Bản tin MXV ngày 15/01/2024: Giá quặng sắt lao dốc hơn 4% do tiêu thụ kém tại Trung Quốc
Tác giảNHẬT LINH

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 8 - 14/1, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa.

Giá quặng sắt lao dốc hơn 4% do tiêu thụ kém tại Trung Quốc

Đối với kim loại quý, cả giá bạc và giá bạch kim đều biến động khá mạnh khi thị trường đón nhận loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng. Cụ thể, giá bạch kim giảm 5,22% về 921,1 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Trái lại, giá bạc phục hồi 0,06%, đóng cửa tuần tại mức 23,32 USD/ounce, chấm dứt chuỗi giảm hai tuần liên tiếp.

Trong các phiên đầu tuần, giá kim loại quý liên tục gặp sức ép khi giới đầu tư giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm nới lỏng chính sách.

Đáng chú ý, giá bạc và giá bạch kim đã lao dốc mạnh sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát. Cụ thể, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo và tăng tốc từ mức 3,1% của tháng 11. Chỉ số CPI lõi tăng 3,9% trong tháng 12/2023, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. Điều này cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn còn dai dẳng và khiến kỳ vọng FED sớm nới lỏng ngày càng bị đẩy lùi. Đồng USD đã bật tăng ngay sau khi dữ liệu được công bố và gây áp lực bán mạnh lên thị trường kim loại quý.

Tuy vậy, tới phiên cuối tuần, căng thẳng tại Trung Đông leo thang và đồng USD suy yếu sau khi Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giúp giá bạc và giá bạch kim phục hồi trong sắc xanh. Trong đó, giá bạc bật tăng gần 3%, mức tăng này đã xóa bỏ hoàn toàn mức giảm của các phiên trước và giúp giá bạc đóng cửa tuần trong sắc xanh.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,72% xuống 3,74 USD/pound, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Sức ép vĩ mô và triển vọng tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép lên giá đồng. Dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 459.300 tấn đồng trong tháng 12/2023, giảm 16,6% so với tháng 11 và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022

Trái lại, giá quặng sắt ‘bốc hơi” 4,37% về 134,18 USD/tấn, chấm dứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Bất chấp việc Trung Quốc phát đi tín hiệu tiếp tục nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, giá quặng sắt vẫn giảm do triển vọng tiêu thụ kém. Trung Quốc đã nhập khẩu 100,86 triệu tấn quặng sắt trong tháng 12/2023, giảm 1,83% so với tháng 11, do nhiều nhà máy tiến hành bảo trì khi biên lợi nhuận thép giảm.

Giá đậu tương đã có 4 tuần liên tiếp suy yếu

Với 3/5 phiên suy yếu, giá đậu tương hợp đồng tháng 3 khép lại tuần giao dịch qua với mức giảm hơn 2%, qua đó ghi nhận tuần thứ 4 liên tục suy yếu. Triển vọng nguồn cung ở các quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới đã tạo sức ép lên giá mặt hàng này.

Đáng chú ý, báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới (WASDE) do Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào cuối tuần trước cũng xác nhận tình hình nguồn cung gia tăng của Mỹ và củng cố lực bán.

Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) tuần trước đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina lên 52 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với ước tính trước đó. Thời tiết diễn biến thuận lợi kể từ tháng 11 năm ngoái là cơ sở khiến các tổ chức có kỳ vọng lạc quan hơn về mùa vụ năm nay. Hơn nữa, dự báo thời tiết cũng chỉ ra rằng các khu vực nông nghiệp trọng điểm của Argentina sẽ nhận được lượng mưa vừa phải và nhiệt độ ôn hòa trong tháng 1 sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của cây trồng.

Đối với báo cáo WASDE, sự thay đổi đáng chú ý nhất là tồn kho cuối niên vụ 23/24 của Mỹ. Con số này USDA dự báo ở mức 280 triệu giạ, cao hơn mức 245 triệu giạ trong báo cáo tháng 12 và cũng vượt qua dự đoán trung bình. Đây là kết quả của việc năng suất đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 được nâng lên mức 50,6 giạ/mẫu, vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường và kéo theo sản lượng cũng tăng lên.

Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến khá trái chiều trong tuần vừa rồi. Trước áp lực suy yếu của giá đậu tương cùng triển vọng mùa vụ khả quan ở Argentina, giá khô đậu tương hợp đồng tháng 3 giảm gần 2%, đánh dấu tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Đà lao dốc của giá chỉ được thu hẹp phần nào trong phiên cuối tuần nhờ lực mua kỹ thuật. Trong khi đó, dầu đậu tương hợp đồng tháng 3 tăng gần 2% và kết thúc chuỗi ba tuần suy yếu liên tiếp. Sự khởi sắc của giá dầu cọ và giá dầu thô đã thúc đẩy lực mua dầu đậu.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng ngày 12/1 giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta điều chỉnh tăng nhẹ. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao trong khoảng 6.550 - 6700 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá chào bán dao động ở mức 6.650 - 6.700 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

Giá một số hàng hóa khác

NGUỒN: MXV


 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?