Phiên giao dịch 4/4, giá dầu Brent đóng cửa vượt ngưỡng 90 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023, vàng được củng cố gần mức cao nhất mọi thời đại, đồng cao nhất trong 14 tháng.
Dầu Brent đóng cửa trên 90 USD lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023
Giá dầu tiếp tục tăng, đóng cửa tăng hơn 1 USD do căng thẳng địa chính trị và việc cắt giảm sản lượng đã lấn át sự thận trọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed.
Chốt phiên 4/4, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 1,3 USD hay 1,5% lên 90,65 USD/thùng, trong khi dầu WTI kỳ hạn tháng 5 tăng 1,16 USD hay 1,4% lên 86,59 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng này đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, được hỗ trợ trong những ngày gần đây từ căng thẳng địa chính trị tăng cao và khả năng rủi ro nguồn cung.
Vàng củng cố gần mức cao nhất mọi thời đại
Giá vàng tạm ổn sau khi đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên do dự đoán Mỹ giảm lãi suất trong năm nay khi các nhà đầu tư chờ đợi sự rõ ràng hơn về thời điểm cắt giảm.
Vàng giao ngay ổn định tại 2.300,49 USD/ounce sau khi lên kỷ lục 2.304,09 USD/ounce. Vàng Mỹ đóng cửa giảm 0,2% xuống 2.308,5 USD/ounce.
Các quan chức Fed gồm cả Chủ tịch Jerome Powell tiếp tục tập trung vào sự cần thiết có thêm bàn luận và số liệu trước khi cắt giảm lãi suất, một động thái mà thị trường tài chính dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6.
Số liệu cho thấy người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhiều hơn dự kiến vào cuối tuần trước.
Lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và dòng vốn trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu càu vàng, khiến giá tăng hơn 25% kể từ tháng 10/2023.
Đồng cao nhất 14 tháng
Giá đồng cao nhất trong hơn 14 tháng bởi việc mua vào của quỹ sau khi đồng USD giảm xuống mức thấp nhất hai tuần.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1% lên 9.359 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 1/2023 tại 9.397,5 USD/tấn.
Nhiều quỹ mà giao dịch dựa trên các tín hiệu mua bán từ các mô hình số được gọi là cố vấn giao dịch hàng hóa (CTA), đang mua ở mức gần 9.400 USD/tấn.
Hoạt động mua CTA cũng được thể hiện rõ ràng đối với nhôm, đặc biệt là với lãi suất cao trong tháng 6. Nhôm LME đã chạm 2.461,5 USD/tấn trong phiên, cao nhất kể từ tháng 4/2023.
Đà tăng giá được hỗ trợ bởi USD yếu hơn, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/3 sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng lên mức cao nhất hai tháng.
Cao su Nhật Bản tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 3 liên tiếp, bởi chứng khoán Tokyo tăng cùng với giá dầu, mặc dù việc giao dịch trầm lắng do thị trường Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 1,5 JPY hay 0,46% lên 327,3 JPY (2,16 USD)/kg, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1/4.
Giá dầu tăng do lo ngại nguồn cung giảm. Cao su tự nhiên thường có chiều hướng theo giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu mỏ.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa tăng 0,81%.
Giá gạo Ấn Độ xuống mức thấp nhất 2 tháng do nhu cầu yếu
Giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 trong tuần này, bởi nhu cầu chậm chạp, trong khi gạo Thái Lan giảm tuần thứ 4 liên tiếp do đồng baht yếu.
Tại Ấn Độ giá gạo đồ 5% tấm được chào bán ở mức 540 – 548 USD/tấn trong tuần này, giảm từ mức 550 – 558 USD trong tuần trước. Giá đã đạt cao kỷ lục 560 USD trong tháng trước sau khi hải quan thay đổi cách tính thuế xuất khẩu 20% khiến mức thuế cao hơn.
Nhu cầu từ các khách hàng Châu Á là yếu, khiến giá giảm từ mức cao trong tháng trước. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã nhận được thông báo từ cơ quan hải quan yêu cầu thanh toán chênh lệch thuế đối với gạo xuất khẩu trong 18 tháng qua, một yêu cầu thuế hiếm có có thể làm tê liệt xuất khẩu gạo từ Ấn Độ.
Tại Thái Lan giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 570 USD/tấn giảm từ 585 – 590 USD trong tuần trước.
Giá giảm do đồng baht giảm giá và nguồn cung được bổ sung. Giá thấp đã thu hút nhu cầu từ các khách hàng như Indonesia.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 580 USD/tấn giảm từ 590 – 595 USD một tuần trước. Nhu cầu vẫn mạnh, nhưng khách hàng chỉ chào giá thấp hơn.
Cà phê robusta đóng cửa giảm sau khi đạt đỉnh 16 năm
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 46 USD xuống 3.766 USD/tấn sau khi lên đỉnh 3.849 USD/tấn, cao nhất kể từ khi hình thức hợp đồng hiện nay bắt đầu giao dịch trong năm 2008.
Các đại lý cho biết nguồn cung tại Việt Nam vẫn rất khan hiếm và có những lo ngại về khả năng hạn hán tại nước này. Việc trì hoãn thu hoạch robusta tại Indonesia đã bổ sung những lo ngại về nguồn cung.
Nông dân Brazil đang chuẩn bị bắt đầu thu hoạch một vụ robusta lớn hơn trong năm nay khi giá nội địa ở mức cao kỷ lục.
Cà phê arabica giao tháng 5 tăng 3,15 US cent lên 2,038 USD/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 18 tháng tại 2,0795 USD/lb.
Giá cà phê Việt Nam tăng trong tuần này do lo ngại về tình trạng thiếu nước và hạn hán có thể ảnh hưởng đến cây trồng, trong khi tại Indonesia lo ngại vụ thu hoạch có thể bị trì hoãn cho đến cuối tháng 5 hay tháng 6.
Nông dân tại Tây Nguyên đang bán cà phê ở mức 101.200 – 103.000 đồng (4,06 – 4,13 USD)/kg, tăng từ 98.100 – 100.200 đồng một tuần trước.
Giá cà phê Việt Nam theo xu hướng tăng kể từ tháng 10 trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Tại Indonesia, cà phê robusta ở đảo Sumatra được chào bán ở mức cộng 550 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 4 trên sàn giao dịch London, giảm từ mức cộng 720 USD một tuần trước.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,6% lên 22,36 US cent/lb.
Hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 0,5% lên 650,7 USD/tấn.
Bộ cung ứng của Ai Cập cho biết Tổng cục Cung cấp Hàng hóa của nước này đã mua 250.000 tấn đường thô giao tháng 5, tháng 7 và tháng 8.
Ngô tăng, đậu tương giảm, lúa mì diễn biến trái chiều
Lúa mì trên sàn giao dịch Chicago diễn biến trái chiều do USD yếu hơn trong khi mức tăng bị hạn chế do nhu cầu xuất khẩu của Mỹ và giảm bớt lo ngại về gián đoạn vận chuyển của Nga.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 1/4 US cent lên 5,56-1/4 USD/bushel. Lúa mì cứng đỏ vụ đông cùng kỳ hạn giảm 3 US cent xuống 5,77-1/2 USD/bushel.
Ngô tăng do doanh số xuất khẩu hàng tuần mạnh và USD yếu, nhưng nguồn cung dồi dào và triển vọng thời tiết trồng trọt mùa xuân ở Mỹ thuận lợi đã hạn chế đà tăng.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 5 tăng 3-1/2 US cent lên 4,35-1/4 USD/bushel.
Đậu tương giảm do giá dầu đậu tương giảm với giá năng lượng yếu và doanh số xuất khẩu hàng tuần không như mong đợi.
Hợp đồng đậu tương giao tháng 5 giảm 2-1/4 US cent xuống 11,8 USD/bushel sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 8/3 trong phiên liền trước.