Số liệu từ MXV cho thấy, đóng cửa ngày giao dịch 15/4, diễn biến phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới.
Sắc đỏ hoàn toàn phủ kín bảng giá nông sản và năng lượng. Trong khi đó, lực mua áp đảo trên nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Đóng cửa, lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index chốt ngày suy yếu nhẹ 0,19% xuống 2.324 điểm.
Giá trị giao dịch toàn Sở ghi nhận sụt giảm gần 17%, tuy nhiên vẫn đạt trên 7.300 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tập trung mạnh nhất ở nhóm kim loại, chiếm hơn 34% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Đồng thời, kim loại cũng là nhóm ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong ngày hôm qua.
Giá kim loại tăng mạnh sau lệnh cấm của Mỹ và Anh đối với sản phẩm từ Nga
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 15/4, sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang phiên thứ 12 liên tiếp và tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 3 năm. Chốt ngày, giá bạc tăng 1,37% lên 28,71 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim quay đầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp, để mất 2,07% về 981 USD/ounce. Bạc vốn là mặt hàng có tính trú ẩn cao hơn bạch kim. Do vậy, giá bạc vẫn được hỗ trợ khi căng thẳng tại khu vực Trung Đông diễn biến phức tạp.
Ngược lại, giá bạch kim lại giảm mạnh do áp lực vĩ mô lấn át đi vai trò trú ẩn. Đồng USD tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh cao nhất 5 tháng nhờ kỳ vọng hạ lãi suất suy yếu và dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ. Theo báo cáo Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua, doanh số bán lẻ tháng 3 của Mỹ tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn 0,3 điểm so với dự báo. Đồng USD tăng sau dữ liệu giúp chỉ số Dollar Index kết phiên tăng 0,19% lên 106,21 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ tư liên tiếp. Đồng bạc xanh mạnh lên làm gia tăng chi phí đầu tư, giá bạch kim vì thế cũng chịu sức ép.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX, giá nhôm LME và niken LME đồng loạt tăng sau khi thị trường phản ứng với lệnh trừng phạt mới của Mỹ và Anh đối với kim loại do Nga sản xuất.
Cụ thể, vào cuối tuần trước, Mỹ và Anh đã tuyên bố cấm các sàn giao dịch kim loại chấp nhận nhôm, đồng và niken do Nga sản xuất, đồng thời cấm nhập khẩu các kim loại này. Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất kim loại quan trọng, chiếm 6% nguồn cung niken toàn cầu, 5% nhôm và 4% đồng. Trong hệ thống kho LME, kim loại của Nga chiếm thị phần khá lớn. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, nhôm, đồng và niken của Nga lần lượt chiếm tỷ trọng 91%, 62% và 36% trong kho LME. Do vậy, thông tin này làm gia tăng rủi ro nguồn cung, giúp giá đồng, nhôm và niken tăng ngay từ khi mở cửa phiên đầu tuần.
Ngoài ra, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp do rủi ro nguồn cung. Chốt phiên, giá quặng sắt tăng 1,05% lên 112,21 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel, xuất khẩu quặng sắt từ hai quốc gia sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới là Australia và Brazil đạt 19,19 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 14/4, giảm 28,8% so với tuần kết thúc ngày 7/4.
Giá ca cao tiếp tục lập đỉnh mới
Giá ca cao tiếp tục ghi nhận lực mua tích cực, và là động lực tăng chính của nhóm nguyên liệu công nghiệp trong suốt giai đoạn vừa qua. Đóng cửa hôm qua 15/4, giá ca cao tăng thêm 0,8%, thiết lập mức đỉnh mới lịch sử tại 10.559 USD/tấn. Bờ Biển Ngà và Ghana, 2 quốc gia cung ứng chủ yếu ca cao toàn cầu, đang trải qua một trong những vụ ca cao tồi tệ nhất trong lịch sử.
Trader Ecom dự đoán, sản lượng ca cao vụ hiện tại của Bờ Biển Ngà giảm 21,5% so với vụ trước, về mức thấp nhất trong 8 năm. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 10/2023) đến ngày 7/4/2024, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,3 triệu tấn, giảm mạnh 27,4% so với cùng kỳ vụ trước.
Giá một số hàng hóa khác
NGUỒN: MXV