Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, năng lượng là nhóm hàng duy nhất có chỉ số MXV-Index tăng trong ngày giao dịch đầu tuần (11/12). Lực bán áp đảo trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp và kim loại đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,33% xuống 2.107 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.200 tỷ đồng trong ngày hôm qua.
Giá dầu tăng nhẹ nhờ kỳ vọng nhu cầu cải thiện
Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, giá dầu ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp nhờ kỳ vọng nhu cầu cải thiện. Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,1% lên 71,32 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 76,03 USD/thùng, tăng 0,3% so với phiên trước.
Lực mua duy trì mạnh mẽ vào đầu phiên nhờ kỳ vọng Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) sẽ tận dụng giá dầu thấp hơn để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR). DOE có kế hoạch mua tới 3 triệu thùng dầu giao hàng vào tháng 3/2024 và tổ chức đấu thầu hàng tháng cho đến tháng 5/2024.
Triển vọng nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ có dấu hiệu khởi sắc cũng góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường. Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) dự báo kỷ lục 7,5 triệu người sẽ bay từ ngày 23/12/2023 đến ngày 1/1/2024, đánh dấu mùa du lịch cuối năm bận rộn nhất kể từ khi AAA bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 2000.
Ngoài ra, nhu cầu dầu của Ấn Độ cũng có xu hướng gia tăng. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Rameswar Teli cho biết quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới sẽ tăng công suất lọc dầu thêm khoảng 22% vào năm 2028, so với mức 253,92 triệu tấn/năm hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Con số này tương đương với mức tăng trưởng 1,12 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Bloomberg cho biết các nhà máy lọc dầu của Nga đã xử lý 5,33 triệu thùng/ngày trong 6 ngày đầu tháng 12, giảm khoảng 81.000 thùng/ngày so với mức trung bình của tuần trước, ghi nhận tuần giảm thứ hai và là mức thấp nhất kể từ nửa cuối tháng 10. Các chuyến hàng dầu xuất khẩu bằng đường biển của quốc gia này cũng đã giảm xuống 2,74 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 3/12 do ảnh hưởng của cơn bão lớn tại biển Đen.
Giá ngô nối dài đà suy yếu
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá ngô nối dài đà suy yếu. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (11/12), giá ngô kỳ hạn tháng 3/2024 ở mức 189,5 USD/tấn. Nhìn chung, xu hướng giá vẫn đang tương đối giằng co, tuy nhiên các số liệu gây thất vọng từ báo cáo Export Inspections đã khiến cho lực bán chiếm thế áp đảo trong phiên tối.
Theo báo cáo, khối lượng giao hàng ngô của Mỹ trong tuần vừa rồi chỉ đạt mức 711.733 tấn, giảm khoảng 40% từ mức 1,18 triệu tấn trong tuần trước đó. Điều này cho thấy hoạt động vận chuyển ngũ cốc xuất khẩu của Mỹ đang gặp phải một số bất lợi do hạn hán ở kênh đào Panama, tuyến hàng hải chính của thế giới. Giao thông đường thủy bị ách tắc có thể đẩy chi phí vận tải lên cao và đe dọa đến sự cạnh tranh của nông sản Mỹ so với nguồn cung giá rẻ từ Brazil.
Ngoài ra, Cục Thống kê Quốc gia cho biết Trung Quốc đã thu hoạch mức kỷ lục 288,84 triệu tấn ngô trong năm nay, nhờ diện tích mở rộng lên mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2015. Sản lượng dồi dào của quốc gia sản xuất ngô lớn thứ 2 thế giới đã góp phần cải thiện nguồn cung ngô toàn cầu và tạo áp lực đến giá.
Trong khi đó, thị trường lúa mì cũng tiếp tục phải đối mặt với áp lực bán mạnh mẽ trong phiên hôm qua, khi lao dốc tới 3,52%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của giá lúa mì kể từ cuối tháng 9. Một mặt, báo cáo cung - cầu nông sản tháng 12 không còn nhiều ảnh hưởng đến thị trường. Mặt khác, yếu tố đã hỗ trợ mạnh mẽ đến giá trong tuần trước là nhu cầu nhập khẩu bất ngờ tăng mạnh ở Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại. Việc thị trường không đón nhận thêm đơn hàng mới từ Mỹ sang nước này trong ngày đầu tuần là yếu tố đã gây sức ép đến giá của lúa mì.
Đối với báo cáo Export Inspections tối qua, USDA cho biết giao hàng lúa mì trong tuần kết thúc vào ngày 7/12 đã đạt 281.697 tấn, tăng so với mức gần 188.000 tấn trong báo cáo trước. Tuy nhiên, lũy kế giao hàng từ đầu niên vụ của lúa mì Mỹ mới chỉ đạt 8,6 triệu tấn tương đương với 45,18% kế hoạch xuất khẩu, thấp hơn đáng kể so với mức 53,93% cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, các số liệu trong báo cáo tuần này không có tác động hỗ trợ đến giá trong phiên hôm qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (11/12) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao tháng cuối năm trong khoảng 6.850 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý I, giá chào bán dao động ở mức 6.750 – 6.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Giá một số hàng hóa khác