Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, diễn biến phân hóa trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua (14/3).
Lực mua chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index thêm 0,37% lên 2.196 điểm, nối dài đà tăng 4 ngày liên tiếp. Giá trị giao dịch đạt trên 6.100 tỷ đồng, tăng gần 49% so với ngày hôm trước. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến nhóm hàng nông sản tăng vọt hơn 254%, chiếm 44% tổng giá trị giao dịch toàn Sở.
Giá ngô hợp đồng tháng 5 quay đầu giảm mạnh
Theo MXV, sắc đỏ bao trùm bảng giá mặt hàng nông sản trong ngày giao dịch hôm qua. Trong đó, lúa mì là mặt hàng giảm mạnh với mức giảm lên tới 2,2% khi đóng cửa. Trong bối cảnh lúa mì Nga chiếm ưu thế áp đảo trên thị trường quốc tế và người mua Trung Quốc hủy hàng loạt đơn mua lúa mì trước đó, giá lúa mì CBOT đã chịu áp lực lớn.
Hãng tư vấn IKAR dự báo, sản lượng lúa mì niên vụ 24/25 của Nga sẽ đạt 93 triệu tấn, cao hơn so với mức 91,6 triệu tấn của niên vụ trước. Để chuẩn bị cho vụ mùa bội thu sắp tới, Nga đang đẩy mạnh việc xuất khẩu lượng lúa mì tồn kho. Việc thị trường xuất khẩu tràn ngập lúa mì giá rẻ từ Nga đã khiến giá lúa mì giảm mạnh, dẫn đến động thái ồ ạt hủy mua hàng của Trung Quốc. Các thương nhân châu Á cho biết người mua Trung Quốc gần đây đã hủy hoặc hoãn thời gian nhận hàng đối với khoảng 1 triệu tấn lúa mì từ Australia, vốn dự kiến được vận chuyển trong giai đoạn tháng 2 - 4. Trước đó, Trung Quốc cũng đã hủy mua 504.000 tấn lúa mì niên vụ 23/24 từ Mỹ.
Giá ngô hợp đồng tháng 5 cũng đã kết thúc xu hướng giằng co kéo dài trong 4 phiên trước và quay đầu giảm mạnh. Lực bán được thúc đẩy ngay từ đầu phiên, trong bối cảnh giá chịu áp lực từ đà suy yếu của giá lúa mì, cũng như triển vọng nguồn cung toàn cầu tích cực hơn trong niên vụ 24/25. Tuy vậy, kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ đã phần nào thu hẹp đà giảm của giá ngô.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo, sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 24/25 sẽ đạt mức 1,23 tỷ tấn, tăng so với 1,22 tỷ tấn của niên vụ hiện tại. Triển vọng nguồn cung thế giới dồi dào hơn trong niên vụ tới đã tác động “bearish” mạnh lên giá ngô.
Trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tối qua (14/3), USDA cho biết Mỹ đã bán 1,28 triệu tấn ngô niên vụ 23/24 trong tuần 1-7/3, tăng 15,7% so với một tuần trước đó. Con số trên nằm gần mức cao nhất của khoảng dự đoán từ giới phân tích là 0,8 - 1,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, báo cáo của USDA cũng cho biết các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán được đơn hàng 100.000 tấn ngô niên vụ 23/24 cho Mexico. Các dữ liệu trên cho thấy nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ vẫn duy trì ở mức cao, khi nguồn cung từ Brazil đang dần cạn kiệt trong giai đoạn cuối vụ. Điều này đã góp phần thu hẹp mức giảm của giá trong hôm qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 14/3 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng 3 ở mức 6.500 - 6.600 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá chào bán dao động ở mức 6.350 - 6.550 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Giá dầu lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng
Ở một diễn biến khác trên thị trường năng lượng trong ngày hôm qua, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng trước mối lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Động thái Mỹ tăng cường bổ sung dầu vào Kho dự trữ chiến lược (SPR) đã củng cố lực mua trên thị trường dầu.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,93% lên 81,26 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,65% lên 85,42 USD/thùng.
Trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung toàn cầu năm 2024 xuống 800.000 thùng/ngày, từ mức 1,7 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, tổ chức này đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2024 lên 1,3 triệu thùng/ngày, cao hơn 110.000 thùng/ngày so với dự báo trong tháng 2. IEA cho biết thêm giả định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt sản lượng, thị trường có thể sẽ thâm hụt khoảng 300.000 thùng/ngày trong giai đoạn cuối năm, thay vì thặng dư 800.000 thùng/ngày như trong báo cáo trước.
Tín hiệu thắt chặt nguồn cung từ phía Nga cũng là động lực thúc đẩy đà tăng của giá. Theo dữ liệu từ các nguồn trong ngành và tính toán của Reuters, xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển của Nga trong tháng 2 đã giảm 1,5% so với tháng trước xuống 9,94 triệu tấn do bảo trì ngoài kế hoạch tại các nhà máy lọc dầu. Trong đó, xuất khẩu qua các cảng Biển Đen và Biển Azov của Nga trong tháng 2 giảm 18,8% xuống 3,26 triệu tấn, chủ yếu do thiếu nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Tuapse và thời tiết bão trong khu vực. Xuất khẩu từ các cảng Murmansk và Arkhangelsk ở Bắc Cực của Nga giảm 34% xuống 113.900 tấn.
Đáng chú ý, vào thứ Năm (14/3), Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã công bố đề xuất mua khoảng 1,5 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) cho đợt giao hàng vào tháng 8. Ngoài ra, DOE cho biết ngày 21/3 tới sẽ có thêm một đề nghị mua khác với khối lượng tương tự cho đợt giao hàng vào tháng 9. Như vậy, hai đề xuất với tổng cộng khối lượng mua là 3 triệu thùng sẽ được vận chuyển đến địa điểm Bayou Choctaw, Louisiana. DOE cho biết thêm chính quyền Mỹ mong muốn mua lại dầu ở mức dưới hoặc 79 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 95 USD/thùng mà dầu được bán ra vào năm 2022.
Giá một số hàng hóa khác