Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 17/6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá.
Các mặt hàng trong nhóm năng lượng tăng giá trong khi nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại đồng loạt giảm đã khiến chỉ số MXV-Index suy yếu 0,54% xuống 2.283 điểm, nối dài chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp.
Giá ca cao giảm mạnh do nhu cầu đi xuống
Kết phiên giao dịch ngày 17/6, giá ca cao hợp đồng tháng 9 giảm mạnh 5,7%, xuống còn 9.151 USD/tấn. Trong tháng 5, lượng ca cao xay của Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu yếu đi.
Trong khi đó, đa phần các thông tin cơ bản trên thị trường vẫn cho thấy nguồn cung đang thiếu hụt. Các nhà xuất khẩu ca cao ước tính, đến 16/6, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,562 tấn, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thông tin Bờ Biển Ngà dừng bán và xuất khẩu ca cao trong tháng 6 để hỗ trợ hoạt động nội địa càng khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.
Giá cà phê tăng lần lượt 1,3% với Arabica và 1,2% với Robusta trước doanh số bán hàng chậm chạp của Brazil. Safras & Mercado cho biết, tính đến ngày 11/6, Brazil đã thu hoạch 37% mùa vụ nhưng mới bán được 22% sản lượng cà phê tiềm năng của năm 2024, chậm hơn mức 26% của cùng kỳ năm ngoái và mức 32% của trung bình 5 năm gần nhất.
Hơn thế, mưa diễn ra tại các vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, giúp nguồn cung vụ 2024-2025 tạm thời không đi theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên, sản lượng vụ mới dự kiến vẫn giảm so với vụ hiện tại và là mức thấp nhiều năm do không thể cải thiện hoàn toàn ảnh hưởng từ khô hạn đầu năm.
Giá đường thô giảm 2,3% so với tham chiếu do sức ép từ lượng đường thặng dư trên toàn cầu. Công ty thương mại và dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow (CZ) cho biết, thị trường đường toàn cầu có thể thặng dư 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025 khi sản lượng tăng tại các quốc gia sản xuất chính.
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung
Chốt phiên hôm qua, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6 trong bối cảnh rủi ro địa chính trị bên cạnh áp lực nguồn cung. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,4% lên 80,33 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,97% lên 84,25 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu được hỗ trợ khi xung đột tại chảo lửa Trung Đông vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp nỗ lực hòa giải quốc tế. Mới đây nhất, phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari đã cho biết trong một tuyên bố rằng, hỏa lực xuyên biên giới tăng cường từ phong trào Hezbollah của Lebanon vào Israel có thể gây ra sự leo thang nghiêm trọng và phía Israel sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả.
Trong khi đó, Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, tổ chức chính cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza, nói rằng không có sự tạm dừng nào trong các hoạt động quân sự của Israel, bất chấp thông báo của quân đội nước này trong Chủ nhật về việc tạm dừng chiến thuật trong các hoạt động quân sự.
Áp lực nguồn cung cũng đã khiến giá dầu bật tăng mạnh mẽ khi Đan Mạch đang xem xét các biện pháp để ngăn chặn “đội tàu chở dầu bóng tối” vận chuyển dầu của Nga qua Biển Baltic. Nga vận chuyển khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển, tương đương 1,5% nguồn cung toàn cầu, qua eo biển Đan Mạch, cửa ngõ vào Biển Baltic, vì vậy bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn nguồn cung đều có thể khiến giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, theo tổ chức nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng sẽ khiến tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu chậm lại không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài sang 2025. Cụ thể, Rystad cho biết tổng tăng trưởng nguồn cung dầu dự kiến hiện chỉ đạt gần 80.000 thùng/ngày cho năm 2024, giảm mạnh so với ước tính tăng 900.000 thùng/ngày trước đó, đánh dấu năm đầu tiên kể từ 2020 tăng trưởng nguồn cung dầu thế giới gần như bằng 0.
Giá một số hàng hóa khác
NGUỒN: MXV