Dầu tăng 2%
Giá dầu tăng khoảng 2% do hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể nới lỏng chính sách thắt chặt sau một báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ trong tuần này, mặc dù lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc vẫn còn.
Chốt phiên 11/4, giá dầu Brent tăng 1,43 USD hay 1,7% lên 85,61 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 1,79 USD hay 2,2% lên 81,53 USD/thùng.
Các nhà đầu tư lạc quan hơn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang tiến gần tới kết thúc chu kỳ tăng lãi suất khiến dầu định giá bằng USD rẻ hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Edward Moya, chuyên gia phân tích tại OANDA cho biết triển vọng nhu cầu dầu thô trong ngắn hạn sẽ sớm được rõ ràng hơn. Trong tuần này chúng ta sẽ biết liệu nền kinh tế Mỹ có đang bước vào suy thoái hay không.
Tuy nhiên, số liệu từ Trung Quốc cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 3 tăng với tốc độ thấp nhất kể từ tháng 9/2021, cho thấy nhu cầu vẫn yếu trong sự phục hồi kinh tế không đồng đều.
Giá dầu kỳ hạn đã tăng khoảng 7% kể từ khi OPEC và các đồng minh gồm Nga bất ngờ cắt giảm thêm mục tiêu sản lượng từ tháng 5.
Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết sản lượng của OPEC sẽ giảm 500.000 thùng/ngày trong năm 2023 sau đó sẽ tăng 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024 sau khi thỏa thuận sản lượng của tổ chức này hết hạn. Tổng sản lượng nhiên liệu của các nước ngoài OPEC dự kiến tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Tại Pháp, việc khởi động lại nhà máy lọc dầu cuối cùng trong số 4 nhà máy lọc dầu trong nước bị đóng cửa do đình công kéo dài một tháng qua báo hiệu nhu cầu dầu thô có thể tăng.
Vàng tăng
Giá vàng tăng trở lại trên mốc quan trọng 2.000 USD do USD giảm, trong khi các nhà giao dịch tập trung vào số liệu lạm phát của Mỹ công bố trong ngày 12/4 để có những manh mối về tăng lãi suất trong tương lai.
Vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.005,79 USD/ounce, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa cũng tăng 0,8% lên 2.019 USD/ounce.
Chủ tịch Fed New York ông John Williams cho biết triển vọng Fed nâng lãi suất cơ bản một lần nữa thêm 25 điểm cơ bản là một khởi đầu tốt, trong khi Chủ tịch Fed Chicago ông Austran Goolsbee cho biết ngân hàng trung ương này nên thận trọng về việc nâng lãi suất khi đối mặt với căng thẳng trong ngân hàng gần đây.
Đồng tăng
Giá đồng tăng do USD yếu hơn mặc dù số liệu của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất yếu đã hạn chế đà tăng.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,6% lên 8.853 USD/tấn. Giá kim loại này dùng để đánh giá sức khỏe nền kinh tế, chủ yếu giao dịch từ 8.500 USD tới 9.000 USD./tấn kể từ tháng 2.
Giới phân tích cho biết lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong 18 tháng và giá bán buôn giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 6/2020 cho thấy hoạt động và nhu cầu yếu.
Số liệu CPI của Mỹ sẽ phát hành trong ngày 12/4, sẽ là manh mối cho quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong cuộc họp tới vào ngày 3/5.
Hỗ trợ giá đồng là dự trữ thấp, gây lo lắng về nguồn cung trên thị trường LME và khiến giá giao ngay cao hơn so với hợp đồng giao sau ba tháng.
Trong khi đó, nhôm giảm xuống 2.296 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 23/3 do lo ngại về nhu cầu từ các công ty vận tải, đóng gói và xây dựng lấn át lo lắng về nguồn cung ở Châu Âu và Trung Quốc.
Quặng sắt tăng
Giá quặng sắt biến động trong phiên 11/04, ban đầu tiếp tục giảm bởi lo ngại về nhu cầu thép yếu ở Trung Quốc, trước khi đảo chiều do một cơn bão nhiệt đới hướng tới cảng Hedland ở nước cung cấp hàng đầu thế giới Australia.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 1,5% lên 798,5 CNY (115,97 USD)/tấn. Trước đó giá đã giảm khoảng 1,7% xuống 773,5 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 27/3.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 5 tăng 1,7% lên 119,5 USD/tấn cũng đảo chiều giảm trước đó. Giá đã xuống mức thấp nhất 3 tháng tại 115,2 USD/tấn trong ngày 10/4.
Port Hedland, nơi xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới và được tập đoàn BHP, Fortescue và Hancock Prospecting sử dụng, sẽ được thông quan sớm trong ngày 12/4 do một cơn bão nhiệt đới đang đến gần.
Quặng sắt phục hồi sau đợt bán tháo bởi thất vọng về nhu cầu thép tăng chậm theo mùa ở Trung Quốc. Với nhu cầu thép yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản trong nước chậm chạp, sự bi quan của thị trường đã tăng lên.
Cơ quan Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc tuần trước cho biết chính quyền sẽ tăng cường giám sát thị trường quặng sắt.
Các thành phẩn sản xuất thép khác tại Đại Liên cũng tăng, than luyện cốc và than cốc tăng lần lượt 0,5% và 0,9%.
Tại Thượng Hải thép thanh giảm 0,2% và thép cuộn cán nóng giảm 0,3%, trong khi thép cuộn tăng 0,1% và thép không gỉ tăng 2,5%.
Cao su kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 ngày
Giá cao su Nhật Bản tăng nhẹ, theo hướng giá dầu thô tăng và thị trường Thượng Hải ổn định, nhưng triển vọng toàn cầu u ám đã hạn chế chiều tăng.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,7 JPY hay 0,3% lên 205,0 JPY (1,54 USD)/kg.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 tăng 65 CNY lên 11.730 CNY (1.703,56 USD)/tấn.
Các thị trường Thượng Hải dường như ổn định nhưng cao su vẫn giao dịch trong biên độ nhỏ.
Đường cao nhất 11 năm do lo ngại nguồn cung
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,81 US cent hay 3,4% lên 24,37 US cent/lb sau khi đạt đỉnh 24,45 US cent, cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Sản lượng ít hơn tại 3 nhà sản xuất đường hàng đầu Châu Á sẽ khiến thị trường phụ thuộc nhiều vào Brazil và có những lo ngại về việc vận chuyển nguồn cung từ các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới có thể bị gián đoạn.
Mưa dự kiến ở Brazil trong những ngày tới có thể làm giảm tốc độ thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã giảm dự báo sản lượng đường trong nước niên vụ 2022/23 xuống 9 triệu tấn từ 9,33 triệu tấn trong dự báo tháng trước đó.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 29,3 USD hay 4,4% hay 702,5 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 11 năm tại 706,7 USD/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 67 USD hay 3% lên 2.323 USD/tấn sau khi thiết lập mức cao nhất 7,5 tháng tại 2.326 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường phục hồi bởi nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn do nhu cầu mạnh và xuất khẩu cà phê robusta từ Việt Nam giảm so với năm trước đó.
Hợp đồng kỳ hạn tháng 5 cao hơn kỳ hạn tháng 7 đáng kể và hiện ở mức 87 USD/tấn.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 tăng 7,75 US cent hay 4,3% lên 1,8845 USD/lb.
Đậu tương tăng, ngô và lúa mì giảm.
Đậu tương tại Chicago đóng cửa tăng sau khi chính phủ Mỹ giảm ước tính sản lượng của Argentina xuống mức thấp nhất 23 năm trong một báo cáo hàng tháng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu tương tại Argentina sẽ ít hơn so với suy nghĩ trước đó ở mức 27 triệu tấn do hạn hán tàn phá các cánh đồng tại đây.
Hợp đồng đậu tương CBOT đóng cửa tăng 10 US cent lên 14,97-1/4 USD/bushel, sau khi đạt 15,07-1/2 USD trong phiên này.
Ngô CBOT đóng cửa giảm 3 US cent xuống 6,51 USD/bushel và lúa mì giảm 4-1/2 US cent xuống 6,74 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 12/4
Tổng Hợp