Trả lời các nhà lập pháp trong tuần này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vạch rõ con đường không mấy dễ dàng cho chính sách tiền tệ Mỹ, khi nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang quay cuồng trong cuộc chiến chống lạm phát và nguy cơ suy thoái.
Lãi suất có thể tăng nhanh và cao hơn
Phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ trong 2 ngày 7 - 8/3 vừa qua, ông Powell giải thích rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi tốt hơn, nhưng lạm phát cũng tỏ ra dai dẳng hơn so với dự kiến. Ông đã khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi nói rằng việc tăng lãi suất có thể tăng tốc trở lại.
Chủ tịch Fed báo hiệu rằng, ông và các đồng nghiệp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng để tăng lãi suất và sẽ làm như vậy nhanh hơn nếu cần, mặc dù ông nhấn mạnh vào hôm 8/3 rằng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra trước cuộc họp của ngân hàng trung ương vào ngày 21 - 22/3 tới.
Theo ông Powell, động thái tiếp theo của Fed sẽ phụ thuộc vào một loạt các dữ liệu về thị trường việc làm và lạm phát sẽ được công bố trong tuần tới.
“Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần phải thắt chặt nhanh hơn, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất” - Chủ tịch Fed tuyên bố hôm 7/3.
Chứng khoán Mỹ đã có những phản ứng chao đảo ban đầu, khi các nhà đầu tư vốn đã bất an về việc lãi suất liệu có thể tăng cao như thế nào vào năm 2023, nay lại đối mặt với cảnh báo về một động thái mạnh tay hơn của Fed trong tháng 3 này. Nhưng thị trường sau đó đã phục hồi, với S&P 500 đã tăng nhẹ trong phiên kết thúc ngày thứ Tư.
Mặc dù ông Powell tránh hứa hẹn bất cứ điều gì, nhưng các bình luận của ông cho thấy Fed có thể tăng lãi suất thêm nửa điểm trong tháng 3 nếu các báo cáo dữ liệu trong những ngày tới vẫn nóng. Năm ngoái, Fed đã thực hiện 4 động thái tăng lãi suất 3/4 điểm.
Sau đó, nó chậm lại còn nửa điểm vào tháng 12/2022 và tăng lên 1/4 điểm vào tháng 2 vừa qua. Một số quan chức Fed cho biết trong những tuần gần đây rằng, họ hiện tập trung hơn vào việc lãi suất chính sách sẽ đạt đỉnh ở đâu, hơn là tốc độ đạt đến đó nhanh như thế nào.
Đáng chú ý, ông Powell nói với các nhà lập pháp trong cả hai ngày điều trần vừa qua: “Dữ liệu kinh tế mới nhất mạnh hơn dự kiến, điều này cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự đoán trước đó”.
Một cảnh báo như vậy có nghĩa là lãi suất sẽ tăng cao hơn mức dự kiến từ 5 - 5,25% khi Fed đưa ra các dự báo gần đây nhất vào tháng 12.
Cơ sở cho phản ứng tích cực của Fed là một công thức chung, khi các ngân hàng trung ương tin rằng họ cần phải làm chậm nền kinh tế để chống lại lạm phát.
Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng lãi suất của Fed sẽ đạt mức cao nhất trên 5,5% trong năm nay, và thậm chí có một khả năng nhỏ là nó có thể vượt lên trên 6,25%.
Thị trường lao động Mỹ sẽ chậm lại
Một số nhà lập pháp đã thúc ép ông Powell trong tuần này nói ra “phần mờ” khi đề cập đến chính sách chống lạm phát của Fed. Lãi suất hoạt động bằng cách làm chậm nền kinh tế, bao gồm cả thị trường việc làm.
Điều đó làm chậm tăng trưởng tiền lương và Fed dự báo rằng các hành động này sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao - tăng 1,2 điểm phần trăm trong năm nay, tương đương khoảng 2 triệu người mất việc làm ở Mỹ.
Nhưng ông Powell từ chối nói rằng Fed muốn tạo ra tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Ông nhấn mạnh rằng chu kỳ kinh doanh này rất khác so với những chu kỳ trước, do đại dịch đã làm xáo trộn mọi thứ và thị trường việc làm có thể chậm lại đáng kể mà không dẫn đến tình trạng sa thải nhân công trên diện rộng.
“Một phần của lạm phát cao mà chúng ta đã trải qua rất có thể liên quan chặt chẽ đến thị trường lao động” - ông Powell cho biết.
Trong một cuộc tranh luận gay gắt hôm 7/3 với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, ông Powell cũng lập luận rằng sẽ là một viễn cảnh tồi tệ hơn cho người dân lao động nếu Fed không kiểm soát được lạm phát.
Ông nói: “Lạm phát đang ở mức cực kỳ cao và nó đang gây tổn hại nặng nề cho người dân lao động của quốc gia. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp duy nhất mà chúng tôi phải làm để giảm lạm phát”.
Theo báo cáo tháng Giêng của Chương trình Khảo sát Cơ hội Việc làm và Doanh thu Lao động (JOLTS), do Cục Thống kê Lao động, Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 8/3, có khoảng hai công việc được mở cho mỗi người Mỹ thất nghiệp đang tìm kiếm việc làm trong tháng 1/2023.
Các quan chức Fed tin rằng khoảng cách lớn giữa cơ hội việc làm và lượng người lao động đang trao cho những người xin việc quá nhiều cơ hội để được trả lương cao hơn.
Nhưng một số nhà kinh tế tin rằng, Fed đang đánh giá quá cao số lượng người Mỹ đang thực sự cần và tìm kiếm việc làm. Trong khi thước đo tỷ lệ thất nghiệp tiêu chuẩn đưa ra số người hiện đang tìm việc vào khoảng 5,6 triệu vào tháng 1, con số đó tăng lên 10,9 triệu khi bao gồm cả những người đang làm công việc dưới trình độ kỹ năng của họ hoặc không tìm việc mặc dù họ muốn có việc.
Fed “bó tay” trước khả năng Mỹ vỡ nợ
Chủ tịch Powell cũng được yêu cầu bình luận về một cuộc tranh luận sắp tới đối với việc nâng giới hạn nợ của quốc gia - hứa hẹn sẽ là một cuộc tranh luận đang bao trùm cả chính sách của Fed và nền kinh tế Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ kỹ thuật vào ngày 19/1 vừa qua, và đã sử dụng các biện pháp kế toán để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của mình, nhưng dự kiến sẽ sử dụng hết các biện pháp đó vào mùa Hè này.
Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ sẽ cần đình chỉ hoặc tăng giới hạn nợ để tránh vỡ nợ. Cho đến nay, các đảng viên Cộng hòa khẳng định họ sẽ không tăng hạn mức nợ trừ khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cắt giảm chi tiêu sâu - điều mà Tổng thống từ đảng Dân chủ đã nói rằng ông sẽ không làm.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng, khả năng Mỹ có thể không đạt được một thỏa thuận cho phép nước này tiếp tục trả các khoản nợ của mình sẽ làm chao đảo thị trường.
Trong khi đó, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất có thể gây khó khăn cho một thảm họa tài chính đang rình rập, vì vậy nó cũng có thể tạm thời làm hỏng các nỗ lực chống lạm phát của quốc gia.
Nguy cơ vỡ nợ có thể mang lại những hậu quả lâu dài nghiêm trọng hơn, có khả năng làm tổn hại đến danh tiếng của nước Mỹ về sự an toàn và lành mạnh.
Cảnh báo đã được đưa ra sau khi Fitch Ratings nói với CNN hôm thứ Hai rằng xếp hạng tín dụng của Mỹ có thể bị hạ cấp ngay cả khi tránh được tình trạng vỡ nợ, vì việc lặp đi lặp lại mức trần nợ sẽ làm tăng nợ về đồng USD và trái phiếu kho bạc.
“Quốc hội phải tăng trần nợ thực sự là giải pháp duy nhất” - ông Powell nói hôm 8/3, đồng thời nhấn mạnh - “Đừng ai cho rằng Fed có thể bảo vệ nền kinh tế trước việc không thanh toán các hóa đơn của Chính phủ, chứ đừng nói đến việc vỡ nợ hay điều gì đó tương tự thế”.
Nguồn: kinhtedothi.vn