Bản tin MXV ngày 25/09/2024: Sắc xanh tràn ngập bảng giá kim loại, thị trường nông sản rung lắc
Tác giảHải Bùi

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, lực mua tiếp tục chiếm áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (24/9) kéo chỉ số MXV-Index tăng hơn 1,5% lên mức 2.203 điểm.

Đáng chú ý, giá toàn bộ mặt hàng kim loại đồng loạt tăng mạnh sau khi Trung Quốc tung ra gói chính sách kích thích kinh tế lớn nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 và căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Đi ngược chiều với các nhóm hàng, nhiều mặt hàng nông sản như ngô, lúa mì quay đầu suy yếu sau phiên giao dịch khởi sắc đầu tuần. 

Giá kim loại đồng loạt bật tăng  

Kết thúc ngày giao dịch 24/9, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng giá nhờ sự hỗ trợ của yếu tố vĩ mô, đặc biệt là động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đều phục hồi trở lại với mức tăng lần lượt là 4,33% và 2,69%, đóng cửa tại mức 32,43 USD/ounce và 987,7 USD/ounce. 

Dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm kim loại quý khi thị trường phản ứng với động thái hạ lãi suất 50 điểm cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần trước. Ngoài ra, giá bạc, bạch kim tiếp tục mở rộng mức tăng gần đây khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn. Nỗi lo về một cuộc xung đột mới liên quan đến Iran đang dần tăng cao sau khi Israel nhắm vào các vị trí của Hezbollah ở miền nam Lebanon. 

Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng trong nhóm đồng loạt tăng mạnh sau động thái kích thích kinh tế của Trung Quốc, thị trường tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới. Trong đó, diễn biến đáng chú ý nhất là mức tăng 3,31% lên mức 9.902 USD/tấn của giá đồng COMEX. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất trong vòng hơn hai tháng. Giá quặng sắt cũng phục hồi từ mức đáy một năm nhờ tăng 5,9% lên 94,74 USD/tấn. 

Cụ thể, trong sáng ngày hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố kế hoạch tung ra gói kích thích kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, động thái mới nhất của Chính phủ nước này nhằm vực dậy nền kinh tế đang yếu kém.  

Gói kích thích này bao gồm giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), giảm 20 – 30 điểm đối với lãi suất cho vay trung hạn (MLF) và lãi suất cho vay cơ bản (LPR), cùng với một loạt lãi suất khác. Ngoài ra, PBOC cũng công bố gói hỗ trợ thị trường bất động sản đang chìm trong khủng hoảng, bao gồm giảm chi phí vay lên tới 5.300 tỷ USD cho các khoản thế chấp và nới lỏng các quy định về việc mua ngôi nhà thứ hai. 

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách nước này công bố gói kích thích muộn hơn so với kỳ vọng của thị trường, tuy nhiên, đây vẫn được coi là tín hiệu tốt giúp vực dậy niềm tin của người dân, qua đó giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và sớm lấy lại đà tăng trưởng. Nhờ đó, giá đồng hay quặng sắt, mặt hàng vốn nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, đã bật tăng mạnh ngay từ phiên sáng hôm qua và chốt phiên với mức tăng mạnh. 

Giá ngô và lúa mì đồng loạt suy yếu 

Giá ngô hợp đồng tháng 12 diễn biến giằng co trong phiên giao dịch ngày 24/9 và đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,42%. Một mặt, phe bán được thúc đẩy bởi tình hình mùa vụ tích cực ở Mỹ. Mặt khác, giá ngô vẫn nhận được sự hỗ trợ từ kết quả xuất khẩu khả quan của nước này trong báo cáo giao hàng hồi đầu tuần. 

Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, trong tuần trước, tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt/tuyệt vời đạt 65%, không đổi so với một tuần trước và cao hơn mức 64% kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh đó hoạt động thu hoạch cũng được đẩy mạnh, với khoảng 14% diện tích đã hoàn thành tính tới ngày 22/9, thấp hơn mức 17% dự đoán của giới phân tích, nhưng vẫn cao hơn các dữ liệu lịch sử. Những dữ liệu trên cho thấy mùa vụ ở Mỹ vẫn đang diễn ra thuận lợi và gây áp lực lớn lên giá ngô. 

Tương tự như ngô, giá lúa mì hợp đồng tháng 12 cũng rung lắc mạnh trong phiên hôm qua, và phe bán đã chiếm ưu thế hơn khiến giá đóng cửa với mức giảm 0,77%. Áp lực bán đối với giá lúa mì chủ yếu xuất pháp từ động thái chốt lời của thị trường, trong bối cảnh triển vọng nguồn cung từ khu vực Biển Đen vẫn chưa có tín hiệu tích cực.  

Theo dữ liệu từ báo cáo Crop Progress, 96% diện tích lúa mì xuân của Mỹ đã được thu hoạch tính tới ngày 22/9, tăng 4 điểm phần trăm so với một tuần trước và cao hơn mức 95% dự đoán. Đối với lúa mì đông, hoạt động gieo trồng đang được đẩy mạnh với khoảng 25% diện tích dự kiến đã hoàn thành, tăng 11 điểm phần trăm so với một tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn mức 27% kỳ vọng của thị trường. Nhìn chung, vụ lúa mì năm nay ở Mỹ vẫn đang diễn ra thuận lợi và điều đó góp phần gây áp lực lên giá mặt hàng này. 

Trong khi đó thời tiết cực đoan ở Nga đang làm xấu đi triển vọng sản lượng ngũ cốc năm nay cũng như gây gián đoạn cho hoạt động gieo trồng vụ mới ở quốc gia này, giúp hỗ trợ giá lúa mì. Mưa lớn khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị úng nước và hoạt động sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. 

Giá một số loại hàng hóa khác

NGUỒN: MXV



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
TIN TỨC THỊ TRƯỜNG:

Bạn cần hỗ trợ?