Thị trường hàng hoá hôm nay 31/5: Giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 4,42%, dầu Brent giảm mạnh 4,25% xuống còn 73,71 USD/thùng.
Giá dầu giảm sâu hơn 4%
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), lo ngại xoay quanh vấn đề trần nợ công của Mỹ tiếp tục gây áp lực tới thị trường tài chính trong phiên ngày 30/05, kéo giá của cả 2 mặt hàng dầu WTI và Brent đều sụt giảm hơn 4%. Cụ thể, giá dầu WTI đánh mất mốc 70 USD/thùng sau khi giảm 4,42%, dầu Brent giảm mạnh 4,25% xuống còn 73,71 USD/thùng.
Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kevin McCarthy vẫn giữ sự lạc quan rằng thỏa thuận sơ bộ về trần nợ công sẽ được thông qua. Tuy nhiên, một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa cho biết họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ ở Mỹ.
Thỏa thuận này phải được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6, thời điểm Bộ Tài chính cho biết Mỹ sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình và trong trường hợp đó, sẽ làm gián đoạn thị trường tài chính. Điều này cho thấy khó khăn trên thị trường tài chính vẫn kéo dài. Sự thiếu chắc chắn đối với các yếu tố vĩ mô khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu thô.
Thời hạn nợ gần trùng với cuộc họp ngày 4/6 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), với những tín hiệu trái chiều từ các quan chức trong nhóm về kế hoạch sản lượng sắp tới.
Các chuyến hàng dầu thô đường biển trung bình trong 4 tuần từ Nga, giúp giảm bớt một số biến động về số lượng, đã giảm lần đầu tiên trong 6 tuần xuống 3,64 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 26/05. Nhưng dòng chảy dầu thô nhìn chung vẫn duy trì mức cao ổn định, cao hơn 1,4 triệu thùng/ngày so với cuối năm ngoái và cao hơn 270.000 thùng/ngày so với cuối tháng 2, tháng cơ sở cho việc cam kết cắt giảm. Nguồn cung dồi dào của Nga làm gia tăng sức ép bán trên thị trường dầu thô.
Trong khi đó, bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng 500,000 thùng/ngày, Nga vẫn đặt mục tiêu tăng cường xuất khẩu dầu diesel từ các cảng quan trọng phía Tây thêm hơn 30% trong tháng 6 so với tháng 5, khi một số nhà máy lọc dầu tiếp tục hoạt động đủ công suất sau thời gian bảo trì theo mùa.
Tồn kho dự trữ tại điểm giao dầu thô kỳ hạn chuẩn của Mỹ đã tăng 1,05 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/05, theo trích dẫn từ Công ty khai thác dữ liệu Wood Mackenzie.
Thị trường tương lai cũng phản ánh nguồn cung dồi dào trong ngắn hạn khi chênh lệch giá WTI tháng trước tiến sâu vào trạng thái “bù hoãn mua”, tức là các hợp đồng ngắn hạn được giao dịch với giá chiết khấu so với các hợp đồng dài hạn.
Ghi nhận mức giảm mạnh nhất 06 tháng, giá lúa mì hiện rẻ hơn ngô
Mở cửa giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ, giá đậu tương quay đầu giảm mạnh. Đà suy yếu được duy trì trong suốt phiên hôm qua và giá đóng cửa với mức giảm lên tới hơn 4% Những diễn biến tích cực của mùa vụ mới tại Mỹ, cũng như triển vọng xuất khẩu khả quan của Brazil trong năm nay đã gây sức ép mạnh lên đậu tương trong hôm qua.
Công ty tư vấn StoneX dự báo, cảng Santos có đủ khả năng để đáp ứng kế hoạch xuất khẩu nông sản trong năm nay của Brazil. Đây là cảng xuất khẩu chính của quốc gia Nam Mỹ này đối với các mặt hàng như đậu tương, ngô và đường.
Điều này giúp xoa dịu những lo ngại trước đó rằng hoạt động xuất khẩu nông sản của Brazil trong năm nay sẽ bị hạn chế, do những nút thắt về mặt hậu cần khi phải đối mặt với vụ ngô và đậu tương kỷ lục.
Còn tại Mỹ, Bộ Nông nghiệp nước này cho biết đã giao được 239.736 tấn đậu tương trong tuần 19/05-25/05, tăng nhẹ so tuần trước đó, nhưng vẫn nằm trong khoảng dự đoán của thị trường. Do đó, tín hiệu xuất khẩu tích cực hơn của Mỹ là chưa đủ để có thể giúp kìm hãm đà giảm mạnh của giá đậu tương.
Bên cạnh đó, giá lúa mì cũng lao dốc khi bước vào phiên tối và đóng cửa với mức sụt giảm tới hơn 4%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của giá mặt hàng này trong 6 tháng qua và khiến lúa mì hiện đang rẻ hơn so với ngô. Thời tiết tại Mỹ cải thiện là nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến giá.
Hầu hết miền trung nước Mỹ sẽ nhận được độ ẩm đáng kể trong nửa sau của tuần này, theo bản đồ lượng mưa tích lũy 72 giờ mới nhất từ Cơ quan Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Mỹ (NOAA). Các khu vực của Đồng bằng Nam Bộ sẽ có lượng mưa nhiều nhất trong thời gian này. Đây sẽ là tín hiệu tốt đối với lúa mì vụ đông sau thời gian đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài.
Ngành chăn nuôi trong nước đón nhận tín hiệu tích cực
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, tại cảng Cái Lân, giá chào khô đậu tương Mỹ trong khoảng 12.650 – 12.700 đồng/kg đối với kỳ hạn giao hàng các tháng quý III, và 13.050 -13.100 đồng/kg đối với kỳ hạn quý IV năm nay. Trong khi đó, giá chào bán ngô Nam Mỹ ổn định trong khoảng 6.300 – 6.500 đồng/kg, không chênh lệch nhiều ở các tháng giao hàng. So với đầu tháng 05, cả giá chào bán ngô và khô đậu nhập khẩu về cảng nước ta đều đã giảm khoảng 300 đồng/kg. Đây là tín hiệu rất tích cực đối với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cũng như các hộ chăn nuôi trong nước khi giá thành nguyên liệu đầu vào đã được hạ nhiệt đáng kể.
Cũng trong sáng nay, giá heo hơi nội địa mặc dù được điều chỉnh trái chiều với biên độ 1.000 đồng/kg, nhưng nhìn chung, giá khảo sát tại các tỉnh thành trên toàn quốc dao động trong khoảng 54.000 – 56.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20% so với mức giá trung bình hồi tháng 2 năm nay. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn thấp hơn, trong khi giá thành phẩm đầu ra vẫn trên đà tăng tương đối ổn định, lợi nhuận ngành chăn nuôi đang ngày càng được gia tăng.
Giá một số hàng hoá khác
NGUỒN: MXV