Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tiếp tục hạ lãi suất lần thứ bảy trong vòng 12 tháng, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đồng euro vẫn đang chật vật và phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Việc ECB liên tục điều chỉnh giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh áp lực lạm phát hậu đại dịch Covid-19 đang dần hạ nhiệt. Đồng thời, những biến động liên quan đến thương mại trên thị trường toàn cầu gần đây cũng củng cố thêm lập luận cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Bất ổn gia tăng nhiều khả năng sẽ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Phản ứng tiêu cực và đầy biến động của thị trường tài chính trước các căng thẳng thương mại có thể dẫn đến điều kiện tài chính bị siết chặt hơn”, ECB nhận định và cho biết: “Những yếu tố này có thể tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế của khu vực đồng euro”.
Tuy vậy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde có phần dè dặt trong việc đưa ra định hướng rõ ràng cho giai đoạn sắp tới. Bà tiếp tục nhấn mạnh rằng mức độ bất định hiện tại là quá cao để ECB có thể cam kết trước bất kỳ điều gì, và các quyết định chính sách sẽ được đưa ra dựa trên dữ liệu cập nhật theo từng thời điểm.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm thời đình chỉ phần lớn các mức thuế, nhiều biện pháp vẫn được duy trì, trong khi sự biến động trên thị trường tài chính đã bắt đầu gây tổn thất cho nền kinh tế khu vực.
Điều đó khiến đa số các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo ECB sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp lần này, đưa lãi suất tiền gửi giảm thêm 25 điểm cơ bản, còn 2,25%.
Đây là mức trần trong biên độ 1,75%-2,25% mà ECB định nghĩa là "trung lập", tức không mang tính kích thích hay thắt chặt đối với hoạt động kinh tế. ECB cũng đã loại bỏ cụm từ "lãi suất mang tính thắt chặt" khỏi bản thông cáo báo chí mới nhất.
Áp lực từ thuế quan của Mỹ
Hồi tháng trước, bà Lagarde cho biết ECB ước tính rằng tăng trưởng GDP của 20 quốc gia trong khu vực đồng euro có thể giảm 0,5 điểm phần trăm nếu Mỹ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU và Liên minh châu Âu có động thái đáp trả tương ứng - một kịch bản có thể khiến một nửa tốc độ tăng trưởng kỳ vọng của khu vực bị xóa sổ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá đây vẫn là dự báo khá lạc quan, đặc biệt trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
ECB từng dự báo chiến tranh thương mại có thể khiến lạm phát tăng thêm 50 điểm cơ bản, nhưng thực tế những bất ổn do chính sách thương mại thiếu nhất quán từ Mỹ gây ra có thể kéo lạm phát đi theo chiều ngược lại. Hầu hết các chỉ báo tài chính có ảnh hưởng đến giá cả đều đã thay đổi mạnh trong vài tuần gần đây.
Đồng euro đã tăng giá tới 9% trong giai đoạn biến động và hiện giao dịch ở mức cao nhất lịch sử nếu tính theo tỷ trọng thương mại. Giá năng lượng giảm sâu, tốc độ tăng trưởng chậm lại, và Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Một loạt ngân hàng đầu tư đã điều chỉnh giảm dự báo lạm phát tại khu vực đồng euro trong năm nay, nhiều trong số đó đưa mức dự báo xuống bằng hoặc thấp hơn mục tiêu 2% của ECB.
“Áp lực giảm phát đang gia tăng”, HSBC nhận định trong một bản tin, đồng thời hạ dự báo lạm phát xuống còn 1,9% cho năm nay và 1,8% cho năm 2026.
Trước thềm cuộc họp lần này, giới đầu tư đã đặt cược vào ít nhất hai đợt giảm lãi suất nữa trong năm, thậm chí một số còn kỳ vọng cả đợt thứ ba, trong bối cảnh đà tăng trưởng tiếp tục suy yếu.
Những tín hiệu từ Chủ tịch ECB Christine Lagarde
Các chuyên gia phân tích và giới quan sát chính sách sẽ đặc biệt chú ý đến phát biểu của bà Lagarde trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách để tìm kiếm manh mối về định hướng sắp tới của ECB.
Một điểm đáng chú ý là liệu ECB có tiếp tục sử dụng cụm từ mô tả chính sách hiện tại là “thắt chặt” hay không. Nếu cụm từ này bị loại bỏ, điều đó sẽ ngầm định rằng việc tiếp tục nới lỏng vẫn là kịch bản chính.
Ngoài ra, giới phân tích cũng kỳ vọng ECB sẽ cập nhật đánh giá tác động của các rào cản thương mại, khi bộ phận nghiên cứu nội bộ được cho là đang điều chỉnh lại các mô hình ước tính trước khi các dự báo chính thức được công bố vào tháng Sáu.
Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi xem liệu bà Lagarde có đưa ra bất kỳ tín hiệu nào vượt ra ngoài tuyên bố quen thuộc rằng các quyết định của ECB sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu” và được cân nhắc “từng cuộc họp”.
Một câu hỏi được chờ đợi là liệu ECB có thể ước tính tác động từ làn sóng chi tiêu ngân sách lớn của chính phủ Đức - một phần trong thỏa thuận liên minh mới với các cam kết về đầu tư vào quốc phòng và hạ tầng.
Tuy nhiên, khả năng cao bà Lagarde sẽ tránh trả lời trực tiếp, vì ECB thường chỉ đưa ra đánh giá về những chính sách đã được ban hành thay vì các đề xuất chưa cụ thể.
Dẫu vậy, gói chi tiêu mới của Đức được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực đối với tăng trưởng và lạm phát trong trung hạn, có thể buộc ECB phải xem xét đảo chiều chính sách cắt giảm lãi suất hiện tại.
Không giống phần lớn đồng nghiệp, chuyên gia kinh tế Reinhard Cluse tại UBS cho rằng ECB sẽ buộc phải nâng lãi suất trở lại trong năm tới để ngăn đà tăng lạm phát do gói kích thích tài khóa gây ra. “Chúng tôi tin rằng ECB có thể sẽ phải tăng lãi suất trở lại vào cuối năm 2026 để tránh nguy cơ lạm phát vượt mục tiêu vào năm 2027”, ông Cluse nhận định và thêm rằng: “Chúng tôi dự báo sẽ có hai đợt tăng, mỗi đợt 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tháng 12/2026, đưa lãi suất lên 2,5%, tức cao hơn một chút so với mức trung lập”.
TH