BẢN TIN THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ NGÀY 27/10/2023
Tác giảAdministrator

NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10, lúa mì là mặt hàng ghi nhận mức biến động mạnh nhất nhóm nông sản do lo ngại về triển vọng nguồn cung. Giá ngô và đậu tương chỉ giằng co và đóng cửa với mức thay đổi nhẹ. Trong phiên hôm qua, hầu hết các mặt hàng đều không ghi nhận mức giảm quá mạnh nhờ ảnh hưởng từ số liệu bán hàng trong báo cáo Export Sales gia tăng. Đây là giai đoạn xuất khẩu cao điểm của nông sản Mỹ sau khi vừa thu hoạch.

Thị trường đậu tương vẫn đang chịu sức ép mạnh từ triển vọng mùa vụ tại Argentina, do mưa lớn xuất hiện đã xoa dịu những lo ngại về độ ẩm trong giai đoạn gieo trồng. Tuy nhiên, việc hoạt động xuất khẩu tại Mỹ ghi nhận những tín hiệu tích cực đã giúp kìm hãm đà giảm của giá tại vùng tâm lý 1300. Trong Báo cáo Bán hàng Hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua, USDA cho biết nước này đã bán được đơn hàng 110.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho Trung Quốc. Đây cũng là đơn hàng đậu tương thứ hai được ghi nhận sau khi Trung Quốc quyết định ký kết thỏa thuận mua nông sản của Mỹ với giá trị lớn.

Đà tăng vọt trong vài phiên vừa qua của giá khô đậu đã chững lại khi giá gặp phải áp lực chốt lời từ vùng đỉnh 425. Trong khi đó, giá dầu đậu tương ghi nhận mức giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ diễn biến giá dầu thô.

Giá ngô ghi nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Đợt khô hạn trong thời gian vừa qua đã trì hoãn hoạt động trồng ngô vụ mới ở Argentina, đồng thời cũng cản trở hoạt động xuất khẩu ngô của Brazil do mực nước sông Amazon giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đều nhận được lượng mưa cần thiết trong những ngày gần đây, giúp giảm bớt đáng kể tác động tiêu cực của khô hạn.

Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của nhóm nông sản. Ủy ban châu Âu mới đây đã hạ dự báo xuất khẩu lúa mì mềm của Liên minh châu Âu trong niên vụ 23/24 xuống còn 31 triệu tấn, từ mức 32 triệu tấn được đưa ra tháng trước. Những lo ngại về sự thu hẹp của nguồn cung là yếu tố “bullish” chính đối với giá.

KIM LOẠI

Kết thúc ngày giao dịch 26/10, sắc đỏ áp đảo bảng giá nhóm kim loại do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,43% xuống mức 22,90 USD/ounce. Giá bạch kim đảo chiều suy yếu 0,37%, đóng cửa tại mức 909 USD/ounce.

Trái lại, giá vàng tăng 0,26% lên 1.984,82 USD/ounce. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,18% xuống 3,58 USD/pound trong khi giá quặng sắt giảm xuống 117,05 USD/tấn sau khi để mất 0,14%.

Lo ngại FED tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài được đẩy lên sau khi Mỹ công bố loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế vẫn mạnh mẽ. Cụ thể, Cục Thống kê Kinh tế Mỹ cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Mỹ tăng 4,9% so với quý II, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo của thị trường. Đây cũng là mức tăng GDP theo quý lớn nhất của Mỹ kể từ quý IV/2021. Ngoài ra, tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 4% trong quý III sau khi chỉ tăng 0,8% trong quý II.

Hơn nữa, đơn đặt hàng hóa lâu bền tháng 9 của Mỹ tăng 4,7% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với ước tính tăng 1,7% của thị trường và trái ngược với mức giảm 0,1% bị điều chỉnh giảm của tháng 8.

Loạt dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, tạo thêm không gian để FED tiếp tục duy trì lãi suất cao trong thời gian dài. Điều này đã gây sức ép lên cả nhóm kim loại trong phiên hôm qua.

Hơn nữa, đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố làm gia tăng sức bán các mặt hàng. Chỉ số Dollar Index kết phiên tăng lên 106,6 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp, nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực trong khi đồng euro suy yếu. Trước đó, đồng euro phải chịu sức ép khi Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4%, chấm dứt chuỗi tăng 10 lần liên tiếp, do lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Riêng đối với quặng sắt, mặt hàng này còn phải chịu sức ép bởi triển vọng nhu cầu kém sắc tại Trung Quốc.

Lĩnh vực bất động sản yếu kém và lo ngại chính phủ tiếp tục hạn chế sản lượng thép đang đè nặng lên tiêu thụ sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết sản lượng thép thô của Trung Quốc có thể giảm trong quý cuối năm 2023 nhằm giảm thiểu lượng khí thải trong những tháng mùa đông.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Kết thúc phiên giao dịch 26/10, giá Robusta nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp, đóng cửa giá giảm 1,91% so với tham chiếu. Đồng thời, giá Arabica cũng tiếp tục suy yếu trong phiên hôm qua với mức giảm nhẹ 0,68%. Tín hiệu tích cực từ nguồn cung là yếu tố chính gây áp lực lên giá.

Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục hồi phục khi tăng thêm 2.880 tấn, đưa tổng số cà phê lưu trữ hiện tại lên 39.760 tấn. Cùng với đó, hoạt động thu hoạch cà phê tại Việt Nam được hỗ trợ bởi thời tiết khô ráo hơn trong những ngày gần đây. Điều này đưa đến triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới sẽ sớm được xuất khẩu, giảm bớt thiếu hụt trong thương mại hiện tại.

Xuất khẩu cà phê tại Brazil cũng đang diễn biến tích cực. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), trong 25 ngày đầu tháng 10, Brazil đã xuất đi 3,52 triệu bao cà phê, tăng mạnh so với mức 2,09 triệu bao trong cùng kỳ tháng trước.

Tuy vậy, mưa tiếp diễn tại khu vực phía Nam Brazil khiến hoạt động vận chuyển cà phê gặp khó khăn, từ đó hạn chế đà giảm giá của Arabica.

Giá bông tiếp tục tăng gần 1% trong phiên hôm qua nhờ dữ liệu xuất khẩu tích cực tại Mỹ. Trong báo cáo xuất khẩu bông tuần kết thúc ngày 19/10, Mỹ đã bán được 186.100 kiện bông cho niên vụ 2023/2, gấp 2,6 lần so với tuần trước và tăng 82% so với mức trung bình 4 tuần trước.

Đặc biệt, sự gia tăng chủ yếu đến từ Trung Quốc, bạn hàng lớn nhất của Mỹ. Đồng thời, đơn hàng từ Trung Quốc tăng lên cũng làm dịu lo ngại quốc gia này sẽ thay thế việc nhập khẩu bông từ Mỹ bằng Brazil và Úc.

Giá đường 11 quay đầu giảm 2,14% sau khi giá chạm mức cao nhất trong 12 năm. Giá dầu thô yếu đi khiến nguồn cung đường có thêm dư lượng gia tăng.

Giá dầu WTI giảm 2,55% trong phiên hôm qua, thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết suất ethanol. Nguyên liệu đầu vào tăng, tạo điều kiện để sản lượng đường tăng lên.

Tập đoàn công nghiệp mía đường (UNICA) cho biết, trong 15 ngày đầu tháng 10, khu vực Trung Nam, vùng sản xuất đường chính của Brazil đã hoàn thành 2,25 triệu tấn đường, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Giá dầu cọ tiếp tục tăng trong phiên hôm qua, đóng cửa giá cao hơn tham chiếu 2,26%. Sự hỗ trợ từ dầu thực vật, cùng với đồng ringgits yếu đi đã hỗ trợ giá đi lên.

Anilkumar Bagani, người đứng đầu Sunvin Group Ấn Độ cho biết, đà tăng mạnh của giá dầu đậu tương trên CBOT, cũng như sự phục hồi của giá dầu thực vật Trung Quốc đã hỗ trợ giá dầu cọ mạnh lên.

Bên cạnh đó, đồng ringgit của Malaysia suy yếu 0,2% so với đồng USD, khiến dầu cọ trở nên hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ.

NĂNG LƯỢNG

Kết thúc ngày giao dịch 26/10, giá dầu suy yếu trước sức ép từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là loạt dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao trong thời gian dài nhằm hạ nhiệt lạm phát. Ngoài ra, tình hình xung đột có phần hạ nhiệt tại khu vực Trung Đông cũng góp phần tạo sức ép đến giá.

Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch mức tăng của phiên hôm trước khi giảm 2,55% xuống 83,21 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên ở mức 87,93 USD/thùng, giảm 2,44% so với phiên trước.

Nền kinh tế Mỹ cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp môi trường lãi suất cao. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ quý III/2023 của Mỹ tăng 4,9% so với quý II, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo và là mức tăng hàng quý cao nhất kể từ quý IV/2021.

Trong khi đó, đơn đặt hàng hóa lâu bền tháng 9 của Mỹ tăng 4,7% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với ước tính tăng 1,7%. Doanh số nhà chờ bán của Mỹ trong tháng 9 tăng 1,1% so với tháng trước, đánh bại dự báo của thị trường với mức giảm 1,8%.

Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến FED tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát về mục tiêu 2%. Điều này có thể tạo sức ép tiềm ẩn tới nền kinh tế trong trung và dài hạn, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ dầu và thúc đẩy tâm lý bán trên thị trường.

Ngoài ra, việc chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị của đồng USD, nối dài đà tăng sang phiên thứ 3 liên tiếp cũng đã hạn chế sức mua đối dầu thô.

Bên cạnh đó, báo cáo tồn kho nhiên liệu tại Singapore, đại diện cho nhu cầu tiêu thụ tại Châu Á tăng cao trong tuần kết thúc vào ngày 25/10 đã làm tăng thêm mối lo ngại nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Dữ liệu từ Enterprise Singapore cho thấy tồn kho dầu nhiên liệu trên đất liền của Singapore đã tăng 0,7% lên 19,54 triệu thùng.

Trong khi đó, tồn kho các sản phẩm chưng cất trung gian tăng nhẹ lên trên 8,5 triệu thùng do xuất khẩu ròng giảm tốc. Tồn kho diesel và nhiên liệu máy bay tại trung tâm lưu trữ dầu quan trọng của Singapore cũng ghi nhận mức tăng 4%, từ mức 8,19 triệu thùng trong tuần trước đó.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt gần 7% lên mức cao nhất trong 1 tuần do dự báo thời tiết lạnh hơn dự kiến thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm. Ngoài ra, dự trữ khí đốt tăng ít hơn dự kiến cũng củng cố lực mua trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các cơ sở đã bổ sung 74 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, thấp hơn so với dự báo tăng 80 bcf

 



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?