Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 11/12, sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, nối tiếp đà giảm của phiên cuối tuần trước, giá bạc tiếp tục giảm 0,94% xuống 23,05 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm giá thứ sáu liên tiếp. Giá bạch kim cũng quay đầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp, đóng cửa tại 915,7 USD/ounce sau khi giảm 0,45%. Đồng bạc xanh mạnh lên đã gây sức ép lên giá bạc và giá bạch kim trong phiên hôm qua.
Đồng USD đang dần lấy lại được đà tăng sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm tích cực trong tuần trước. Dữ liệu này làm dấy lên hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ chưa thể rơi vào suy thoái trong ngắn hạn, đồng thời, kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 3 đã giảm bớt. Hơn nữa, đồng yên Nhật suy yếu cũng là yếu tố củng cố cho sức mạnh của đồng USD. Các quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết không cần thiết phải loại bỏ chính sách lãi suất âm trong cuộc họp tới.
Ngoài ra, giá bạch kim còn gặp sức ép bởi tín hiệu nguồn cung tích cực. Vào hôm qua, cơ quan năng lượng quốc gia Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã cấp giấy phép phân phối điện cho 3 cơ sở năng lượng mặt trời khiến cho tình trạng mất điện có thể được cải thiện. Ngoài ra, các nhân viên biểu tình tại mỏ Bakubung của Wesizwe Platinum đã quay trở lại làm việc.
Đối với kim loại cơ bản, cả giá đồng và giá quặng sắt đều gặp áp lực ngay từ phiên sáng, do nhà đầu tư “tiêu hóa” số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc được công bố vào cuối tuần trước. Chốt phiên, giá đồng COMEX giảm 1,31% xuống 3,78 USD/pound. Giá quặng sắt cũng giảm 0,38%, đóng cửa tại mức 135 USD/tấn, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp.
Cụ thể, theo dữ liệu Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố vào thứ Bảy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Trung Quốc giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh hơn dự đoán của thị trường và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) nối dài đà giảm sang tháng thứ 14 liên tiếp khi giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, giảm mạnh hơn dự báo và mức giảm 2,6% của tháng 10. Điều này cho thấy áp lực giảm phát đang gia tăng tại Trung Quốc và sức cầu trong nền kinh tế vẫn còn yếu kém. Triển vọng tiêu thụ nhóm kim loại cơ bản vì thế cũng trở nên tiêu cực, gây áp lực lên giá đồng và quặng sắt.