BẢN TIN THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ NGÀY 24/10/2023
Tác giảAdministrator

NÔNG SẢN

Thị trường nông sản diễn biến rung lắc khá mạnh trong phiên hôm qua, đặc biệt là với nhóm đậu tương. Mùa xuất khẩu nông sản của Mỹ bước vào giai đoạn cao điểm cũng là lúc thị trường hướng sự quan tâm đến các số liệu từ báo cáo Export Inspections. Đây cũng là yếu tố chính đã tác động đến giá các mặt hàng.

Khối lượng giao hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/10 tiếp tục tăng so với tuần trước đó lên mức 2,5 triệu tấn. Đây là tuần thứ 6 liên tiếp mà báo cáo Giao hàng xuất khẩu ghi nhận số liệu giao hàng cải thiện. Xuất khẩu của Mỹ cải thiện, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung khô đậu của Argentina thiệt hại do mùa vụ hạn hán vừa qua.

Điều này lý giải cho việc giá đậu tương và khô đậu bật tăng mạnh khi bước vào phiên tối. Tuy nhiên, áp lực chốt lời của giới đầu cơ tại vùng kháng cự quan trọng 425 đã đẩy giá khô đậu suy yếu trở lại khi đóng cửa. Diễn biến tương tự, giá đậu tương cũng đóng cửa với mức giảm hơn 1% .Trong khi đó, dầu đậu tương lao dốc và là mặt hàng nông sản giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua. Trong bối cảnh thiếu vắng những thông tin cơ bản, giá dầu đậu bị ảnh hưởng gián tiếp từ đà giảm của giá dầu thô.

Trái ngược với diễn biến rung lắc của nhóm đậu tương, lực bán duy trì trên thị trường ngô ngay từ mở cửa. Mưa lớn đã xuất hiện ở các vùng nông nghiệp trên khắp nước này trong cuối tuần vừa rồi, giúp cải thiện triển vọng mùa vụ của Argentina, khi mà hoạt động trồng ngô ở nước này bị trì hoãn trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của hạn hán.

Giá lúa mì diễn biến tương đối giằng co trong phiên đầu tuần và đóng cửa với mức tăng không đáng kể. Một mặt, triển vọng nguồn cung từ Nga tiếp tục được cải thiện đã tác động “bearish” lên giá lúa mì. Ngược lại, lực mua kỹ thuật của thị trường đã giúp giá hồi phục trở lại trong cuối phiên.

KIM LOẠI

Kết thúc ngày giao dịch ngày 23/10, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá nhóm kim loại. Đối với kim loại quý, cả ba mặt hàng đều giảm giá. Trong đó, giá bạc giảm mạnh nhất nhóm khi giảm 1,25%, chốt phiên tại mức 23,21 USD/ounce. Giá vàng đóng cửa tại mức 1.972,59 USD/ounce sau khi để mất 0,43%. Giá bạch kim gần như đi ngang khi chỉ suy yếu nhẹ 0,01%, chốt phiên tại mức 905 USD/ounce.

Sau mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, giá kim loại quý suy yếu trở lại trong phiên đầu tuần, chủ yếu là do lực bán chốt lời của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của kim loại quý đã bị lu mờ trước đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong phiên giao dịch hôm qua, đã có lúc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt 5%. Đây là lần đầu tiên mức lợi suất này vượt qua mốc 5% kể từ năm 2007.

Trong khi đó, kim loại quý là tài sản không mang lãi suất. Do vậy, việc lợi suất trái phiếu Mỹ liên tục leo thang đã làm giảm sức hấp dẫn của bạc và bạch kim, gây sức ép lên giá. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và giá quặng sắt
đều phục hồi trong sắc xanh. Cụ thể, giá đồng COMEX tăng 0,66% lên mức 3,58 USD/pound, trong khi giá quặng sắt tăng lên 112,77 USD/tấn sau khi tăng 0,18%. Trong phiên giao dịch hôm qua, cả giá đồng và giá quặng sắt đều được hỗ trợ trước tin đồn Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, chuẩn bị tung ra biện pháp kích thích kinh tế mới.

Cụ thể, các nguồn tin chia sẻ với Reuters rằng, nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ Quốc hội Nhân dân Toàn quốc (NPC), sẽ phê duyệt việc phát hành thêm khoản nợ trị giá hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD) vào ngày 24/10.

Ngoài ra, theo một nguồn tin nhà nước, Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ thông qua trong tuần này một dự luật cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ.

Những động thái phát hành thêm nợ chính phủ bổ sung của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng và khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng các mặt hàng kim loại được sử dụng chủ yếu trong xây dựng như đồng hay sắt thép, hỗ trợ cho giá.

Tuy vậy, giá quặng sắt chỉ nhận được mức tăng khiêm tốn do triển vọng tiêu thụ thép tại Trung Quốc vẫn còn yếu. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel, trong tuần 13 – 19/10, tỷ lệ sử dụng công suất lò cao trong số 247 nhà sản xuất thép Trung Quốc được khảo sát bởi Mysteel đã giảm tuần thứ ba liên tiếp xuống còn 90,62%.

Hơn nữa, nhiều nhà máy thép ở Trung Quốc đã tạm dừng các lò nung để bảo trì trong những tuần gần đây, do biên lợi nhuận không được đảm bảo.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Kết thúc phiên giao dịch 23/10, giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ 8 liên tiếp, đẩy giá giao dịch hiện tại lên cao nhất trong 4 tháng. Giá Arabica cũng tăng thêm 0,36% trong phiên hôm qua, chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 8. Lo ngại về khả năng xuất khẩu cà phê ở hiện tại đang là yếu tố chính hỗ trợ giá.

Mưa dự kiến sẽ tiếp tục lan rộng trong thời gian tới tại khu vực phía Nam và Đông Nam của Brazil, làm gia tăng những khó khăn trong hoạt động vận chuyển cà phê. Điều này tạo ra tâm lý hoang mang và lo ngại việc hạn chế lượng cà phê xuất khẩu tại Brazil.

Bên cạnh đó, vấn đề khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam trong bối cảnh cà phê vụ cũ đã hết và vụ mới chưa sẵn sàng để cung ứng cũng tạo nên áp lực cho hoạt động xuất khẩu ở hiện tại.

Hơn nữa, tồn kho cà phê trên Sở ICE ở mức thấp cũng góp phần tăng thêm áp lực lên khả năng đảm bảo nguồn cung trên thị trường. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đang ở mức thấp nhất trong 11 tháng với 421.424 bao loại 60kg. Trong khi, tổng lượng Robusta ghi nhận tại Sở ICE-EU là 35.860 tấn, thấp nhất trong 10 tuần và đang quay về vùng thấp lịch sử từng ghi nhận từ năm 2016.

Giá hai mặt hàng đường dẫn đầu đà tăng của nhóm trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá đường 11 tăng 2,35% và giá đường trắng cao hơn 2,24% so với mức tham chiếu. Nguồn cung bấp bênh tại các quốc gia sản xuất hàng đầu đang thúc đẩy giá đi lên.

Mưa lớn tại Brazil không chỉ khiến hoạt động vận chuyển đường gặp khó khăn, điều này còn gây áp lực lên hoạt động sản xuất đường trong nửa đầu tháng 10. Trước đó, tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA đã dự đoán sản lượng đường nửa đầu tháng 10 tại Brazil sẽ có sự suy yếu do ảnh hưởng xấu từ thời tiết.

Đồng thời, những lo ngại về El Nino khiến sản lượng đường thấp tại Ấn Độ và Thái Lan vẫn còn hiện hữu. Trong tuần trước, chính phủ Ấn Độ đã quyết định sẽ gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu đường vô thời hạn và chưa phân rõ hạn ngạch xuất khẩu cho vụ mới.

Giá bông cũng ghi nhận mức tăng khá tốt trong phiên hôm qua khi cao hơn mức tham chiếu gần 2%. Dollar Index yếu đi đã phần nào thúc đẩy lực mua trở lại thị trường.


Chỉ số Dollar Index đã giảm 0,59% ngay phiên đầu tuần, đồng nghĩa với việc đồng USD suy yếu và giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí giảm đi đã kích thích lực mua gia tăng, từ đó kéo giá đi lên.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu giảm hơn 2% khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia tăng cường nỗ lực ngoại giao ở Trung Đông, nhằm ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas. Điều này làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu trong khu vực. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,94% xuống 85,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,53% xuống 89,83 USD/thùng.

Các nước phương Tây đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột Israel - Hamas lan rộng. Các nhà lãnh đạo châu Âu (EU) tán thành lời kêu gọi của Liên hợp quốc về việc tạm dừng cuộc chiến vì lý do nhân đạo, để viện trợ có thể đến tay người Palestine ở Gaza. Tổng thống Biden đã nói chuyện với các tổng thống Canada, Pháp, Đức và Ý để tăng cường phối hợp giữa các đồng minh. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan và Tổng thống Pháp Macron cũng sẽ đến thăm Israel trong tuần này.

Mặt khác, Hamas đã thả tự do cho 2 phụ nữ Israel 79 tuổi và 85 tuổi, nằm trong số hơn 200 con tin bị bắt trong cuộc bạo loạn ngày 7/10 ở miền nam Israel. Số phận của các con tin đã làm phức tạp thêm kế hoạch của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về một cuộc tấn công trên bộ vào Gaza.

Các nhà phân tích của JPMorgan Chase cho rằng giá dầu Brent đang bị “định giá quá mức” khoảng 7 USD/thùng. Ngoại trừ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, không có cuộc xung đột quân sự lớn nào trong số 10 cuộc xung đột quân sự lớn khác liên quan đến Israel kể từ năm 1967 có ảnh hưởng lâu dài đến giá dầu thô. Ngay cả khi cuộc chiến lan rộng ra ngoài Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, đà tăng của giá dầu khó có thể kéo dài trong dài hạn.

Thêm vào yếu tố gây áp lực lên giá, tín hiệu gia tăng sản lượng ở Venezuela có thể góp phần giảm thiểu rủi ro nguồn cung thắt chặt trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo Venezuela có thể tăng sản lượng dầu thô lên 200.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2024, từ mức 135.000 thùng/ngày vào năm 2023.

Theo EIA, các liên doanh do Eni, Repsol và Maurel & Prom điều hành có thể tăng sản lượng thêm 50.000 thùng/ngày trong thời gian tới, đưa tổng sản lượng dầu thô của Venezuela tăng lên khoảng 900.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024.



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?