Trong quá khứ, hiếm khi nào thị trường lao động hạ nhiệt mà cuối cùng không rơi vào tình trạng suy thoái.
Đại dịch COVID-19 khiến thị trường lao động Mỹ trở nên nóng bỏng. Khi mở cửa trở lại, doanh nghiệp hoảng loạn trước tình trạng thiếu hụt lao động và phải tăng lương để tuyển nhân công. Khi giá cả tăng, nỗi lo về vòng xoáy giá - lương cũng lớn lên.
Tuy nhiên, thị trường lao động đã hạ nhiệt và có vẻ đang trở lại trạng thái bình thường. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức thấp nhất trong nửa thế kỷ (khoảng 3,4% vào một năm trước) lên 4% vào tháng 5.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu thị trường lao động có thể duy trì trạng thái trông có vẻ cân bằng này theo một cách bền vững hay sẽ tiếp tục yếu đi và cuối cùng dẫn đến suy thoái kinh tế.
Đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), kịch bản nào chiếm ưu thế là câu hỏi rất quan trọng. Lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed đã giảm từ mức 4% một năm trước xuống 2,6% vào tháng 5, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%.
Lạm phát có thể giảm hơn nữa khi chi phí nhà ở đi xuống, nhưng điều này cũng chưa chắc sẽ xảy ra. Các quan chức Fed cho biết họ có thể tiếp tục chờ đợi cho đến khi chính thức hạ lãi suất, miễn là thị trường lao động vẫn ổn định.
Mặt khác, nền kinh tế Mỹ lại đang phát đi những dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng đã chậm lại. Và nếu thị trường lao động tiếp tục suy yếu, thì khó ai có thể chặn nổi đà lao dốc. Trong tình huống đó, Fed có thể phải hạ lãi suất sớm hơn.
Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Jonathan Pingle, nhà kinh tế cấp cao của UBS, đánh giá: “Fed đang theo dõi sự suy yếu của thị trường lao động và đến một lúc nào đó, họ sẽ muốn ngăn chặn đà suy thoái đó”.
Số cơ hội việc làm giảm dần
Hai năm trước, một số quan chức Fed cho biết thị trường lao động đang mất cân bằng đến mức doanh nghiệp có thể phản ứng với lãi suất cao bằng cách giảm số vị trí đang tuyển dụng thay vì sa thải nhân viên.
Cho đến nay, đó chính là những gì đã diễn ra. Vào tháng 3/2022, khi ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất, mỗi người lao động thất nghiệp có hai vị trí trống đang chờ, một con số cao kỷ lục.
Đến tháng 4 năm nay, mỗi người lao động thất nghiệp chỉ còn 1,2 vị trí trống đang chờ. Nguyên nhân là số cơ hội việc làm đi xuống, chứ không phải do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tăng trưởng tiền lương và lạm phát giảm cùng lúc.
Phân tích tương tự của Fed cũng cảnh báo rằng đến một lúc nào đó, thị trường lao động có thể trở nên bất ổn.
Tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng mạnh khi tỷ lệ việc làm còn trống giảm xuống dưới 4,5%. Vào tháng 4, tỷ lệ này là 4,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 7,4% vào tháng 3/2022.
Hồi tháng 1, Thống đốc Fed Christopher Waller cho hay: “Chúng tôi cho rằng thị trường lao động không thể mãi ổn định”.
Tỷ lệ tuyển dụng và bỏ việc đã quay trở lại mức tương ứng của 10 và 7 năm trước. Đây là một dấu hiệu cho thấy ngày càng ít người lao động nhìn thấy cơ hội để nhảy sang công việc mới với mức lương cao hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp, đồng nghĩa rằng doanh nghiệp đang cố không sa thải nhân công.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp có thể là một hồi chuông cảnh báo sớm cho một cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng. Số đơn xin nhận trợ cấp lần đầu đã tăng lên trong những tuần gần đây nhưng vẫn ở dưới mức của năm trước. Nếu con số tiếp tục đi lên, Fed có thể phải sớm hạ lãi suất.
Chớ nên vội lo?
Một số chuyên gia cho rằng công chúng không nên lo lắng về thị trường lao động, vì phần lớn bất ổn đi kèm với các đợt tăng lãi suất đã tan biến.
Nỗi lo suy thoái khiến doanh nghiệp ngừng tuyển dụng và đầu tư, nhưng các cuộc khảo sát gần đây cho thấy họ rất tin tưởng vào doanh thu trong tương lai và điều này có thể hỗ trợ hoạt động tuyển dụng.
Bà Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng tại nền tảng tuyển dụng ZipRecruiter, cho hay: “Thị trường lao động đang dần thoát khỏi tình cảnh khó khăn và các doanh nghiệp cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm và cân nhắc về chiến lược dài hạn”.
Tuy vậy, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs lại nhìn thấy một vài dấu hiệu suy yếu. Tỷ lệ người mới tham gia lực lượng lao động tìm được việc làm đã đi xuống. Tình trạng sa thải vĩnh viễn, trái ngược với sa thải tạm thời, đang gia tăng.
NGUỒN: DN&KD