Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 23/10.
Trên thị trường năng lượng, giá hai mặt hàng dầu thô quay đầu suy giảm sau hai phiên khởi sắc trong bối cảnh tồn kho dầu thô Mỹ tăng vọt và đồng USD mạnh lên. Ở chiều ngược lại, thị trường nông sản có nhiều tích cực khi giá ngô tăng phiên thứ ba liên tiếp nhờ xuất khẩu của Mỹ sôi động và nguồn cung từ Brazil bị thu hẹp. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,48% xuống 2.183 điểm.
Giá dầu thế giới đảo chiều do tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng vọt
Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, giá dầu thế giới đảo chiều giảm, chủ yếu do tồn kho dầu thô tại Mỹ tăng vượt mức kỳ vọng và đồng USD tăng mạnh.
Cụ thể, cả hai mặt hàng dầu thô chủ chốt đều suy giảm mạnh, với WTI giảm 1,35% xuống 70,77 USD/thùng và Brent giảm 1,42% còn 74,96 USD/thùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/10 đã bất ngờ tăng vọt 5,47 triệu thùng, đạt mức 426 triệu thùng. Đáng chú ý, mức tăng này cao hơn nhiều so với dự báo 270.000 thùng của Reuters, phản ánh nhu cầu nhiên liệu của Mỹ đang chậm lại và nguồn cung trên thị trường đang dư thừa.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Công ty dầu khí Lipow Oil Associates, nguyên nhân tồn kho dầu tăng mạnh đến từ sự phục hồi trong hoạt động nhập khẩu sau các cơn bão lớn tại Mỹ. Cụ thể, nhập khẩu ròng dầu thô tăng 913.000 thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu giảm nhẹ 11.000 thùng/ngày xuống 4,11 triệu thùng/ngày. Đồng thời, sau thời gian bảo trì theo mùa, công suất lọc dầu của các nhà máy cũng tăng 329.000 thùng/ngày và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ngoài ra, áp lực giảm giá còn đến từ việc đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 7, sau khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với tốc độ chậm rãi. Hệ quả là đồng USD mạnh lên khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nước nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, tại khu vực Trung Đông, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Israel tiến hành không kích dữ dội vào thành phố cảng Tyre của Lebanon, đồng thời xác nhận đã tiêu diệt Hashem Safieddine - người thừa kế lãnh đạo của lực lượng Hezbollah. Diễn biến này cho thấy nỗ lực hòa giải của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chưa mang lại kết quả. Điều này đã giúp hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên.
Giá ngô nối dài đà tăng
Thị trường nông sản diễn biến tương đối giằng co trong phiên giao dịch ngày hôm qua, các mặt hàng chủ chốt như ngô và lúa mì đều ghi nhận mức tăng nhẹ. Đối với ngô, đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của mặt hàng này, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ đón nhận những tín hiệu tích cực.
Trong báo cáo Bán hàng Hàng ngày công bố hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo các nhà xuất khẩu đã bán được đơn hàng ngô lớn với khối lượng 100.000 tấn cho một nước giấu tên, dự kiến giao trong niên vụ 2024-2025 hiện tại. Đây là phiên giao dịch thứ 6 liên tiếp USDA ghi nhận sự xuất hiện của các đơn hàng ngô lớn, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với mặt hàng này đang tăng mạnh và điều này đã tác động mạnh lên giá.
Bên cạnh đó, sự thu hẹp của nguồn cung từ Brazil trong năm nay cũng giúp nâng cao triển vọng của ngô Mỹ trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. Cụ thể, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil dự báo rằng nước này có thể xuất khẩu 6,24 triệu tấn ngô trong tháng 10, giảm mạnh so với mức 8,45 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do mùa vụ năm nay của Brazil bị thiệt hại nặng bởi hạn hán, khiến nguồn cung cho xuất khẩu bị thu hẹp.
Trên thị trường nội địa ngày 23/10, giá chào bán ngô Nam Mỹ ghi nhận mức tăng nhẹ tại các cảng chính. Cụ thể, tại cảng Vũng Tàu, ngô kỳ hạn giao tháng 12/2024 được chào bán trong khoảng 6.550 - 6.600 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao hàng tháng 1 năm sau, mức giá dao động từ 6.600 - 6.750 đồng/kg. Trong khi đó, tại cảng Cái Lân, giá chào bán được ghi nhận thấp hơn từ 50 - 100 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu.
Đối với lúa mì, mặc dù giá diễn biến giằng co trong suốt phiên hôm qua nhưng vẫn đóng cửa với mức tăng nhẹ 0,43%. Triển vọng nguồn cung từ Nga - nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới - tiếp tục suy giảm trong năm tới do thời tiết bất lợi là yếu tố chính hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.
NGUỒN: MXV