Sau đà giảm mạnh hơn 3% đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng trong phiên hôm qua, các nhà đầu tư sẽ thận trọng trong việc mở vị thế mới. Điều này có thể khiến giá dầu diễn biến giằng co, trước khi chịu tác động bởi dữ liệu tăng trưởng GDP và dữ liệu lạm phát PCE của Mỹ vào tối nay.
Bên cạnh lo ngại lãi suất tăng cao gây ra suy thoái kinh tế, nền kinh tế Mỹ còn đang đối diện với vấn đề khác là rủi ro về trần nợ. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ thêm 1.5 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2024 và cắt giảm 4.5 nghìn tỷ USD chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong ngày hôm qua.
Dự luật trên sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, trước khi chuyển đến Tổng thống Biden để thông qua. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Biden sẽ phủ quyết nếu dự luật chuyển đến ông.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trong việc nâng trần nợ với điều kiện cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm chậm tăng trưởng và làm mất việc làm. Đảng Dân chủ kêu gọi đảng Cộng hòa nên ủng hộ việc tăng giới hạn nợ mà không có điều kiện ràng buộc. Nếu không đạt được sự thống nhất, rủi ro chạm trần nợ và nguy cơ vỡ nợ sẽ gây ra khủng hoảng.
Trong bối cảnh chi phí vay đắt đỏ tạo áp lực nhất định cho nền kinh tế Mỹ, tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ tương đối tiêu cực trước vấn đề về trần nợ, và do đó, thị trường dầu – mang tính rủi ro sẽ không được hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh nguồn cung đang tạm thời đảm bảo so với nhu cầu.
Hiện tại, tỷ lệ dầu-vàng (giá giao ngay của vàng thỏi chia cho hợp đồng tương lai của dầu WTI), một đại diện cho kỳ vọng sức khoẻ nền kinh tế đang có xu hướng tăng cao. Điều đó có nghĩ là, vàng trú ẩn an toàn đang vượt trội so với dầu rủi ro trong thời điểm không chắc chắn về biến động vĩ mô. 4 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dầu thô lớn nhất đang chứng kiến dòng tiền chảy ra trong 5 tuần liên tiếp.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)