Giá dầu WTI tăng lên mức 80,9 USD/thùng; Cà phê Arabica cao nhất 6 tháng
Tác giảAdministrator

Thị trường hàng hoá hôm nay 19/4, giá dầu WTI chỉ tăng nhẹ 0,09% lên mức 80,9 USD/thùng. Giá dầu Brent gần như không thay đổi, đạt 84,77 USD/thùng.

Giá dầu tăng nhẹ

Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu diễn biến tương đối giằng co trước khi kết thúc với mức tăng nhẹ trong phiên ngày 18/4. Giá dầu được hỗ trợ bởi triển vọng kinh tế tích cực của Trung Quốc, tuy nhiên đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại tăng trưởng tại Mỹ trong bối cảnh lãi suất có thể vượt mức 5%.

Kết phiên, giá dầu WTI chỉ tăng nhẹ 0,09% lên mức 80,9 USD/thùng. Giá dầu Brent gần như không thay đổi so với phiên trước đó, chốt tại mốc 84,77 USD/thùng.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay của Trung Quốc tăng nhanh hơn so với dự báo 0,5 điểm phần trăm, đạt mức ​​4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS).

Doanh số bán lẻ tháng 3 cũng tăng vọt hơn 10%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2021, phản ánh tâm lý của người tiêu dùng đang dần được cải thiện.

Là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới, và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng giá dầu kể từ sau khi mở cửa trở lại, dữ liệu kinh tế tích cực này đã hỗ trợ cho giá do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo nhu cầu nhiên liệu gia tăng.

Trên thực tế, lưu lượng lọc dầu thô của Trung Quốc cũng đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 3, đạt 63,9 triệu tấn, theo dữ liệu từ NBS, tương đương 14,9 triệu thùng/ngày, tăng 8,8% so với một năm trước đó. Điều này xuất phát từ việc các nhà máy tăng cường hoạt động để tận dụng nhu cầu xuất khẩu mạnh mẽ, và tích trữ hàng tồn kho trước đợt bảo trì theo kế hoạch.

Nhu cầu tích cực còn được thể hiện ở việc Trung Quốc và Ấn Độ, đối tác chính của Nga trong những tháng gần đây, có thể đã mua dầu Urals của Nga trong tháng 4 với mức giá cao hơn mức trần 60 USD/thùng do nhóm các nước G7 đặt ra. Bức tranh tiêu thụ triển vọng trong khi nguồn cung từ phía Trung Đông sẽ dần bị thu hẹp, khiến dầu WTI tiếp tục được giao dịch trên ngưỡng 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, đà tăng chững lại bởi một số lo ngại về bức tranh kinh tế của Mỹ, giá dầu gần như giằng co trong suốt phiên tối. Triển vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ vẫn là một lực cản đối với tâm lý các nhà đầu tư.

Chủ tịch Fed St. Louis, ngài James Bullard cho biết hôm thứ Ba trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng Fed nên tiếp tục tăng lãi suất do dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát có khả năng sẽ dai dẳng trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC rằng Fed rất có thể chỉ còn một đợt tăng lãi suất nữa.

Kỳ vọng trái chiều này đã hạn chế tâm lý rủi ro của nhiều nhà đầu tư, lực bán chốt lời cũng mạnh hơn, thể hiện qua khối lượng giao dịch tăng vọt trong phiên ngày 18/04 đối với hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 6.

Dầu thô cũng bị áp lực bởi thông tin Chính phủ Liên bang Iraq và Chính quyền khu vực Kurdistan (KRG) đang hướng tới nối lại xuất khẩu dầu phía Bắc từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi tạm dừng vào tháng trước.

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm hơn 2,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 14/4. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm, thể hiện nhu cầu trên thực tế tương đối tích cực. Điều này có thể khiến giá dầu WTI tiếp tục giao dịch trên vùng 80 USD/thùng.

Giá cà phê Arabica cao nhất 6 tháng

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/04, sắc xanh tiếp tục bao trùm lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của Dollar Index.

Giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 07 ghi nhận mức tăng 2,01% so với tham chiếu. Những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường ngày càng sâu sắc, đặc biệt sau khi dữ liệu tồn kho cà phê tại Mỹ được công bố hôm qua, ngày 18/04.

Cụ thể, tồn kho cà phê tại các cảng biển của Mỹ trong tháng 03 vừa qua đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp xuống mức 6,01 triệu bao 60kg. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, đồng Real mạnh lên trong khi Dollar Index suy yếu, đã kéo tỷ giá USD/Brazil Real tăng 0,86% trong phiên hôm qua, hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil, từ đó góp phần hỗ trợ giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 12/10/2022.

Robusta cũng ghi nhận phiên tăng giá nhẹ 0,38% so với mức tham chiếu khi những lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn chiếm ưu thế.

Nông dân Việt Nam cũng như Indonesia tiếp tục hạn chế bán hàng ở thời điểm hiện tại vì 2 lý do chính là nguồn cung cạn kiệt và kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, dẫn tin từ Reuters.

Giá đường 11 khởi sắc phiên thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,59%, đưa giá giao dịch hiện tại về vùng cao trong 11 năm. Thị trường tiếp tục chịu tác động chính bởi những thông tin sản lượng giảm trong niên vụ hiện tại so với trước đó tại các quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc.

Giá dầu cọ đóng cửa phiên giao dịch hôm qua với mức tăng lên tới 4,15%. Đây là mức tăng hàng ngày cao nhất mà mặt hàng này ghi nhận kể từ tháng 12 năm ngoái.

Bên cạnh lo ngại nguồn cung dầu thực vật toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, sự suy yếu của đồng Ringgit cũng đã thúc đẩy lực mua đối với dầu cọ trong phiên hôm qua.

Thị trường kim loại đón nhận lực mua tích cực

Thị trường kim loại trải qua một phiên giao dịch tích cực với sắc xanh bao phủ trên bảng giá. Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 0,7% lên 25,2 USD/ounce. Bạch kim có mức tăng mạnh nhất nhóm, 3,5%, lên 1097,3 USD/ounce, và cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 1/2023.

Yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của nhóm kim loại quý vẫn là sự suy yếu của đồng USD, với chỉ số Dollar Index giảm về 101,7 điểm. Mặc dù thị trường vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 5 sắp tới, nhưng đồng đô la Mỹ không tăng mạnh bởi sau đó Fed có thể sẽ tạm ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, giá bạc và bạch kim cũng được hưởng lợi khi dòng tiền rời khỏi thị trường rủi ro như thị trường chứng khoán. Áp lực lãi suất cao trên toàn cầu, cùng với nguy cơ lạm phát dai dẳng khi giá dầu tăng trở lại khiến cho rủi ro suy thoái ngày càng hiện hữu, vì thế, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý đang thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn.

Giá bạch kim tăng vượt trội hơn so với vàng và bạc, bởi nguồn cung của kim loại này bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mà Nam Phi, nhà sản xuất số một thế giới, vẫn đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng điện nghiêm trọng. Tình trạng mất điện kéo dài đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kể từ cuối năm ngoái, và Chính phủ Nam Phi vẫn đang tìm cách để khắc phục sự sụt giảm công suất phát điện của công ty nhà nước Eskom.

Với nhóm kim loại cơ bản, các số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc đã thúc đẩy sức mua với tất cả các mặt hàng. Đối với các kim loại chủ chốt, giá đồng tăng 0,63% lên 4,09 USD/pound và giá sắt tăng 0,81% lên 117,72 USD/tấn. GDP quý I/2023 của Trung Quốc tăng 4,5%, cao hơn so với dự báo và là yếu tố cho thấy sự hồi phục khá tích cực của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ từ đầu năm tới nay của Trung Quốc tăng lần lượt là 3% và 5,76%, phản ánh triển vọng tiêu thụ tích cực đối với các mặt hàng vốn là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng như đồng và quặng sắt. Tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định đạt 5,1% dù ít hơn dự báo nhưng vẫn tích cực và vượt trội hơn so với nhiều nền kinh tế khác.

Mặc dù vậy, đà tăng của hai kim loại đều khá khiêm tốn, dưới 1%, bởi thị trường đón nhận những tin tức tích cực về phía nguồn cung. ​​Xuất khẩu đồng của Peru giảm 20% trong hai tháng đầu năm, tuy nhiên các hoạt động sản xuất đang phục hồi sau tình trạng bất ổn xã hội tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Với quặng sắt, Công ty khai thác mỏ Vale SA của Brazil, một trong ba nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, cho biết sản lượng trong quý đầu tiên tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 66,77 triệu tấn.

Tiêu thụ thép nội địa khởi sắc trong tháng 03

Trên thị trường nội địa, tình hình tiêu thụ thép trong tháng 03 ghi nhận sự khởi sắc hơn tháng trước khi Chính phủ nhấn mạnh việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh việc xây dựng các công trình trọng điểm, các tuyến đường cao tốc. Điều này đã đem lại cơ hội tích cực hơn cho các doanh nghiệp sản xuất tìm nguồn cầu đầu ra. Nhưng nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, tiêu thụ vẫn còn khá yếu khi bất động sản vẫn còn nhiều thách thức. Khoảng 60% sản lượng thép được sử dụng trong ngành xây dựng dân dụng tại Việt Nam.

Cụ thể, Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, tăng 2,25% so với tháng 2/2023 nhưng giảm 27,9% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng thép các loại đạt 2,2 triệu tấn, tăng 6,29% so với tháng trước nhưng giảm 29% so với cùng kỳ. Như vậy, sản xuất thép thành phẩm Quý I năm 2023 đạt tổng cộng gần 6,7 triệu tấn, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 6 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá một số hàng hoá khác

NGUỒN: MXV



 Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, TP. Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)