Giá dầu đang được hỗ trợ bởi những kỳ vọng tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc sau loạt báo cáo của các tổ chức lớn. Cùng quan điểm với báo cáo thị trường dầu thô của OPEC, Cơ quan Năng lượng Mỹ (IEA) trong báo cáo tháng 2 vừa qua cũng nhìn nhận tương đối tích cực về triển vọng nhu cầu trong năm 2023.
Cụ thể, cơ quan này đã nâng dự báo nhu cầu dầu cho năm nay thêm 200,000 thùng so với mức dự báo từ báo cáo trước, đưa mức tiêu thụ trung bình lên kỷ lục 101.9 triệu thùng/ngày. Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, mức tiêu thụ tăng 1.6 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc đóng góp mức tăng khoảng 900,000 thùng/ngày so với năm 2022, góp phần chính thúc đẩy mức tiêu thụ năm 2023 được kỳ vọng nhiều hơn 2 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, nguồn cung cũng được điều chỉnh tăng 200,000 thùng/ngày so với báo cáo trước, nhưng bình quân sản lượng năm 2023 được tính toán sẽ ít hơn khoảng 700,000 thùng/ngày so với nhu cầu, do đó, đây sẽ là những động lực thúc đẩy giá dầu trong dài hạn.
Tối nay, giá dầu có thể sẽ phản ứng với các dữ liệu vĩ mô về tình hình lạm phát của Mỹ thông qua chỉ số giá sản xuất PPI tháng 1. Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng qua ghi nhận mức tăng cao hơn dự đoán của thị trường, do đó, trong trường hợp chỉ số mô tả lạm phát đầu vào PPI tiếp tục tăng cao hơn dự kiến ở mức 0.4% so với tháng 12, thị trường vẫn sẽ thận trọng bởi lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay nâng lãi suất với mức đỉnh trên 5% và áp lực bán có thể quay trở lại với thị trường dầu thô.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)