Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết diễn biến trái chiều trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong phiên giao dịch hôm qua (24/7).
Trong khi phần lớn các mặt hàng nhóm nông sản và năng lượng đóng cửa trong sắc xanh thì giá nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại đồng loạt giảm.
Đáng chú ý, ngược chiều với xu hướng của nhóm, giá cà-phê Robusta ghi nhận phiên tăng thứ ba. Chốt phiên, chỉ số MXV-Index tăng nhẹ lên mức 2.239 điểm - cắt đứt chuỗi ba phiên giảm.
Phát hiện kho dự trữ cà-phê Brazil gần cạn, giá cà-phê tiếp tục đi lên
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận lực mua tích cực với 8 trên 9 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, thị trường cà-phê tiếp tục tăng nhẹ, nối dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, giá cà-phê Arabica ghi nhận mức tăng tăng hơn 1,1% lên mức 6.720 USD/tấn trong khi giá cà-phê Robusta cũng tăng gần 1,5% lên mức 3.349 USD/tấn.
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin cho rằng sản lượng vụ mùa cà-phê Arabica của nước này thực tế chỉ đạt 30–32 triệu bao loại 60kg, thấp hơn đáng kể so với mức gần 37 triệu bao mà Cơ quan Cung ứng Quốc gia Brazil (Conab) công bố. Củng cố cho nhận định trên, tại sự kiện 10º Coffee Dinner & Summit do Cecafé tổ chức, đại diện các tập đoàn cà-phê quốc tế đã tiến hành khảo sát trực tiếp tại các vùng trồng chủ lực và bày tỏ sự thất vọng trước thực trạng sản lượng. Nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực địa hoàn toàn trái ngược với báo cáo mà các hệ thống trí tuệ nhân tạo đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, nhiều người cũng khá bất ngờ nhận ra kho dự trữ cà-phê tại Brazil gần như đã cạn.
Thêm vào đó, lượng cà-phê xuất khẩu của Brazil đã giảm mạnh kể từ đầu năm. Cụ thể, xuất khẩu cà-phê nhân xô của Brazil trong tháng 6 chỉ đạt 2,3 triệu bao giảm mạnh 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cecafe, tính đến ngày 24/5, lượng xuất khẩu cà-phê bao gồm Arabica và Robusta chỉ đạt 1,77 triệu bao, với tốc độ này thì lượng xuất khẩu có khả năng sẽ còn thấp hơn tháng 6.
MXV cho rằng, dù vụ thu hoạch cà-phê tại Brazil đang bước vào giai đoạn cuối, phần lớn nông dân vẫn giữ tâm lý dè dặt, chưa sẵn sàng bán ra ở mức giá hiện tại. Thực tế này khiến hoạt động vận chuyển từ nông trại về kho diễn ra hết sức trầm lắng, với nhiều kho dự trữ bị rơi vào tình trạng gần như trống rỗng, trong khi sản lượng thì giảm mạnh.
Ngoài ra, tình hình thời tiết tại Brazil cũng gây ra nhiều lo ngại trên thị trường. Dự báo một đợt không khí lạnh mới có thể tiến đến các vùng trồng cà-phê trong vài ngày tới, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến vụ mùa vốn đã chịu nhiều bất lợi thời gian qua. Tuần trước, bang Minas Gerais đã ghi nhận lượng mưa lớn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của cây cà-phê, qua đó hỗ trợ giá cà-phê phục hồi mạnh mẽ.
Theo cập nhật từ dịch vụ thời tiết thế giới, điều kiện khô hạn kéo dài tại các khu vực trồng cà-phê của Indonesia dự kiến sẽ có sự chuyển biến khi mưa bắt đầu xuất hiện trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, mưa đầu mùa được dự báo sẽ phân bố rải rác và chỉ ở mức nhỏ.
Tại Việt Nam, tàn dư của bão nhiệt đới Wipha đã gây ra lượng mưa trên 25cm ở dọc khu vực bờ biển phía Bắc trong tuần này. Dù vậy, các vùng sản xuất cà-phê chủ lực không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đợt mưa lớn này. Dự báo của các cơ quan khí tượng cho thấy, tình trạng lượng mưa dưới mức trung bình nhiều năm khả năng sẽ tiếp diễn trong vòng 7–10 ngày tới.
Giá bạc chịu sức ép từ yếu tố vĩ mô
Ở chiều ngược lại, thị trường kim loại chứng kiến lực bán áp đảo với 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Đặc biệt là giá bạc khi có phiên thứ hai liên tiếp suy yếu, ghi nhận mức giảm hơn 0,7% về mức 39,22 USD/ounce. Đà giảm này chủ yếu xuất phát trong bối cảnh thị trường đánh giá những tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại giữa Washington và các đối tác quốc tế, cũng như khả năng Mỹ điều chỉnh lãi suất.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được thỏa thuận thương mại quan trọng với Nhật Bản, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ thương mại song phương. Theo đó, mức thuế đối ứng áp dụng với hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm từ 25% xuống còn 15%. Đổi lại, Nhật Bản cam kết thực hiện một gói đầu tư và cho vay lên tới 550 tỷ USD cho thị trường Mỹ trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành ô tô – lĩnh vực chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào Mỹ cũng hưởng lợi khi mức thuế được điều chỉnh giảm mạnh từ 27,5% xuống còn 15%
Trong khi đó, theo các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU), Washington và EU dường như đang hướng đến thỏa thuận áp mức thuế 15% đối với hàng hóa EU xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, những dữ liệu mới nhất phản ánh sức khỏe thị trường lao động Mỹ đang duy trì ở mức ổn định, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào cuối tháng này.
Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 19/7 tiếp tục giảm tuần thứ 6 liên tiếp, đạt mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 với 217.000 đơn, thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Đồng thời, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình 4 tuần cũng giảm xuống còn 224.500 đơn, ghi nhận mức thấp nhất trong hai tháng gần đây.
Theo công cụ dự báo CME Fedwatch Tool, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong vùng 4,25 - 4,5% lên tới 97,4%, trong khi khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 4 - 4,25% chỉ ở mức 2,6%. Lãi suất cao sẽ giúp củng cố sức mạnh của đồng USD, qua đó khiến các loại hàng hóa định giá bằng đô la Mỹ như bạc trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sử dụng các đồng tiền khác. Điều này có thể kéo giảm nhu cầu đầu tư và từ đây gây áp lực lên giá.
Tại thị trường trong nước, giá bạc ghi nhận diễn biến đồng pha với xu hướng quốc tế, dù có độ trễ nhất định. Sau phiên tăng mạnh trước đó, giá bạc trong ngày 25/7 đã quay đầu giảm.
Tại Hà Nội, giá bạc giảm ở cả hai chiều mua - bán, được niêm yết ở mức 1.221.000 đồng/lượng (mua vào) và 1.255.000 đồng/lượng (bán ra). Tại TP.Hồ Chí Minh, giá bạc cũng điều chỉnh giảm tương tự, hiện dao động quanh 1.223.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1.260.000 đồng/lượng ở chiều bán.
NGUỒN: MXV