Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá trong ngày giao dịch hôm qua 5/6.
Sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá, tuy nhiên lực mua có phần chiếm ưu thế hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt ngày nhích nhẹ 0,07% lên 2.273 điểm, đứt chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp trước đó.
Giá dầu phục hồi sau 5 ngày giảm mạnh
Đóng cửa ngày 5/6, giá dầu phục hồi trở lại sau 5 ngày giảm giá liên tiếp đó. MXV cho biết, yếu tố vĩ mô tạm thời lấn át lo ngại về cung cầu, là nguyên nhân chính thúc đẩy đà tăng của giá. Chốt ngày, giá dầu tăng 1,12% lên 74,07 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,15% lên 78,41 USD/thùng.
Báo Cáo Nhân Dụng Quốc Gia ADP cho biết thay đổi việc làm phi nông của Mỹ trong tháng 5 đạt mức 152.000 việc làm, giảm mạnh từ mức điều chỉnh giảm 188.000 việc làm trong tháng trước, cũng như thấp hơn so với mức dự báo 173.000 việc làm mới của giới phân tích. Số liệu trên phản ánh tín hiệu thu hẹp trên thị trường lao động Mỹ, làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất trong thời gian tới nhằm tránh nền kinh tế “hạ cánh cứng”. Giá dầu đã được hỗ trợ đáng kể sau dữ liệu này.
Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện nhận thấy gần 69% khả năng lãi suất sẽ giảm vào tháng 9, tăng đáng kể so với con số 50% trong tuần trước.
Ngoài ra, dữ liệu từ Viện quản lý cung ứng (ISM) Mỹ cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng phi sản xuất của nước này trong tháng 5 ghi nhận 53,8 điểm, cao hơn dự báo thị trường và cho thấy hoạt động mở rộng trở lại sau khi thu hẹp trong tháng 5. PMI hỗn hợp của S&P Global cũng cao hơn dự báo, đạt 54,5 điểm, bất chấp lo ngại hoạt động kinh tế của Mỹ đang có xu hướng gặp áp lực. Điều này đã làm gia tăng sự lạc quan trên thị trường dầu thô.
Về yếu tố cung cầu, báo cáo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 2,1 triệu thùng và 3,19 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 31/5, phản ánh nhu cầu tiếp tục chững lại. Tuy nhiên, tồn kho dầu thô thương mại tăng 1,23 triệu thùng, thấp hơn so với công bố tăng 4 triệu thùng của API trong phiên sáng, đã hạn chế áp lực cho giá.
Ngoài ra, với xu hướng liên tục hạ nhiệt của giá dầu về mức thấp nhất gần 4 tháng, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm hôm thứ Ba cho biết Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ bổ sung cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của nước này. Thông tin trên cũng đã hỗ trợ giá dầu phục hồi.
Kim loại quý hồi phục
Kết thúc ngày giao dịch 5/6, thị trường kim loại diễn biến phân hóa. Tương tự dầu thô, cả hai kim loại quý là bạc và bạch kim đồng loạt phục hồi trong sắc xanh sau khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế yếu. Chốt ngày, giá bạc tăng 1,54% lên 30,07 USD/ounce, giá bạch kim lấy lại mốc 1.000 USD/ounce sau khi tăng 0,44%.
Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt vẫn duy trì ở vùng đáy 7 tuần, đóng cửa giảm 0,66% xuống 106,79 USD/tấn, do nhu cầu yếu trong lĩnh vực sản xuất thép tại Trung Quốc. Theo dữ liệu của BigMint, do nhu cầu thấp, vào giữa tháng 3, sản lượng tại các nhà máy thép trọng điểm lên tới gần 20 triệu tấn, mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 và là một trong những mức cao nhất trong cùng kỳ 4 năm qua.
Tuy vậy, mức giảm của phiên hôm qua đã thu hẹp hơn hẳn so với các phiên trước. Các chuyên gia trong ngành dự báo rằng một số nhà máy thép của Trung Quốc có thể quay trở lại dự trữ hàng hóa để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong Lễ hội Thuyền rồng sắp tới, điều này có thể hạn chế tình trạng giảm giá quặng sắt.
Trong diễn biến khác, giá niken LME giảm hơn 4%, dẫn dắt đà giảm của nhóm kim loại, xuống 18.288 USD/tấn, chủ yếu cũng do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ yếu tại Trung Quốc, trong khi triển vọng nguồn cung lạc quan hơn. Theo dự báo của tập đoàn sản xuất niken lớn nhất thế giới, Norilsk Nickel của Nga, thặng dư niken toàn cầu sẽ vào khoảng 100.000 tấn trong năm nay và năm tới, tăng so với mức thặng dư 80.000 tấn của năm 2023.
Giá một số hàng hóa khác
NGUỒN: MXV