BẢN TIN THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ NGÀY 31/10/2023
Tác giảAdministrator

NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, hầu hết các mặt hàng nông sản đều đóng cửa trong sắc đỏ. Các mặt hàng như đậu tương và ngô chỉ suy yếu nhẹ với mức giảm chưa đến 1% trong khi giá khô đậu tương đã lao dốc 3,59% trong phiên vừa rồi, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong hơn 4 tháng qua.

Theo Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR), lượng mưa cần thiết đã xuất hiện trên khắp các vùng nông nghiệp chính của Argentina và dự kiến sẽ duy trì trong những ngày tới sẽ hỗ trợ sự phát triển của lúa mì và ngô trồng sớm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác gieo sạ đậu tương và ngô vụ 2. Đây là những cơn mưa được mong đợi từ lâu, khi mà quốc gia này đã phải trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng trong đầu năm nay. Điều này giúp cải thiện triển vọng mùa vụ tại Argetina và tác động “bearish” đến giá của các mặt hàng.

Trong khi đó, báo cáo Giao hàng Xuất khẩu tối qua cho thấy khối lượng giao hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 26/10 đã giảm đáng kể so với báo cáo trước đó, xuống mức 1,39 triệu tấn. Xuất khẩu của Mỹ cho thấy dấu hiệu chững lại sau giai đoạn liên tục được đẩy mạnh là yếu tố đã gây sức ép mạnh lên giá đậu tương và khô đậu trong phiên tối qua. Bên cạnh đó, áp lực bán chốt lời của thị trường đã đẩy giá khô đậu xuống sát vùng tâm lý quan trọng 425.

Lúa mì cũng ghi nhận mức suy yếu hơn 1,5% vào hôm qua trong bối cảnh xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế. Lượng toa xe chở ngũ cốc đến các cảng ở Odessa trong tuần vừa rồi đã tăng hơn 50% so với tuần trước lên 4.032 chuyến. Sự tăng cường vận chuyển ngũ cốc đến các cảng biển Đen cho thấy hoạt động xuất khẩu từ hành lang xuất khẩu mới của Ukraine đang dần được đẩy mạnh, đồng thời giúp cải thiện nguồn cung toàn cầu. Đây là yếu tố góp phần gây sức ép đén giá các mặt hàng ngũ cốc trong phiên hôm qua.

Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất đóng cửa phiên hôm qua trong sắc xanh với mức tăng nhẹ 0,23% nhờ lực mua hỗ trợ kỹ thuật. Triển vọng nguồn cung hạt cải dầu của EU là yếu tố gián tiếp tác động “bearish” và hạn chế đà khởi sắc của giá dầu đậu trong phiên vừa rồi.

KIM LOẠI

Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho giá các mặt hàng kim loại tăng tốt trong ngày giao dịch 30/10. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim bật tăng 3,76% lên mức 939,9 USD/tấn. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá bạch kim trong hơn 6 tháng. Giá bạc tăng 2,22%, chốt phiên tại mức 23,39 USD/ounce, mức cao nhất trong 1 tuần. Trái lại, giá vàng giảm nhẹ 0,49% về 1.995,88 USD/ounce.

Hiện tại, các nhà đầu tư gần như đã chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Trái lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lại đang xem xét việc điều chỉnh đường cong lợi suất, để cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 1%. Điều này đã đẩy đồng yên Nhật tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần so với đồng USD.

Chỉ số Dollar Index kết phiên giảm 0,41% xuống 106,12 điểm, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 1 tuần. Do vậy, đồng USD suy yếu đã thúc đẩy lực mua trên thị trường kim loại nói chung và bạc, bạch kim nói riêng khi đây là nhóm nhạy cảm nhất với lãi suất và biến động của đồng USD. Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột tại khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang, nhà đầu tư phân bổ dòng tiền vào kênh đầu tư trú ẩn an toàn như kim loại quý, hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim.

Trên thị trường kim loại cơ bản, bên cạnh đà giảm của đồng USD làm giảm chi phí nắm giữ vật chất, kỳ vọng tiêu thụ tích cực hơn từ Trung Quốc cũng đã hỗ trợ cho giá trong phiên. Giá đồng COMEX tăng 0,34% lên 3,65 USD/pound. Đã có lúc giá đồng cán mốc 3,71 USD/pound, mức cao nhất trong gần 1 tháng. Giá quặng sắt cũng tăng vượt mức 120 USD/tấn nhờ mức tăng 1,71%, đóng cửa tại mức giá 121,72 USD/tấn.

Triển vọng tiêu thụ đồng và quặng sắt đang được củng cố nhờ loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc. Dữ liệu trước đó đã chỉ ra sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng tốt trong tháng 9. Trong khi đó, tăng trưởng GDP đạt mức 4,9% trong quý III, tăng vượt dự kiến. Hơn nữa, tâm lý tích cực trên thị trường vẫn được duy trì nhờ kỳ vọng chỉ số PMI sản xuất Trung Quốc sẽ mở rộng trong tháng 10. Dữ liệu PMI sẽ được công bố vào 31/10.

Bên cạnh đó, giá đồng và quặng sắt còn được hỗ trợ từ kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đưa ra những quyết sách giúp hỗ trợ nền kinh tế trong Hội nghị Công tác Tài chính diễn ra trong 2 ngày 30 – 31/10.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Kết thúc phiên giao dịch 30/10, giá Robusta nối dài đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, đưa giá giao dịch hiện tại về mức thấp nhất trong 2 tuần. Giá Arabica giảm 1,15% trong phiên hôm qua, và cũng là phiên mang sắc đỏ thứ 4 liên tục. Sự tích cực trong nguồn cung là nguyên nhân chính đang gây sức ép lên giá.

Tiến độ thu hoạch cà phê tại Việt Nam đang được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết khô ráo, cùng việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Uganda giúp ổn định tình hình nguồn cung Robusta trên thị trường. Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda cho biết, nước này xuất khẩu 577.073 bao cà phê loại 60 kg trong tháng 09, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil cũng được đẩy mạnh nhờ nguồn cung sẵn có sau vụ thu hoạch và sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Real. Theo đó, tỷ giá USD/BRL tăng 0,64% trong phiên hôm qua đã thúc đẩy nông dân Brazil bán cà phê vì thu về nhiều nội tệ hơn.

Tuy vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục giảm sâu về mức thấp nhất trong 1 năm với 390.135 bao loại 60kg, đã phần nào hạn chế đà giảm giá của mặt hàng này. Giá hai mặt hàng đường cũng yếu đi trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá đường 11 giảm 2,16% và giá đường trắng thấp hơn 2,21% so với mức tham chiếu. Giá dầu thô giảm, tạo cơ hội mở rộng nguồn cung đường.

Giá dầu thô giảm gần 4% trong phiên đầu tuần, đã kích thích các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết suất ethanol. Nguyên liệu đầu vào lớn giúp sản lượng đường có thể tăng lên trong thời gian tới. Theo Tập đoàn công nghiệp mía đường UNICA, hiện tại Brazil vẫn ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường với 51,88%.

Bất chấp việc giá dầu sụt xuống và chỉ số Dollar Index yếu đi, giá bông vẫn giảm gần 2% trong phiên hôm qua. Cụ thể, giá dầu thô yếu đi khiến giá Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên trở nên rẻ hơn. Với vai trò là sản phẩm thay thế, giá bông tự nhiên giao dịch trên Sở ICE-US cũng trở nên bớt đắt đi.

Cùng chung xu hướng với các mặt hàng khác trong nhóm, giá dầu cọ cũng mất 1,01% so với tham chiếu. Đồng ringgit mạnh lên gây sức ép lên lực mua và giá mặt hàng này. Theo đó, đồng tiền nội địa của Malaysia đã tăng thêm 0,34%, khiến giá dầu cọ trở nên đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí tăng lên khiến lực mua giảm đi, từ đó kéo giá đi xuống.

NĂNG LƯỢNG

Kết thúc ngày giao dịch 30/10, giá dầu hạ hơn 3% do hành động quân sự của Israel tại Gaza thận trọng hơn làm giảm mối lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan rộng ở Trung Đông, đe dọa nguồn cung dầu từ khu vực.

 

Cụ thể, giá dầu WTI gần như xóa sạch mức tăng của phiên hôm trước khi giảm 3,78% xuống 82,31 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 3 tuần. Giá dầu Brent giảm 3,35% xuống 87,45 USD/thùng.

Lực bán tháo gia tăng mạnh mẽ từ đầu phiên khi các chuyên gia quân sự cho biết lực lượng Israel đang di chuyển chậm trong cuộc tấn công trên bộ ở Gaza, nhằm để ngỏ khả năng đàm phán với nhóm phiến quân Hamas về việc thả tự do cho hơn 200 con tin. Căng căng thẳng địa chính trị tạm thời lắng xuống đã gây sức ép lên giá dầu.

Về yếu tố nhu cầu, S&P Global Commodity Insights dự báo thông lượng dầu thô của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong tháng 10, so với mức cao kỷ lục 15,54 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Nguyên nhân là do các nhà máy lọc dầu giảm công suất hoạt động, bên cạnh hạn ngạch nhập khẩu hạn chế.

Trong khi đó, công suất trung bình của 50 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà nước trong tháng 10 được S&P Global theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng với 83%, tương đương 8,84 triệu thùng dầu/ngày. Điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, gây áp lực lên giá dầu.

Nhu cầu tại khu vực châu Á cũng đang có dấu hiệu suy yếu dần khi Saudi Arabia dự kiến sẽ giữ nguyên giá xuất khẩu dầu thô Arab nhẹ trong tháng 12 lần đầu tiên sau 6 tháng liên tục tăng, theo khảo sát của Bloomberg. Điều này xuất phát từ việc lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu suy yếu trên toàn khu vực, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa vật chất.

Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris cho biết nhu cầu dầu của Đức dự kiến sẽ giảm khoảng 90.000 thùng/ngày trong năm 2023, được thúc đẩy chủ yếu bởi sự sụt giảm mạnh về nhu cầu dầu diesel và naphtha. Nhu cầu tiêu thụ tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu suy yếu cũng sẽ là lực cản đối với đà tăng của giá dầu.

 



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?