Tuy nhiên, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn gia tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh 16%, đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Thị trường kim loại lao dốc
Sắc đỏ áp đảo bảng giá kim loại trong ngày giao dịch đầu tuần 2/10. Trong nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều giảm giá với giá bạc dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 4,58% xuống 21,42 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 876,9 USD/ounce sau khi giảm 3,18%, mức giảm lớn nhất trong vòng gần 1 tháng. Trong khi đó, giá vàng nối dài đà giảm sang phiên thứ 6 liên tiếp khi giảm 1,13%, kết phiên tại mức 1.827,40 USD/ounce, mức thấp nhất trong gần 7 tháng.
MXV cho biết lo ngại lãi suất cao hơn tại Mỹ đã khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh. Điều này đã khiến các mặt hàng nhóm kim loại quý, vốn được định giá bằng đồng USD đồng loạt lao dốc.
Cụ thể, chỉ số Dollar Index đã tăng 0,64% lên 106,9 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tiếp tục neo ở mức cao nhất trong vòng 16 năm. Điều này diễn ra sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Michelle Bowman, một trong những người có quan điểm “diều hâu” nhất trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cho biết bà ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa.
Sức mạnh đồng USD càng được củng cố trước những tín hiệu lạc quan về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, báo cáo từ Viện Quản lý cung ứng cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã phục hồi tích cực với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 49 điểm trong tháng 9, cao hơn 1,3 điểm so với dự báo và là mức cao nhất trong gần một năm.
Đồng USD mạnh lên làm làm gia tăng áp lực bán với bạc, bạch kim vì chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ, trong khi lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,57% trong khi giá quặng sắt tăng 0,74% lên 120,49 USD/tấn.
Theo MXV, giá đồng chịu sức ép bởi cả yếu tố vĩ mô và cung cầu. Về yếu tố vĩ mô, đồng USD tăng mạnh làm giảm sức mua đồng, do chi phí mua đồng vật chất và đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.
Về yếu tố cung - cầu, cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài của Trung Quốc vẫn đang là lực cản chính cản trở tiêu thụ đồng. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ cho đến ngày 8/10 khiến nhu cầu trầm lắng, trong khi nguồn cung ổn định. Dữ liệu gần đây đã chỉ ra sản lượng đồng tháng 8 của Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên trên 434.200 tấn. Trong khi đó, tồn kho đồng tại Sở LME đã tăng 141% trong ba tháng qua lên hơn 167.820 tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Trái lại, trên thị trường quặng sắt, giá quặng sắt tăng nhẹ khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc. Cụ thể, sau 5 tháng thu hẹp liên tiếp, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng vào tháng 9, với chỉ số PMI sản xuất đạt 50,2 điểm.
Dữ liệu này tăng thêm kỳ vọng của thị trường về việc nền kinh tế Trung Quốc đang dần vượt qua thời kỳ suy thoái tồi tệ. Chính phủ nước này sẽ cần tiếp tục có những chính sách để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay. Sắt thép vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các chính sách kích thích của Trung Quốc, do đó, giá quặng sắt cũng được hưởng lợi.
Giá dầu giảm ngày thứ ba liên tiếp
Chốt ngày giao dịch 2/10, dầu thô ghi nhận ngày giảm giá mạnh thứ 3 liên tiếp ngay trước thềm cuộc họp của Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) diễn ra vào ngày 4/10. Tâm lý thận trọng đã thúc đẩy các giao dịch chốt lời. Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng của một số quốc gia trong nhóm OPEC+, cùng đà mạnh lên của đồng USD đã gây sức ép cho giá dầu trong phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 2,17% xuống 88,82 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 chốt phiên với mức giá 90,71 USD/thùng, sau khi giảm 1,62%.
Theo Reuters, một số nhà giao dịch đã chốt lời sau khi giá dầu thô tăng gần 30% lên mức cao nhất trong 10 tháng trong quý III.
Theo Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, trước khi giá dầu thô giảm bắt đầu vào ngày 28/9, các nhà đầu cơ Mỹ đã tăng vị thế quyền chọn và hợp đồng tương lai dài hạn của họ trên Sàn NYMEX lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.
Ngoài ra, tín hiệu về việc tăng sản lượng dầu của một số thành viên trong OPEC, bất chấp sự cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia cũng đã thúc đẩy lực bán trong phiên hôm qua.
Cụ thể, theo kết quả cuộc khảo sát của Reuters ngày 2/10, trong tháng 9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC) đã bơm khoảng 27,73 triệu thùng/ngày, tăng 120.000 thùng/ngày so với tháng 8. Trong đó, sản lượng từ Nigeria tăng 110.000 thùng/ngày và sản lượng từ Iran đạt mức 3,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ năm 2018 bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Thêm vào đó, nguồn tin từ Reuters cũng cho biết xuất khẩu dầu của Venezuela trong tháng 9 đạt 800.000 thùng/ngày, mức trung bình hàng tháng cao thứ hai trong năm 2023, do công ty dầu khí nhà nước PDVSA và các liên doanh phục hồi sản lượng. Quốc gia này đã báo cáo sản lượng dầu thô đạt mức 820.000 thùng/ngày trong tháng 8, cao hơn mức 810.000 thùng/ngày nước này sản xuất trong tháng 7, với mức trung bình tích lũy khoảng 785.000 thùng/ngày từ đầu năm đến nay.
Về Saudi Arabia và Nga, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg cho thấy, lưu lượng dầu thô bằng đường biển của Saudi Arabia đã tăng hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trong khi đó, lưu lượng từ các cảng Baltic và biển Đen quan trọng của Nga tăng khoảng 325.000 thùng/ngày.
Việc Saudi Arabia tăng xuất khẩu là do nhu cầu cao điểm mùa hè trong nước kết thúc, làm tăng khối lượng bán hàng ra thị trường quốc tế. Điều này cũng góp phần xoa dịu lo ngại nguồn cung, khiến cho giá dầu gặp áp lực trong phiên.
Bên cạnh đó, về yếu tố vĩ mô, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng so với rổ các loại tiền tệ khác. Điều này diễn ra ngay sau khi Chính phủ Mỹ tránh được việc “đóng cửa” và kinh tế tích cực làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Điều này cũng góp phần gây sức ép cho giá dầu khi chi phí mua hàng và nhập khẩu hàng hoá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn.
Giá một số hàng hóa khác