Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 26/9, hầu hết các mặt hàng nhóm kim loại đều giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều duy trì đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Giá bạch kim giảm mạnh nhất nhóm khi để mất 1,13% xuống mức 907,1 USD/ounce. Giá bạc có mức giảm thấp hơn khi giảm 0,81%, đóng cửa tại 23,19 USD/ounce. Giá vàng chốt phiên tại 1.900,49 USD/ounce sau khi giảm 0,79%.
Đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao, sau hàng loạt phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã khiến giá bạc và bạch kim tiếp tục chịu sức ép trong phiên hôm qua. Chủ tịch Fed bang Minneapolis, Neel Kashkarilo, đồng thời là thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), đã có những phát biểu mang tính 'diều hâu' về kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay.
Trước đó, chủ tịch Fed bang Chicago, Austan Goolsbee cũng đã có các phát biểu tương tự. Ông Kashkarilo cho rằng với khả năng phục hồi tốt của nền kinh tế Mỹ, FED có thể sẽ cần phải tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay và duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian dài để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Các quan chức FED liên tục có những phát biểu “diều hâu” càng làm gia tăng lo ngại FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12. Điều này khiến dư địa tăng của đồng USD vẫn còn nhiều, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng 0,22% lên 106,23 điểm, mức cao nhất trong 10 tháng. Đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên lực mua bạc và bạch kim. Trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục đạt được mức cao mới trong vòng 16 năm, khi tăng lên 4,55%, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.
Hơn nữa, đối với bạch kim, các nhà phân tích của Bernstein viết trong một ghi chú: “Nguồn cung mạnh và nhu cầu công nghiệp yếu đã đẩy giá bạch kim giảm”. Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và quặng sắt đều giảm phiên thứ hai liên tiếp. Giá đồng COMEX chốt phiên tại 3,64 USD/pound sau khi giảm 0,57%, trong khi giá sắt trên Sở Giao dịch Singapore giảm 0,96%, đóng cửa tại 115,01 USD/tấn.
Cả giá đồng và giá quặng sắt phải chịu sức ép kép bởi áp lực vĩ mô và yếu tố cung cầu. Về mặt vĩ mô, việc đồng USD liên tục tăng mạnh khiến cho chi phí đầu tư và mua hàng vật chất trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài. Điều này làm hạn chế lực mua đồng và quặng sắt trong phiên. Về yếu tố cung – cầu, sự trầm lắng của lĩnh vực bất động sản tiếp tục đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng hay sắt thép, bất chấp mùa tiêu thụ cao điểm đang diễn ra.
Một cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Li Daokui, cho biết thị trường bất động sản Trung Quốc có thể mất tới một năm để hồi phục trở lại. Theo ông, doanh số bán hàng ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc có thể tăng trưởng trở lại trong 4 đến 6 tháng tới, nhưng ở các thành phố nhỏ hơn sẽ phải mất từ 6 tháng đến 1 năm để phục hồi tốt. Trong khi đó, doanh số bán nhà là nguồn thu nhập chính của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
NGUỒN: TH