BẢN TIN THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ NGÀY 25/10/2023
Tác giảAdministrator

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/10, thị trường nông sản lại một lần nữa ghi nhận mức biến động mạnh mẽ của khô đậu tương khi giá mặt hàng này nhảy vọt tới hơn 3%. Trong khi đó, ngô và lúa mì lại suy yếu với diễn biến khá tương đồng. Lực bán duy trì trong hầu hết phiên giao dịch chủ yếu do các thông tin về nguồn cung.

Trong bối cảnh nguồn cung khô đậu từ Argentina hạn chế do thiệt hại mùa vụ, xuất khẩu đậu tương Mỹ được kỳ vọng gia tăng trong thời gian tới chính là yếu tố thúc đẩy giá khô đậu phá vỡ mốc kháng cự tâm lí quan trọng 425. Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Mỹ cho biết Trung Quốc mới đây đã ký thỏa thuận mua lượng lớn nông sản từ Mỹ với trị giá hàng tỷ USD kể từ năm 2017.

Diễn biến của khô đậu cũng phần nào hỗ trợ cho giá đậu tương. Tuy nhiên, tiến độ mùa vụ tại bang lớn hai của Brazil đã đạt 58% kế hoạch, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Mùa vụ diễn ra khá thuận lợi đã xoa dịu lo ngại về nguồn cung và kìm hãm đà tăng của giá đậu tương trong ngắn hạn.

Trong khi đó, giá ngô hợp đồng tháng 12 ghi nhận chuỗi 3 phiên suy yếu liên tiếp. Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), trung bình mỗi ngày Brazil xuất khẩu 420.958 tấn ngô, tăng 17,9% so với lượng xuất khẩu trung bình hàng ngày trong cả tháng 10/2022. Secex đánh giá Brazil vẫn đang đẩy mạnh việc xuất khẩu ngô nhờ vụ thu hoạch kỷ lục trong năm nay.

Triển vọng mùa vụ tích cực hơn ở các nước sản xuất lớn là yếu tố “bearish” chính đối với giá lúa mì. Những cơn mưa gần đây ở Argentina là tín hiệu tích cực, đem lại hy vọng về một vụ thu hoạch tốt hơn.

KIM LOẠI

Kết thúc ngày giao dịch 24/10, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều kết phiên trong sắc đỏ.

Trong đó, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,45%, xuống mức 891,9 USD/ounce. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của giá bạch kim trong gần 2 tuần. Giá bạc để mất 0,4%, đóng cửa tại mức 23,11 USD/ounce. Giá vàng có mức giảm nhẹ nhất nhóm khi giảm 0,13%, chốt phiên tại 1.970,11 USD/ounce.

Giá bạc và bạch kim đồng loạt gặp sức ép do vai trò trú ẩn bị suy yếu, khi căng thẳng khu vực Trung Động tạm thời hạ nhiệt đã xoa dịu tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, đồng USD phục hồi cũng là yếu tố làm gia tăng áp lực bán trên thị trường.

Đồng USD được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế tích cực tại Mỹ. Cụ thể, theo dữ liệu sơ bộ của S&P Global, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ trong tháng 10 đạt mức 50 điểm, quay trở lại ngưỡng mở rộng sau khi đạt 49,8 điểm trong tháng 9. Con số này cũng cao hơn mức 49,5 điểm theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Ngoài ra, S&P Global cho biết nhu cầu tiêu thụ mặc dù vẫn đang ở mức yếu, tuy nhiên tốc độ giảm ghi nhận chậm nhất kể từ tháng 4/2023. Về phía nguồn cung, các doanh nghiệp sản xuất với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2023.

Dữ liệu trên cho thấy sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ổn định bất chấp môi trường lãi suất cao. Điều này đã củng cố cho đà tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index chốt phiên tăng 0,7% lên 106,27 điểm, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Trong khi đó, kim loại quý là tài sản được định giá bằng USD. Do vậy, đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên giá bạc và bạch kim trong phiên hôm qua.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, cả giá đồng và quặng sắt đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Giá đồng COMEX chốt phiên tại mức 3,62 USD/pound sau khi tăng 1,05%. Trong khi đó, giá quặng sắt bật tăng 2,95% lên 116,1 USD/tấn.

Lực mua đồng và quặng sắt đều được củng cố nhờ vào việc Trung Quốc tiếp tục ban hành các biện pháp vực dậy nền kinh tế. Quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, do đó, giá quặng sắt ghi nhận mức tăng lớn hơn so với giá đồng.

Cụ thể, vào hôm qua, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2023 lên khoảng 3,8% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức 3% mà Chính phủ thường coi là giới hạn cho quốc gia. Kế hoạch bao gồm việc phát hành thêm khoản nợ Chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ trong quý IV/2023 để hỗ trợ xây dựng và cứu trợ thiên tai.

Hơn nữa, cơ quan quốc hội hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, đã phê chuẩn dự luật cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Kết thúc phiên giao dịch 24/10, giá Robusta quay đầu giảm 1,31% sau khi chạm mức cao nhất trong 4 tháng. Những điều chỉnh về mặt kỹ thuật sau khi giá đi sâu vào vùng quá mua đã khiến giá suy yếu.

Trái lại, giá Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp với mức tăng 1,39% trong phiên hôm qua. Tồn kho ở mức thấp khiến thị trường vẫn có những lo ngại nguồn cung nhất định. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đà giảm.

Trong phiên hôm qua, dữ liệu này giảm thêm 7.125 bao loại 60kg, đưa tổng mức cà phê lưu trữ hiện tại về 410.171 bao, thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2022. Hơn thế, chưa có bao cà phê mới nào được bổ sung để chờ phân loại.

Giá hai mặt hàng đường tiếp tục khởi sắc trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá đường 11 cao hơn 0,18% và giá đường trắng tăng 0,36% so với tham chiếu. Mưa xuất hiện tại khu vực Trung Nam khiến cho hoạt động sản xuất đường bị gián đoạn.

Trong một cuộc khảo sát của S&P Global, các nhà phân tích cho biết, hoạt động sản xuất đường đã bị ảnh hưởng trong 5 ngày do ảnh hưởng từ mưa.

Đồng thời, trong báo cáo mới nhất của Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), trung bình hàng ngày trong 3 tuần đầu tháng 10, quốc gia này chỉ xuất đi 150.027,2 tấn đường, giảm 10% so với mức 166.516 tấn trong trung bình mỗi ngày vào tháng 10/2022. Giá bông ghi nhận mức giảm gần 1% trong phiên hôm qua. Đồng USD mạnh trở lại khiến cho lực mua trở nên thế yếu.

Chỉ số Dollar Index tăng 0,70%, đồng nghĩa với việc đồng USD mạnh lên và giá bông Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí tăng khiến lực mua lùi lại nhường ưu thế cho lực bán.

Giá dầu cọ dẫn đầu đà giảm của nhóm khi mất 2,29% trong phiên hôm qua. Tiến độ thu hoạch đậu tương tại Mỹ tăng nhanh, kết hợp cùng đồng Ringgit mạnh lên đã gây áp lực kép lên giá.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nông dân tại Mỹ đã thu hoạch được 3/4 vụ đậu tương, cao hơn mức trung bình 5 năm. Điều này có thể giúp gia tăng lượng dầu đầu tương trong thời gian tới, từ đó gây sức ép lên sản phẩm thay thế là dầu cọ. Đồng Ringgit tăng 0,2%, khiến giá dầu cọ của Malaysia mạnh hơn, từ đó hạn chế lực mua do chi phí nắm giữ tăng.

NĂNG LƯỢNG

Kết thúc ngày giao dịch 24/10, giá dầu ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp, về mức thấp nhất trong gần 2 tuần qua. Dữ liệu kinh tế yếu kém tại các quốc gia phát triển hàng đầu khu vực Châu Âu làm gia tăng lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế, đã gây áp lực cho giá dầu. Trong khi đó, việc tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột giữa Israel và Hamas cũng góp phần xoa dịu mối lo nguồn cung dầu gián đoạn.

Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,05% xuống 83,74 USD/thùng. Như vậy, sau 2 phiên đầu tuần, dầu WTI đã đánh mất 5 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ngày hôm qua ở mức 88,07 USD/thùng, giảm 1,96% so với phiên trước đó.

Hoạt động kinh doanh tại khu vực Châu Âu (EU) duy trì đà thu hẹp trong tháng đầu tiên của quý IV/2023. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp do S&P Global khảo sát đạt mức 46,5 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 47,4 điểm và mức 47,2 điểm trong tháng 9/2023. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị sự thu hẹp trong hoạt động kinh doanh sản xuất của khu vực.

PMI tổng hợp của Đức trong tháng 10/2023 cũng đạt mức 45,8 điểm, thấp hơn dự báo ở mức 46,7 điểm. Các dữ liệu kinh tế kém tích cực của EU phản ánh sức ép tăng trưởng, từ đó làm gia tăng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu thô và gây sức ép tới giá dầu trong phiên.

Ngược lại với châu Âu, dữ liệu của Mỹ cho thấy hoạt động kinh doanh tăng cao hơn trong tháng 10 khi ngành sản xuất thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài 5 tháng. Điều này đã củng cố cho đà tăng mạnh của đồng USD và khiến dầu được định giá
bằng đồng Dollar Mỹ đắt đỏ hơn, thúc đẩy lực bán trên thị trường. Kết thúc phiên ngày 24/10, chỉ số Dollar Index đã tăng tới 0,7% so với phiên đầu tuần.

Về yếu tố cung cầu, dữ liệu theo dõi tàu của do Bloomberg ước tính có khoảng 3,53 triệu thùng dầu thô/ngày được vận chuyển từ các cảng của Nga trong tuần tính đến ngày 22/10, tăng 20.000 thùng/ngày so với 7 ngày trước đó. Điều này đã nâng mức xuất khẩu trung bình 4 tuần của Nga lên hơn lên 3,5 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 6 và tăng khoảng 610.000 thùng/ngày trong hai tháng qua.

Xuất khẩu dầu của Nga tăng bất chấp tuyên bố cắt giảm nguồn cung, khiến thị trường hoài nghi về mức độ cam kết. Điều này đã kéo giá dầu tiếp tục suy yếu. Trước đó, Nga tuyên bố duy trì cắt giảm 300.000 thùng/ngày lượng dầu xuất khẩu kể từ tháng 7 cho đến cuối năm nay.



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?