Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 16/11/2023: Tồn kho dầu Mỹ tăng kéo giá dầu giảm, giá sản xuất tại Mỹ hạ nhiệt, kim loại quý hưởng lợi.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa hôm qua (15/11), sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới. Lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm nhẹ 0,14% xuống 2.218 điểm sau hai ngày khởi sắc trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng giảm hơn 4%, đạt gần 4.100 tỷ đồng.
Xu hướng phân hóa thể hiện rõ rệt đối với nhóm kim loại và năng lượng. Sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại, trong khi 4 trên tổng số 5 mặt hàng năng lượng đồng loạt chốt ngày trong sắc đỏ.
Tồn kho dầu Mỹ tăng kéo giá dầu giảm
Kết thúc ngày giao dịch 15/11, giá dầu giảm hơn 1,5% trong bối cảnh tồn kho dầu Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến làm thêm lo ngại về nhu cầu tiêu thụ yếu. Ngoài ra, rủi ro nguồn cung gián đoạn từ Nga giảm bớt cũng góp phần củng cố lực bán trên thị trường.
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,04% xuống 76,66 USD/thùng. Giá dầu Brent chốt phiên tại 81,18 USD/thùng, giảm 1,56% so với phiên trước.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/11 tăng 3,59 triệu thùng lên 439,35 triệu thùng, tăng nhanh hơn ước tính của Viện Dầu khí Mỹ (API) và dự báo của Reuters. Ngoài ra, tổng sản phẩm cung cấp, thước đo cho nhu cầu, giảm mạnh 1,64 triệu thùng/ngày xuống 20,08 triệu thùng/ngày.
Cũng làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết thông lượng lọc dầu của quốc gia này đạt 63,93 triệu tấn trong tháng 10, tương đương với 15,05 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức kỷ lục 15,48 triệu thùng/ngày trong tháng 9. Nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp đã khiến các nhà máy lọc dầu giảm hoạt động.
Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế ảm đạm tại khu vực đồng euro (Eurozone) cũng thúc đẩy tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Sản lượng công nghiệp của Eurozone trong tháng 9 giảm 1,1% so với tháng trước, so với dự báo giảm 1%. Thêm vào đó, Ủy ban châu u (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone năm 2023 xuống 0,6%, từ mức 0,8% trong dự báo tháng 9.
Về phía nguồn cung, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết các tàu chở dầu Nga không phải là mục tiêu trong đề xuất của EU về thắt chặt thực thi trần giá. Điều này đã xoa dịu phần nào mối lo nguồn cung dầu hạn chế từ Nga. Trước đó, tờ Financial Times đưa tin Đan Mạch sẽ chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển của nước này theo kế hoạch mới của EU và có thể làm gián đoạn hơn 1/3 tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Công suất lọc dầu sơ cấp ngoại tuyến của Nga cũng đã được điều chỉnh tăng 39,5% lên 2,42 triệu tấn trong tháng 11 do một số nhà máy thay đổi lịch trình bảo trì. Gia tăng công suất lọc dầu ngoại tuyến có thể dẫn đến tăng khối lượng dầu thô sẵn có và xuất khẩu.
Giá sản xuất tại Mỹ hạ nhiệt, kim loại quý hưởng lợi
Chốt ngày giao dịch 15/11, dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường kim loại sau khi Mỹ báo cáo số liệu lạm phát giá sản xuất hạ nhiệt trong tháng 10 và doanh số bán lẻ tiêu cực. Đối với nhóm kim loại quý, cả giá bạc và giá bạch kim đều nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, tăng lần lượt 1,76% và 1,03%, đóng cửa tại mức 23,53 USD/ounce và 902 USD/ounce.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 Mỹ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt mạnh mẽ so với mức tăng 2,2% của tháng 9 và thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo. Chỉ số PPI lõi tăng 2,4% so với tháng 10/2022, so với dự báo tăng 2,7%. Dấu hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đang giảm bớt.
Hơn nữa, doanh số bán lẻ tháng 10 của Mỹ giảm 0,1% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên sau 7 tháng, phản ánh nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ chậm lại.
Giá bạc và giá bạch kim đã phản ứng tích cực với loạt dữ liệu trên, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất. Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy thị trường gần như chắc chắn rằng FED giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12, và đa số nhà đầu tư đều kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 5/2024.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX cũng được hưởng lợi nhờ áp lực lãi suất giảm bớt. Chốt ngày, giá tăng 0,95%, đánh dấu ngày tăng thứ ba liên tiếp. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế Trung Quốc tích cực hơn dự báo làm tăng sức mua đồng.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 4,3% của các chuyên gia. Con số này cũng đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4/2023. Ngoài ra, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 10 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 5/2023.
Trên thị trường quặng sắt, bất chấp số liệu sản lượng thép thô của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 10, giá nguyên liệu thô sản xuất thép vẫn được hưởng lợi nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc. Đóng cửa, giá quặng sắt tăng 1,45% lên 130,04 USD/tấn.
Giá một số hàng hóa khác
NGUỒN: MXV