Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên của tháng 03 với sắc xanh hoàn toàn bao phủ trên bảng giá. 30 trên tổng số 31 mặt hàng đồng loạt tăng giá đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index chốt phiên tăng mạnh hơn 1,1% lên 2.362 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng vọt gần 30%, đạt mức gần 4.100 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Giá dầu lên cao nhất trong vòng hai tuần
Sắc xanh tiếp tục được duy trì ở thị trường dầu thô trong bối cảnh bức tranh tiêu thụ trên toàn cầu trở nên tươi sáng hơn. Kết thúc phiên 01/03, giá dầu thô WTI tăng 0,83% lên 77,69 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,02% lên 84,30 USD/thùng. Đáng chú ý, giá của cả hai mặt hàng dầu thô đều đang ở mức cao nhất trong gần hai tuần.
Giá dầu chịu sức ép trong phần lớn thời gian của phiên sau khi báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng mạnh 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/02, cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Những lo ngại về việc dư cung lấn át các số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc. Cụ thể, các chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất của nước này tăng lên lần lượt 52,6 và 56,3 điểm. PMI tăng cao hơn dự báo và đều trên mức 50 điểm cho thấy sự hồi phục rất tích cực của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Theo MXV, thị trường vẫn rất thận trọng với việc gia tăng vị thế mua, nhất là khi số liệu cho thấy nguồn cung dầu từ Nga vẫn ổn định trước các gói trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Hãng tin Reuters cho biết, sản lượng dầu của Nga có thể đã khôi phục lại mức trước khi bị cấm vận vào tháng hai vừa qua. Dữ liệu của công ty Kpler cho thấy Nga đã xuất khẩu 7,32 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm lọc dầu trong mỗi ngày trong tháng 2, cho thấy lệnh cấm vận chuyển dầu thô bằng đường biển không hạn chế quá nhiều nguồn cung của Nga.
Giá dầu chậm rãi hồi phục khi bước vào phiên tối và thực sự tăng mạnh mẽ sau khi báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Năng lượng (EIA) được công bố. EIA cho biết tồn kho dầu thô tăng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 24/02, cao hơn dự báo nhưng đã ít hơn nhiều so với mức tăng 7,6 triệu thùng của tuần kết thúc ngày 17/02. Tồn kho nhiên liệu chưng cất chỉ tăng nhẹ 200.000 thùng, trái lại tồn kho xăng giảm 900.000 thùng.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam: “Việc tồn kho dầu thô và các sản phẩm lọc dầu không tăng mạnh mẽ như các tuần trước cho thấy tiêu thụ ở Mỹ đã được cải thiện.” Bên cạnh đó, tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu cũng tiếp tục tăng lên 20,41 triệu thùng, và vẫn cao hơn so với mức trung bình bốn tuần. Đáng chú ý, khối lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng từ 4,6 triệu thùng lên 5,6 triệu thùng, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với dầu thô của Mỹ.
Ông Phạm Quang Anh đánh giá, trong bối cảnh nguồn cung của châu Âu bị xáo trộn vì các lệnh cấm vận với Nga, và giá dầu thô Brent vẫn cao, đã thúc đẩy nhu cầu đối với dầu thô WTI của Mỹ gia tăng.
Các số liệu tích cực này đã giúp cho lực mua mạnh hơn, nhất là khi đồng USD đã suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm về mức 104,48 điểm. Áp lực dư cung được giải tỏa và thị trường lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ trên toàn cầu đã giúp cho giá dầu đóng cửa với sắc xanh.
Nhóm kim loại nhận hỗ trợ
Thị trường kim loại kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 3 với tất cả các mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh. Nhóm kim loại quý ghi nhận các mức tăng nhẹ, với giá bạc tiếp nối đà phục hồi khi tăng 0,11% lên 21,09 USD/ounce. Bạch kim chốt phiên tại mức giá 961,8 USD/ounce, tăng 0,66%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận phiên tăng mạnh thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,72% lên 4,16 USD/pound trong phiên hôm qua. Nhóm kim loại cơ bản, bao gồm đồng, đã đón nhận lực mua mạnh mẽ chủ yếu do dữ liệu sản xuất khởi sắc của Trung Quốc trong tháng 2. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất đã tăng mạnh từ mức 50.1 trong tháng 1 lên mức 52,6, đánh bại ước tính ở mức 50,6 của các nhà kinh tế và đánh dấu tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 04/2012. Điều này biểu thị cho sự mở rộng mạnh mẽ trong hoạt động tại các nhà máy Trung Quốc giai đoạn hậu mở cửa trở lại. Kỳ vọng nhu cầu nguyên liệu đầu vào, trong đó có đồng sẽ gia tăng lập tức hỗ trợ cho giá ngay sau dữ liệu trong phiên sáng và xuyên suốt toàn phiên giao dịch.
Bên cạnh đó, các dự án mở rộng sản xuất đồng trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng xanh cũng thúc đẩy lực mua. Theo Bloomberg, nhà sản xuất đồng hàng đầu Trung Quốc Hailiang có kế hoạch xây dựng một nhà máy pin lá đồng ở Indonesia với giá 5,9 tỷ nhân dân tệ (850 triệu USD) trong bối cảnh đẩy mạnh vào ngành công nghiệp pin xe điện.
Quặng sắt cũng nhận được mức tăng 2,2% lên 126,09 USD/tấn trước thông tin tích cực trên thị trường Trung Quốc. Theo ông Phạm Quang Anh, nhu cầu thép hạ nguồn đang có sự cải thiện sẽ hỗ trợ giá nguyên liệu thô. Các nhà máy thép dự kiến sẽ bổ sung quặng sắt vào tồn kho nhằm đáp ứng việc sản xuất. Khảo sát cho thấy, sản lượng thép thô hàng ngày của Trung Quốc tiếp tục tăng vào cuối tháng 2, chạm mức cao nhất trong 8 tháng là 2,92 triệu tấn/ngày, cao hơn 72.800 tấn/ngày hay 2,6% so với 10 ngày trước đó.
Giá thép xây dựng nội địa đi ngang
Theo MXV, tại Việt Nam, áp lực từ các nền kinh tế lớn sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép xây dựng. Trong khi đó, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, biến động giá cũng sẽ là yếu tố gây ra nhiều thách thức cho ngành. Trong thời gian tới, giá thép có thể phục hồi, một phần do tính mùa vụ khi nhu cầu đầu tư và xây dựng gia tăng có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất. Sang quý II và III, diễn biến giá thép sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thép. Thách thức vẫn còn tồn tại khi ngành bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn cung cấp cạnh tranh hơn khi các nước sản xuất lớn như Trung Quốc gia tăng sản lượng. Song đây cũng chính là động lực cải thiện chất lượng và gia tăng năng lực cạnh tranh cho ngành thép trong nước.
Trên thị trường nội địa, sau 5 lần tăng giá kể từ đầu năm nay, giá thép xây dựng trong nước hiện đang đi ngang, dao động trong khoảng 15.960 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 15.840 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)