Giá nông sản thế giới nối dài đà giảm
Tác giảAdministrator

 

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hoá diễn biến phân hoá và tương đối giằng co trong ngày hôm qua. Lực bán có phần chiếm ưu thế hỗ trợ chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng 0,36% lên 2.333 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.

Giá trị giao dịch toàn ở đạt mức 3.000 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung ở nhóm năng lượng, chiếm hơn 30% tổng giá trị kể trên.

Giá dầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp

Kết thúc phiên 27/02, giá dầu thô WTI giảm 0,84% về 75,68 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,92% về 82,06 USD/thùng.  

Sức ép bán xuất hiện trên thị trường từ đầu phiên, và áp đảo ngay cả khi đồng USD đã suy yếu. Chỉ số Dollar Index hạ nhiệt. Động lực tăng của thị trường dầu không còn đủ mạnh mẽ để hỗ trợ cho giá, vì thế trong giai đoạn này, thị trường dầu phản ứng mạnh hơn với những tin tức tiêu cực.  

Các số liệu kinh tế được công bố của Mỹ trong hôm qua đều tích cực, với doanh số nhà chờ bán tăng mạnh 8,1%, và số đơn đặt hàng hóa lâu bền lõi (trừ lĩnh vực vận tải) đã tăng trở lại. Điều này khiến các nhà đầu tư sẽ lo ngại một đợt tăng lãi suất mạnh tay khác tới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Công cụ theo dõi lãi suất của CME cho thấy hiện có 23,8% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp vào tháng 3. Dù khả năng xảy ra kịch bản này thấp hơn rất nhiều so với xác suất 76,7% của kịch bản tăng 25 điểm cơ bản, nhưng vẫn đủ khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về việc lãi suất cao sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, kéo theo sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu.  

Đây cũng là yếu tố chính khiến giá dầu giảm trong phiên hôm qua, bất chấp những lo ngại về nguồn cung sau khi Nga ngừng vận chuyển dầu đến Ba Lan thông qua đường ống Druzhba. Công ty độc quyền đường ống dẫn dầu của Nga Transneft, dầu chảy qua hệ thống dẫn Druzhba sẽ được bơm từ Kazakhstan đến Đức qua Ba Lan, bởi Đức vẫn nhận khối lượng dầu lớn để đảm bảo nguồn cung cho các quốc gia không giáp biển của Liên minh châu Âu (EU).  

Theo Bloomberg, sức ép từ lệnh cấm vận của EU đối với Nga ngày càng lớn. Vì vậy, để duy trì doanh thu dầu mỏ, nước này phải liên tục tìm kiếm người mua mới, và tìm cách mở rộng thị trường sang châu Phi. Hiện Nga đang phải phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ để bán được hàng.  

Khối lượng dầu thô trên các tàu hướng đến Trung Quốc và Ấn Độ - cộng với dòng chảy nhỏ hơn đến Thổ Nhĩ Kỳ và số lượng trên các tàu chưa cho thấy điểm đến cuối cùng - đã tăng trong khoảng thời gian bốn tuần, lên mức trung bình 3,27 triệu thùng/ngày. Tổng khối lượng dầu xuất khẩu trên đường biển của Nga duy trì ổn định quanh mức 3,6 triệu thùng/ngày.  

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam đánh giá: “Thị trường hiện không quá bi quan về nguồn cung của Nga, ngay cả khi nước này sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng kể từ đầu tháng ba, bởi các số liệu về tồn kho dầu cùng các sản phẩm lọc dầu của Mỹ đã tăng rất mạnh trong các tuần gần đây. Các nhà phân tích cũng tin rằng Mỹ có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại cho các nước châu Âu.”

Ông Phạm Quang Anh cho biết thêm, trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ cần theo dõi tin tức từ “Tuần lễ Năng lượng” được tổ chức tại London, Anh. Đây là sự kiện tập hợp quan chức Chính phủ các nước, nhà lãnh đạo cao cấp trong ngành dầu mỏ cung với những nhà đầu tư để thảo luận về các chủ đề như an ninh năng lượng và tài chính, biến đổi khí hậu, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, xung đột giữa Nga – Ukraine. Những thông tin từ cuộc họp có thể sẽ là chất xúc tác cho thị trường dầu.

Lúa mì xuống mức thấp nhất 1 năm

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đã tiếp tục đà lao dốc và giảm về mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua. Đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp mặt hàng này đóng cửa trong sắc đỏ. Lực bán được lý giải bởi ảnh hưởng từ diễn biến của giá lúa mì và triển vọng nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ suy yếu.

Theo báo cáo mới nhất được Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA phát hành vào tối qua, trong tuần kết thúc vào ngày 16/02, giao hàng ngô niên vụ 2022/23 của Mỹ chỉ đạt 572.622 tấn, thấp hơn mức 623.795 tấn trong tuần trước và chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Không những thế, tổng luỹ kế xuất khẩu từ đầu niên vụ cho tới nay cũng chưa tới 30% dự báo, chậm hơn nhiều so với mức 36% mức cùng kỳ trong niên vụ 21/22. Những số liệu trên cho thấy triển vọng nhu cầu nhập khẩu ngô Mỹ đang sụt giảm và tạo áp lực lên giá ngô.

Bên cạnh đó, theo AgRural, hoạt động sản xuất diễn ra thuận lợi ở bang Mato Grosso, bang sản xuất ngô vụ 2 lớn nhất của Brazil. Mặc dù tiến độ đang chậm lại ở một số khu vực sản xuất phía nam nhưng lượng mưa tích cực tại bang này đang hỗ trợ cho cây trồng. Chính vì thế nên tình hình mùa vụ ở Brazil cũng là thông tin tạo sức ép tới giá. 

Trong khi đó, lúa mì là mặt hàng nông sản ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua. Tính trong 9 phiên gần đây, chỉ có 1 phiên giá đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng chưa tới 1 cent. Lực bán ồ ạt đã đẩy giá lúa mì quay trở lại mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Thông thường, khí hậu ở Ukraine khá rủi ro cho hoạt động canh tác nông nghiệp, khi mà cây trồng có thể trải qua sương giá mạnh vào mùa đông, hạn hán vào mùa xuân và nắng nóng gay gắt vào mùa hè. Tuy nhiên, Công ty tư vấn APK-Inform cho biết, ngũ cốc vụ đông năm nay của nước này đã vượt qua mùa đông một cách an toàn. Bên cạnh đó, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR cho biết, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein từ Biển Đen của Nga đã giảm 3 USD/tấn trong tuần vừa rồi, xuống còn 299 USD/tấn. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì trên thế giới có sự suy yếu, cùng với sự cạnh tranh của lúa mì từ châu Âu và Australia, đã khiến giá lúa mì xuất khẩu của Nga sụt giảm trong tuần trước. Những thông tin trên cho thấy triển vọng tích cực về nguồn cung và tạo áp lực mạnh lên giá lúa mì.

Giá nông sản thế giới giảm giúp giải tỏa sức ép ngành chăn nuôi

Theo MXV, kể từ sau khi dịch Covid-19 diễn ra cho tới nay, giá nông sản thế giới vẫn đang ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và gây ra không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi. Diễn biến giảm mạnh gần đây phản ánh kỳ vọng về nguồn cung nới lỏng hơn và cũng là dấu hiệu cho thấy triển vọng mới cho các doanh nghiệp sản xuất và chăn nuôi khi mà áp lực về chi phí giảm bớt.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá heo hơi điều chỉnh 1.000 – 2.000 đồng/kg. Theo đó, giá heo hơi thành phẩm trên toàn quốc dao động trong khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?