đánh giá toàn diện tác động từ chính sách điều hành xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nêu quan điểm cá nhân, ông Cường cho rằng nhu cầu gạo thế giới duy trì ở mức cao, gạo xuất khẩu của Ấn Độ tập trung ở phân khúc khác gạo Việt Nam nên ảnh hưởng không lớn.
"Nguồn cung gạo phục vụ xuất khẩu không còn nhiều, chủ yếu là sản lượng gạo vụ thu đông và một ít của vụ đông xuân sớm. Trước thời điểm Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo, hằng năm, Việt Nam vẫn sản xuất trên 43 triệu tấn thóc, xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với giá ổn định" - ông Cường cho hay.
Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định quan điểm phát triển ngành lúa gạo những năm tới là sản xuất theo kế hoạch, tùy nhu cầu thị trường và bảo đảm quyền lợi của nông dân, DN trong chuỗi giá trị bền vững chứ không chạy theo số lượng xuất khẩu để lấy thành tích.
Tỏ ra thận trọng, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho rằng việc Ấn Độ tham gia lại thị trường như "quả bom nổ chậm", có thể ảnh hưởng tới triển vọng của thị trường trong những tháng tới. Tác động đầu tiên, theo ông Bá, là giá gạo giảm.
Để ứng phó, ông Bá cho rằng DN nên tính toán số lượng tồn kho, bảo đảm dự trữ theo quy định nhưng cũng tránh "ôm hàng" quá lớn sẽ gây thua lỗ. Đồng thời, cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc... và châu Phi, mà cần mở rộng ra châu Âu, Mỹ.
Nguồn: CAFEF