Kim loại quý phát huy vai trò kênh đầu tư trú ẩn an toàn
Tác giảAdministrator

Khép lại tuần giao dịch 18/9 – 24/9, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều tăng giá tuần thứ hai liên tiếp. Giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm với mức tăng 1,96%, đóng cửa tuần tại mức 23,84 USD/ounce.

Đây cũng là tuần ghi nhận mức tăng lớn nhất của giá bạc trong vòng 4 tuần trở lại đây. Theo sau là giá bạch kim tăng 0,49% lên 934,1 USD/ounce. Giá vàng nhích nhẹ 0,07% lên mức 1.924,99 USD/ounce.

Trong tuần trước, tâm điểm chính của thị trường hướng về cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25 – 5,5% phù hợp với dự báo của thị trường, tuy vậy, FED đã phát đi tín hiệu vẫn còn một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối năm nay, đưa mức đỉnh lãi suất lên 5,5 – 5,75%.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết FED sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024, do “lạm phát vẫn tăng cao”. Lo ngại về đỉnh lãi suất tăng cao vào cuối năm đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng vọt lên mức cao nhất trong 16 năm, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.

Trong khi đó, đồng USD tiếp tục mạnh lên với chỉ số Dollar Index tăng 0,25% lên 105,58 điểm, đánh dấu tuần tăng thứ 10 liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2014. Đồng USD mạnh lên khiến chi phí đầu tư bạc và bạch kim trở nên đắt đỏ hơn. Tuy vậy, bạc và bạch kim đã phát huy tốt vai trò trú ẩn trước tình hình biến động tại Mỹ.

Chính phủ Liên bang Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa, nếu như Quốc hội không thông qua nghị quyết gia hạn ngân sách trước hạn chót. Bên cạnh đó, cuộc đình công của United Auto Workers với quy mô gần 30.000 công nhân vẫn đang diễn ra căng thẳng và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,76% xuống 3,69 USD/pound, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của giá đồng kể từ giữa tháng 7. Trong khi giá quặng sắt giảm 1,44% xuống 121,18 USD/tấn.

Dưới áp lực vĩ mô, giá các mặt hàng kim loại cũng phải chịu sức ép khi mà giới đầu tư lo ngại FED duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ hạn chế đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời, gián tiếp gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ nhóm kim loại công nghiệp, đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất.

Hơn nữa, mặc dù nhu cầu đồng hay quặng sắt được kỳ vọng sẽ tăng nhanh trong mùa xây dựng cao điểm cuối năm của Trung Quốc, tuy nhiên nhu cầu không có cải thiện đáng kể khi mà lĩnh vực bất động sản của nước này vẫn còn trầm lắng.

Vào tuần trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thông báo họ đang xem xét hạ cấp đối với hai tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc, là China Jinmao Holdings Group và China Vanke. Ngoài các đánh giá hạ cấp Vanke và Jinmao, Moody’s đã hạ triển vọng xuống “tiêu cực” đối với 7 tập đoàn bất động sản khác, dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc ngày càng tồi tệ. 

 

NGUỒN: TH



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)