Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong quý II, bất chấp thương chiến với Mỹ
Tác giảHải Bùi

Số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong quý II năm nay, bất chấp tác động từ cuộc thương chiến với Mỹ.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong quý II nhưng vẫn vượt dự báo một chút, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ làm rung chuyển nền kinh tế vốn đã chìm trong giảm phát và khủng hoảng nhà đất kéo dài.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP quý II tăng trưởng 5,2%, cao hơn một chút so với ước tính 5,1% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters nhưng thấp hơn mức 5,4% vào quý I.

Trong tháng 6, tăng trưởng doanh số bán lẻ chững lại còn 4,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo 5,4% của các nhà kinh tế và giảm so với mức 6,4% vào tháng 5.

Trong thước đo tiêu dùng quan trọng này, doanh số dịch vụ ăn uống chỉ nhích nhẹ 0,9%, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022 - thời điểm Trung Quốc đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19.

Sản lượng công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính 5,7% của các chuyên gia kinh tế.

Đầu tư tài sản cố định tăng 2,8% trong nửa đầu năm, trái ngược với ước tính tăng 3,6% của các nhà kinh tế. Đầu tư bất động sản tiếp tục giảm sâu, tụt 11,2% trong nửa đầu năm. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất cũng chậm lại.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị duy trì ở mức 5% vào tháng 6. Trước đó, vào tháng 2, thước đo này từng chạm mức cao nhất trong hai năm là 5,4%.

Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức cao chưa từng có là 145%.

Động thái của ông Trump đã thúc đẩy Bắc Kinh ban hành một loạt biện pháp kích thích, bao gồm hỗ trợ tài chính cho các nhà xuất khẩu gặp khó khăn, trợ cấp cho các công ty tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và mở rộng chương trình thu cũ đổi mới để củng cố tiêu dùng.

Hai bên đồng ý đình chiến thương mại vào tháng 5, qua đó giảm mạnh thuế quan lên hàng hoá của nhau. Các nhà đàm phán Mỹ - Trung sau đó đã phác thảo một khung thoả thuận sau cuộc họp tại London (Anh) vào tháng 6.

Theo khuôn khổ nêu trên, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phê duyệt xuất khẩu đất hiếm và Mỹ sẽ rút lại các hạn chế công nghệ cũng như thị thực du học của sinh viên Trung Quốc.

Hiện tại, hai nước sẽ có hạn chót đến ngày 12/8 để đạt một thoả thuận thương mại lâu dài hơn, CNBC lưu ý.

“Chúng ta nên nhận thức về nhiều yếu tố bất ổn và không chắc chắn trong môi trường bên ngoài”, NBS nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí mới bằng tiếng Anh, đồng thời lưu ý rằng nhu cầu trong nước “chưa đủ”.

NGUỒN: VIETNAMBIZ



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà Thái Lâm Plaza, số 52 đường Thanh Liệt, Phường Thanh Liệt, TP. Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)