Thị trường ngày 18/03/2024: Dầu đậu bật tăng, chạm mốc cao nhất trong hơn 2 tháng qua
Tác giảNHẬT LINH

NÔNG SẢN

Kết tuần giao dịch 11-17/3, các mặt hàng nông sản diến biến tương đối trái chiều. Đáng chú ý nhất là dầu đậu tương, mặt hàng này nhảy vọt tới hơn 7% trong tuần qua, đồng thời chạm mốc cao nhất kể từ cuối tháng 12/2023. 

Bên cạnh ảnh hưởng lan tỏa từ diễn biến giá dầu cọ, lo ngại về triển vọng sản xuất dầu thực vật của Ukraine sẽ thắt chặt hơn trong năm nay là yếu tố đã góp phần hỗ trợ giá dầu đậu. UGA cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do giá thấp và chi phí xuất khẩu đắt đỏ sẽ hạn chế nông dân nước này mở rộng gieo trồng.

Thị trường đậu tương kết tuần tăng hơn 1%, đánh dấu tuần thứ 3 phục hồi liên tiếp. Triển vọng mùa vụ kém khả quan hơn của Argentina đã hỗ trợ mạnh tới giá trong tuần vừa rồi. Cụ thể, mưa lớn trong nửa đầu tháng 3 đang khiến đất bị ngập úng ở các vùng nông nghiệp quan trọng. Các chuyên gia thời tiết cho rằng, điều này có khả năng gây trở ngại cho hoạt động thu hoạch của nông dân trong những tuần tới, đồng thời khiến một số diện tích cây trồng bị hư hỏng.

Đối với ngô, giá giảm nhẹ 0,68% với diễn biến trong tuần tương đối giằng co. CONAB mới đây đã hạ dự báo sản lượng ngô niên vụ 23/24 của Brazil xuống còn 112,75 triệu tấn, giảm 0,8% so với ước tính tháng 2. Nguyên nhân chủ yếu là bởi nông dân cắt giảm diện tích trồng ngô do giá thấp, trong khi năng suất cây trồng bị thiệt hại do tác động tiêu cực của khô hạn. Còn tại Argentina, BAGE cho biết, tình trạng rầy ngô đang lan rộng, đe dọa làm giảm năng suất tiềm năng. Triển vọng nguồn cung không mấy khả quan từ khu vực Nam Mỹ đã hỗ trợ cho giá ngô trong tuần vừa rồi. 

Lúa mì ghi nhận mức giảm mạnh 1,72% đánh dấu tuần thứ 3 suy yếu liên tiếp. Triển vọng nguồn cung toàn cầu dồi dào hơn trong khi nhu cầu suy yếu đã tác động “bearish” mạnh lên giá. IKAR dự báo, sản lượng niên vụ 24/25 của Nga sẽ đạt 93 triệu tấn, cao hơn mức 91,6 triệu tấn của niên vụ trước. Để chuẩn bị cho vụ mùa bội thu sắp tới, Nga đang thúc đẩy mạnh việc xuất khẩu, gây áp lực lên giá toàn cầu. Điều này đã dẫn đến động thái ồ ạt hủy mua của Trung Quốc. Tuần trước, nước này đã hủy hoặc hoãn thời gian nhận hàng đối với khoảng 1 triệu tấn lúa mì từ Australia, sau khi đã hủy mua tới 504.000 tấn lúa mì từ Mỹ. 

KIM LOẠI

Kết thúc tuần giao dịch ngày 11 – 17/3, hầu hết các mặt hàng trong nhóm kim loại đều ghi nhận đà tăng giá mạnh, ngoại trừ quặng sắt với mức lao dốc hơn 13% giá trị. Đối với nhóm kim loại quý, bất chấp lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu khó hạ nhiệt hơn kỳ vọng, làm gia tăng nguy cơ về việc lãi suất sẽ không giảm nhiều và có thể tạo sức ép cho giá; nhưng lực mua vẫn chiếm ưu thế rõ rệt trong phần lớn các phiên của tuần trước. Kết thúc tuần, giá bạc tăng 3,39% lên 25,38 USD/ounce. Bạch kim tăng 3,14% lên 943,5 USD/ounce.

Dữ liệu lạm phát Mỹ tháng 2 mặc dù cao hơn kỳ vọng của thị trường, nhưng dường như không làm thay đổi suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6. Công cụ theo dõi lãi suất FED watch của CME Group cho thấy có khoảng 50% ý kiến cho rằng lãi suất sẽ giảm 25 điểm cơ bản bắt đầu từ tháng 6/2024 sắp tới. Do đó, bạc và bạch kim vẫn được hưởng lợi từ dòng tiền, do lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ các sản phẩm này.

Trong tuần này, FED sẽ tổ chức cuộc họp lãi suất vào rạng sáng ngày 21/3, với khả năng gần như chắc chắn rằng lãi suất vẫn được giữ nguyên. Nhưng thị trường sẽ xem xét về các ý kiến của quan chức FED và chủ tịch FED về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này có thể sẽ đem lại nhiều biến động lớn cho bạc và bạch kim trong tuần này.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến đáng chú ý nhất thuộc về giá đồng khi leo lên vùng đỉnh 11 tháng qua trong bối cảnh nguồn cung có dấu hiệu thắt chặt. Đồng COMEX chốt tuần tăng mạnh gần 6% lên 4,12 USD/pound.

Sự bứt phá chủ yếu là do nguyên nhân từ các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc đồng ý hạn chế sản lượng để đáp ứng với thị trường nguyên liệu thô thắt chặt hơn nhiều so với dự kiến.

Phí xử lý giao ngay, hay là khoản phí mà các nhà luyện kim kiếm được khi chuyển đổi đồng cô đặc khai thác thành kim loại, đã giảm trong những tuần gần đây do quá nhiều người mua nhưng lại có quá ít nguyên liệu.

Thông thường, càng nhiều yêu cầu đồng cô đặc được xử lý, phí mà các nhà luyện kim nhận được cũng càng nhiều. Theo cơ quan báo cáo giá Fastmarkets, giá giao ngay tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 11,20 USD/tấn vào tuần trước, giảm gần 76% chỉ trong hai tháng và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Trái lại, giá quặng sắt bất ngờ giảm sâu trên 13% xuống mức đáy 7 tháng, rơi khỏi vùng 100 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu Trung Quốc yếu và tồn kho tăng cao. Dữ liệu của Mysteel cho thấy tồn kho quặng sắt tại 45 cảng lớn của Trung Quốc được khảo sát đã tăng 1% lên khoảng 142,9 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày ngày 15/3. Ngoài ra, một số hiệp hội thép cấp tỉnh cũng đã đưa ra tuyên bố kêu gọi cắt giảm sản lượng thép, làm giảm nhu cầu đầu vào.

NGUYÊN LIỆU - CÔNG NGHIỆP

Kết phiên 15/3, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Nổi bật, giá ca cao tạo đỉnh lịch sử mới khi tăng mạnh 8,28% trong phiên hôm qua. Thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng từ các nước sản xuất chính khiến thị trường rơi vào tâm thế hoảng loạn, từ đó thúc đẩy giá tăng mạnh.

Thông tin về việc các nhà máy chế biến ca cao tại Bờ Biển Ngà và Ghana đã đóng cửa, khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường trở nên trần trọng hơn. Tính đến ngày 10/3, lượng giao hàng ca cao lũy kế trong vụ tại Bờ Biển Ngà thấp hơn khoảng 30% so với cùng kỳ vụ trước.

Theo sau ca cao, giá cao su RSS3 cũng tăng thêm 6,12%, đóng cửa tại mức cao nhất trong 13 năm. Giới chuyên gia nhận định, giá cao su đang có xu hướng tăng do chi phí nguyên liệu thô tăng và hạn chế về nguồn cung từ các nhà sản xuất chính như Thái Lan, Châu Phi và Việt Nam trong thời kỳ đông lạnh.

Giá đường 11 tăng 1,42%, lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm trước. Các dự báo trái chiều về sản lượng đường tại các quốc gia sản xuất chính khiến diễn biến giá liên tục thay đổi. Hãng tư vấn Fitch Solutions báo cáo về việc giảm diện tích trồng mía ở các bang trọng điểm của Ấn Độ, cùng với việc sản lượng khu vực trung nam của Brazil dự kiến ​​giảm trong niên vụ 2024/25, đang hỗ trợ giá đường. Điều này trái ngược với dự báo sản lượng đường Ấn Độ sẽ hồi phục của Tổ chức đường nước này đưa ra trước đó.

Giá cà phê Robusta tăng thêm gần 1% khi thị trường vẫn lưu truyền những tin đồn về việc nông dân và thương nhân Việt Nam đang găm cà phê. Bên cạnh đó, ước tính sản lượng vụ 23/24 tiếp tục giảm 2-4% so với vụ trường cũng góp phần thúc đẩy tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.

Ở chiều ngược lại, giá cà phê Arabica giảm 0,49% so với tham chiếu khi nguồn cung tiếp tục được cải thiện. Trong báo cáo kết phiên ngày 14/3, tổng lượng Arabica đã qua chứng nhận tăng thêm 9.718 bao, nâng tổng số cà phê lưu trữ tại đây lên 467.825 bao.

NĂNG LƯỢNG

Kết thúc tuần giao dịch 11 - 17/3, giá dầu bật tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng trước mối lo ngại về rủi ro gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, việc Mỹ tăng cường bổ sung dầu vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.

Chốt tuần, giá dầu WTI tăng 3,88% lên 81,04 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,97% lên 85,34 USD/thùng.

Hoạt động quân sự của Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại một số nhà máy lọc dầu. Các quan chức Nga cho biết đám cháy đã bùng phát tại Norsi, nhà máy lọc dầu lớn thứ tư của Nga, với công suất 317.000 thùng/ngày. Hỏa hoạn cũng xảy ra tại nhà máy lọc dầu Ryazan do Rosneft kiểm soát với công suất 350.000 thùng/ngày. 

Theo tính toán của Reuters, công suất lọc dầu của Nga ngừng hoạt động sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong quý đầu tiên có thể lên tới khoảng 4,6 triệu tấn (370.500 thùng/ngày). Tâm lý lo ngại nguồn cung từ Nga thắt chặt đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu. 

Triển vọng nhu cầu lạc quan từ phía Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng tạo ra sự hỗ trợ nhất định đối với giá dầu. Trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 3, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2024 lên 1,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 110.000 thùng/ngày so với dự báo trong tháng 2. Trong khi đó, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung toàn cầu năm 2024 xuống 800.000 thùng/ngày, từ mức 1,7 triệu thùng/ngày. IEA cho biết thêm, giả định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt sản lượng, thị trường có thể sẽ thâm hụt khoảng 300.000 thùng/ngày trong giai đoạn cuối năm, thay vì thặng dư 800.000 thùng/ngày như trong báo cáo trước.

Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết Mỹ đã mua 3,25 triệu thùng dầu thô sản xuất trong nước, dự kiến giao hàng vào tháng 8/2024 để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR). Ngoài ra, vào cuối tuần trước, DOE đã công bố thêm đề xuất mua khoảng 1,5 triệu thùng dầu để bổ sung vào SPR cho đợt giao hàng vào tháng 8/2024. DOE cho biết một đề xuất khác với khối lượng mua tương tự cho đợt giao hàng vào tháng 9/2024 sẽ được đưa ra vào ngày 21/3.

Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 8% do  dự báo thời tiết ôn hòa dẫn đến nhu cầu khí đốt để sưởi ấm thấp hơn. LSEG dự báo nhu cầu khí đốt tại 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 110,7 tỷ feet khối/ngày (bcfd) trong tuần trước xuống 110,4 bcfd trong tuần này.

 

 



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
Bạn cần hỗ trợ?