Bản tin MXV ngày 11/01/2024: Dòng tiền đầu tư nhóm nông sản dịch chuyển mạnh mẽ
Tác giảNHẬT LINH

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá thị trường hàng hóa nguyên liệu đảo chiều đi xuống trong ngày hôm qua (10/1).

Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3 trên 4 nhóm mặt hàng trong sắc đỏ đẩy chỉ số MXV-Index rơi 0,58% xuống 2.097 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng 12,35%, lên mức hơn 5.300 tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay.

Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư có sự dịch chuyển mạnh mẽ ở nhóm hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp trong ngày giao dịch hôm qua.

Giá đậu tương xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 6 tháng qua

Theo MXV, giá đậu tương quay đầu suy yếu trong phiên hôm qua. Trong bối cảnh tình hình mùa vụ ở Nam Mỹ đón nhận nhiều tin tức tích cực, phe bán duy trì áp đảo từ đầu phiên. Với mức giảm gần 1%, giá đậu tương khép lại phiên 10/1 ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2023.

Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết các khu vực nông nghiệp trọng điểm của Argentina sẽ nhận được lượng mưa vừa phải và nhiệt độ ôn hòa trong tháng 1, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo sạ đậu tương cũng như thúc đẩy sự phát triển của cây trồng. BAGE duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina ở mức 50 triệu tấn, nhưng để ngỏ khả năng số liệu này có thể được cải thiện trong thời gian tới, khi hoạt động thu hoạch bắt đầu vào tháng 3. Tình hình mùa vụ thuận lợi ở Argentina đã tác động mạnh lên giá đậu tương.

Trong báo cáo tháng này, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB) giảm mạnh dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của nước này xuống 155,27 triệu tấn, từ mức 160,18 triệu tấn ước tính tháng 12. Dù vậy, động thái cắt giảm này của CONAB là không quá bất ngờ và sản lượng đậu tương của Brazil nếu được công bố vẫn cao hơn mức 154,61 triệu tấn của niên vụ 22/23. Do đó, báo cáo của CONAB đã không tác động nhiều lên giá đậu tương.

Trong khi triển vọng nguồn cung ở khu vực Nam Mỹ tương đối khả quan, thị trường hiện đang lo ngại về nhu cầu đối với đậu tương Mỹ trên thị trường quốc tế. Đã nhiều tuần trôi qua kể từ khi báo cáo Bán hàng Hàng ngày (Daily Export Sales) được đưa ra và số liệu bán hàng ròng đậu tương những tuần gần đây của Mỹ đều ở mức thấp. Giới phân tích dự đoán khối lượng bán hàng đậu tương ròng của Mỹ trong tuần 29/12/2023 - 4/1/2024 sẽ nằm trong khoảng 325.000 - 950.000 tấn, so với mức 201.646 tấn của một tuần trước đó. Đây cũng là yếu tố góp phần gây áp lực lên giá đậu tương.

Giá khô đậu tương và giá dầu đậu tương cũng đồng loạt suy yếu trong phiên hôm qua. Thời tiết thuận lợi ở Argentina tiếp tục gây áp lực lớn lên giá khô đậu. Trong khi đó, sự suy yếu của giá dầu thô đã thúc đẩy lực bán đối với dầu đậu.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày hôm qua (10/1), giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh giảm nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân lên mức 12.650 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý III, giá khô đậu tương dao động quanh mức 12.200 - 12.650 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 150 đồng so với cảng Cái Lân.

Tồn kho dầu của Mỹ lên cao kéo giá dầu đi xuống

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 10/1, giá dầu diễn biến giằng co và chốt phiên giảm hơn 1%. Lực mua duy trì mạnh mẽ vào đầu phiên trong bối cảnh nhóm phiến quân Houthi tiến hành chiến dịch quân sự lớn nhất từ trước đến nay vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ. Hơn nữa, tình trạng hỗn loạn tại Ecuador làm tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu yếu và tồn kho sản phẩm dầu tăng mạnh đã kéo giá dầu đảo chiều giảm trở lại về cuối phiên.

Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,2% xuống 71,37 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,02% xuống 76,80 USD/thùng.

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/1, trái ngược với dự báo tăng 700.000 của Reuters.

Đáng chú ý, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt là 8 triệu thùng và 6,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích và số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API). Trong đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Việc tồn kho sản phẩm dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây phản ánh nhu cầu suy yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Điều này đã gây áp lực lên giá dầu ngay sau báo cáo.

Ngoài ra, triển vọng kinh tế yếu của khu vực châu Âu cũng làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu dầu. Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bao gồm Phó Chủ tịch Luis de Guindos và Thành viên Hội đồng quản trị Isabel Schnabel, đều cho rằng khu vực đồng euro (Eurozone) có thể đã suy thoái trong quý trước và triển vọng trong thời gian tới vẫn còn yếu.

Trong khi đó, Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của tập đoàn thương mại khổng lồ Vitol Group dự đoán thị trường sẽ tương đối cân bằng trong năm nay. Ông Muller cho biết tăng trưởng nhu cầu khó có thể theo kịp nguồn cung mới từ bên ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), chẳng hạn như Mỹ, Guyana, Venezuela và Brazil.

Giá một số hàng hóa khác

NGUỒN: MXV



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
Bạn cần hỗ trợ?