Báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 13/8 là tin tốt về lạm phát. Các nhà đầu tư hy vọng tình hình sẽ còn tốt hơn vào ngày 14/8, khi Bộ Lao động công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.
Trông chờ vào CPI
Nếu CPI tháng 7 hạ nhiệt như kỳ vọng của các nhà đầu tư, các quan chức Fed có thể chuyển hướng chú ý sang các thách thức kinh tế khác, chẳng hạn như thị trường lao động đang chững lại.
Chia sẻ với CNBC, ông Jim Baird, CIO tại Plante Moran Financial Advisors, cho hay: “Tại thời điểm này, áp lực lạm phát mà chúng ta từng thấy đã giảm đáng kể. Lạm phát không còn là vấn đề lớn nữa”.
Giống như nhiều người khác trên Phố Wall, ông Baird hy vọng vào tháng 9, các quan chức Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự suy yếu tiềm tàng của bức tranh việc làm.
Trong khi người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp tiếp tục bày tỏ lo ngại về giá cả cao, xu hướng thực sự đã thay đổi. Báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) hôm 13/8 chỉ ra đà tăng nóng của lạm phát giờ chỉ là dĩ vãng.
Báo cáo cho thấy PPI tháng 7 chỉ tăng 0,2% so với tháng liền trước và 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu hiện rất gần mức mục tiêu 2% của Fed, tạo động lực để ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất.
Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự kiến CPI tháng 7, bao gồm thước đo toàn phần và thước đo lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm), đều tăng 0,2% so với tháng trước.
Tuy nhiên, CPI toàn phần và CPI lõi sẽ lần lượt đi lên 3% và 3,2% so với cùng kỳ - thấp hơn nhiều mức đỉnh vào giữa năm 2022 nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu của Fed.
Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn mong đợi Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9 vì lạm phát đang suy yếu và thị trường lao động cũng vậy.
Vào tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức 4,3%, cao hơn 0,8 điểm % so với hồi năm ngoái và kích hoạt một chỉ báo suy thoái có tính chính xác cao gọi là Quy tắc Sahm.
Ông Baird bày tỏ: “Thị trường lao động đang suy yếu, lạm phát đang giảm khá nhanh và tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài tháng tới.
Xét trong bối cảnh đó, sẽ thật bất ngờ nếu Fed không bắt đầu nới lỏng tiền một cách nhanh chóng, có lẽ là tại cuộc họp tháng 9. Nếu họ không hành động vào tháng 9, thị trường sẽ không vui”.
Lo ngại về phản ứng chậm chạp của Fed
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng nhẹ trong vài tuần qua. Cùng với các số liệu kinh tế đáng ngại khác, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp từng khiến một số nhà đầu tư mong muốn Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp.
Mặc dù tâm lý đó đã tan biến, một số người vẫn lo ngại rằng Fed có thể hành động quá chậm. Trước đây, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã chậm chân khi lạm phát bắt đầu leo thang vào năm 2021.
Một báo cáo lạm phát tích cực khác có thể giúp “Fed hoàn toàn thoải mái rằng họ có thể chuyển trọng tâm khỏi áp lực giá sang thị trường lao động”, nhà kinh tế Tom Porcelli của PGIM Fixed Income cho hay.
“Fed có thể chuyển sự chú ý từ lạm phát sang thị trường việc làm... từ nhiều tháng trước. Thị trường lao động đã xuất hiện những vết nứt”, ông Porcelli nói thêm.
Hiện tại, thị trường tài chính đang chắc nịch rằng Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp ngày 17 - 18/9 và câu hỏi duy nhất còn lại là cắt giảm bao nhiêu.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang phân vân giữa hai lựa chọn giảm 25 hay 50 điểm cơ bản (bps). Ngoài ra, các nhà đầu tư còn đang nghiêng về khả năng Fed sẽ giảm 100 bps vào cuối năm nay.
“Fed nên nới lỏng chính sách một cách mạnh mẽ. Tôi có thể dễ dàng đưa ra luận điểm để Fed giảm 50 bps, tôi nghĩ họ nên hành động ngay từ bây giờ. Nhưng tôi không tin họ sẽ làm vậy. Fed sẽ bắt đầu một cách khiêm tốn”, ông Porcelli dự đoán.