Thị trường hàng hoá hôm nay ngày 10/7/2023: Giá dầu WTI tăng 4,56% lên 73,86 USD/thùng; giá dầu Brent chốt tuần tại mức giá 78,47 USD/thùng, cao hơn 4,06%.
Giá dầu tăng tuần thứ 2 liên tiếp
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá hôm nay diễn biến như sau, kết thúc tuần giao dịch ngày 03/07 – 09/07, dầu thô ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng một tháng qua. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 4,56% lên 73,86 USD/thùng và giá dầu Brent chốt tuần tại mức giá 78,47 USD/thùng, cao hơn 4,06% so với tuần trước đó.
Rủi ro nguồn cung thu hẹp trước tác động cắt giảm sản lượng từ các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới đã thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Nguyên nhân chính xuất phát từ việc đơn phương cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày của quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia, duy trì trong tháng 8. Điều đó sẽ đưa sản lượng của vương quốc này xuống còn khoảng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vài năm gần đây.
Trong khi đó, Nga sẽ tự nguyện giảm nguồn cung dầu trong tháng 8 thêm 500 nghìn thùng/ngày trong một nỗ lực đảm bảo sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ.
Tại một cuộc hội thảo giữa các CEO ngành năng lượng và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), Bộ trưởng Năng lượng của Saudi khẳng định liên minh sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để hỗ trợ thị trường.
Thêm vào những lo ngại về nguồn cung gián đoạn, tại Mexico, một vụ hỏa hoạn bùng phát vào tối thứ Sáu ngày 07/07 (theo giờ Việt Nam) tại một giàn khoan ngoài khơi do công ty dầu khí nhà nước Pemex điều hành ở Vịnh Mexico, thậm chí đã dẫn đến thiệt hại về người.
Giàn khoan trên đặt tại khu vực mỏ Cantarell của công ty Pemex, từng là mỏ dầu có sản lượng lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, sản lượng dầu tại mỏ Cantarell đã giảm mạnh nhưng mỏ này vẫn đang cung cấp khoảng 170.000 thùng dầu/ngày.
Loạt tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu có thể bị thu hẹp, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thâm hụt trong nửa cuối năm nay và đã thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần qua.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã đưa ra một số tín hiệu tích cực về nhu cầu của Mỹ, cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Cụ thể, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã giảm 1,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/06, trong khi tồn kho xăng và tồn kho nhiên liệu chưng cất trong tuần trước đều ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 2,5 và 1 triệu thùng.
Tổng sản phẩm cung cấp trong tuần, một thước đo về nhu cầu, cũng đã tăng mạnh gần 1 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 21,235 triệu thùng và vượt mức trung bình 4 tuần qua, cho thấy mức tiêu thụ khởi sắc trong mùa di chuyển cao điểm tại Mỹ.
Dữ liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu Mỹ giảm 5 xuống 540 giàn trong tuần kết thúc ngày 07/07, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Trái lại, số giàn khoan khí đốt tăng mạnh 11 lên mức 135 giàn. Nhà cung cấp dữ liệu từ Reuters cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã tăng lên 102,2 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 7, tăng từ mức trung bình 100,9 feet khối/ngày trong tháng 6 và đang trên đà vượt mức cao kỷ lục hàng tháng 101,9 triệu thùng/ngày hồi tháng 5.
Nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn đã kéo giá khí tự nhiên giảm 7,72% xuống còn 2,58 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, và trở thành mặt hàng duy nhất trong nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc đỏ vào tuần qua.
Cà phê Robusta tăng vọt 5%
Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp với 9 trên 10 mặt hàng đóng cửa tăng giá. Sau 2 tuần giảm liên tiếp do nguồn cung có những tín hiệu tích cực, giá Robusta đã quay lại đà tăng khi đóng cửa tuần cao hơn 5,22% so với tham chiếu. Đà hồi phục trong tuần qua chủ yếu được hỗ trợ từ mức tăng mạnh hơn 4% vào phiên hôm thứ Sáu.
Lũy kế xuất khẩu cà phê Robusta dạng hạt trong 5 tháng đầu năm 2023 tại Indonesia chỉ ở mức 55.440 tấn, thấp hơn 45% mức 80.196 nghìn tấn cà phê được vận chuyển trong cùng kỳ năm 2022. Giới quan sát nhận định, sản lượng cà phê thấp hơn dự kiến tại Indonesia vẫn là một yếu tố quan trọng hỗ trợ giá, thông qua việc phí bảo hiểm vật chất tại quốc gia này tăng trong thời gian gần đây.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày cuối tuần trước (08/07), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh đến 1.900 đồng/kg, được thu mua trong khoảng 66.300 – 66.700 đồng/kg, cao hơn đến 2.000 đồng/kg so với tuần trước đó.
Trong khi đó, giá Arabica đóng cửa tuần chỉ tăng hơn 1%. Diễn biến trong tuần giằng co do thông tin trái chiều về nguồn cung. Một mặt, hoạt động thu hoạch diễn ra tích cực tại vùng trồng cà phê chính của Brazil kết hợp cùng triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 giúp thị trường giảm bớt lo ngại về nguồn cung Arabica đang ở mức thấp trước đó.
Mặt khác, đà giảm của tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE dù có sự điều chỉnh so với giai đoạn tháng 05 đổ về trước nhưng lượng hàng bổ sung còn khá ít, khiến dữ liệu này trở nên giằng co. Hiện tại, số cà phê Arabica đạt chuẩn lưu trữ tại các cảng của ICE đang ở mức 545.050 bao loại 60kg, duy trì xu hướng đi ngang từ giữa tháng 06.
Giá hai mặt hàng đường cũng có sự khởi sắc sau 2 tuần giảm liên tiếp, đóng cửa tuần giá đường thô tăng 3,25% và giá đường trắng tăng hơn 4% so với tham chiếu.
Nhu cầu về đường gia tăng sau khi Mỹ mở rộng hạn ngạch nhập khẩu. Cụ thể, quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ ba thế giới thông báo tăng hạn ngạch nhập khẩu thuế quan đối với đường mía thô lên 125.000 tấn. Theo dự kiến, Mỹ có thể sẽ nhập khẩu 5 triệu tấn đường trong niên vụ 2023/24.
Hơn nữa, việc giá dầu thô tăng mạnh hơn 4%, kích thích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho chiết suất ethanol. Mía đường là nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất ethanol và đường, nên việc gia tăng tỷ trọng trong chiết xuất ethanol đã gián tiếp khiến sản lượng đường tại Brazil thu hẹp, gây áp lực lên nguồn cung đường ở mức thấp trên toàn cầu.
Giá một số hàng hoá khác
NGUỒN: MXV