Giá dầu đã có một phiên tăng đáng kể trong ngày hôm qua, sau khi liên tục giằng co kể từ đợt gap-up do thông tin OPEC+ cắt giảm nguồn cung. Nhìn chung, lo ngại nguồn cung thu hẹp vẫn khiến các nhà đầu tư ưa thích vị thế mở mua khi giá về dưới 80 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI vẫn đang nằm trong khoảng đi ngang, chưa bứt phá được qua vùng 82 USD/thùng.
Tâm điểm của thị trường ngày hôm nay sẽ hướng về dữ liệu lạm phát của Mỹ, và giá dầu sẽ nhiều khả năng sẽ biến động mạnh.
Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 3 sẽ tăng chậm lại ở mức 5.2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 6.0%. Điều này là khả dĩ khi giá hàng hoá nhìn chung trong tháng trước đã gặp áp lực đáng kể từ hàng loạt các sự kiện ngân hàng sụp đổ.
Mối bận tâm hơn sẽ là lạm phát lõi và nhiều khả năng CPI lõi loại trừ biến động của năng lượng và thực phẩm vẫn sẽ cao hơn kỳ vọng. Tăng trưởng tiền lương vẫn cao, thị trường lao động chưa rơi vào kịch bản tiêu cực. Điều này có thể sẽ tạo dư địa cho Fed tiếp tục tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 5 và giá dầu có thể gặp áp lực trong trường hợp này.
Khảo sát của 22 Research cho biết khoảng 1/2 số ý kiến được phỏng vấn cho rằng lạm phát lõi sẽ ở mức 5.6% hoặc cao hơn trong tháng 3 này so với cùng kỳ năm ngoái, tức là cao hơn mức 5.5% hồi tháng 2.
Về mặt cung cầu, trong báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 4 của EIA, mặc dù đã tính đến việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, nhưng dự báo vẫn cho thấy xu hướng nguồn cung nhỉnh hơn so với nhu cầu trong các quý năm nay và năm sau. EIA dự báo nguồn cung vẫn ở mức cao hơn nhu cầu trung bình khoảng 430,000 thùng/ngày trong năm 2023 và 530,000 thùng/ngày vào năm sau.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)