Bản tin MXV ngày 28/12/2023: Nhóm kim loại dẫn dắt xu hướng tăng giá của thị trường hàng hóa
Tác giảNHẬT LINH

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy thị trường hàng hoá diễn biến tương đối trái chiều trong ngày giao dịch 27/12.

Tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã kéo chỉ số MXV-Index nhích nhẹ lên 2.163 điểm. Giá trị giao dịch duy trì ổn định trên mức 5.300 tỷ đồng.

Giá bạch kim lần đầu vượt mốc 1.000 USD/ounce sau 6 tháng

Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 27/12, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạch kim vượt mốc 1.000 USD/ounce lần đầu tiên sau 6 tháng. Chốt phiên, giá bạch kim bật tăng 1,91% lên 1.014,6 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 6/2023. Giá bạc cũng phục hồi 1%, đóng cửa tại mức 24,64 USD/ounce.

Thị trường kim loại quý đón nhận lực mua tích cực trong phiên hôm qua nhờ sự suy yếu mạnh của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,47% về mốc 100,99 điểm, thấp nhất kể từ tháng 7/2023. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 10 điểm cơ bản về 3,79%, tiếp tục neo ở mức thấp nhất trong 5 tháng.

Hiệu suất của đồng USD và lợi suất trái phiếu liên tục chịu sức ép trong thời gian gần đây nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) xoay trục chính sách vào năm tới. Theo công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch, thị trường đã dự đoán 72,7% khả năng FED sẽ giảm 25 điểm cơ bản ngay sau tháng 3.

Kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD, do vậy, kỳ vọng lãi suất giảm và tỷ giá USD yếu đi đều là những nhân tố có lợi cho giá bạc và bạch kim.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, lực mua cũng được củng cố bởi đà suy yếu của đồng USD. Giá đồng COMEX tăng 1,47%, hiện đang đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua. Các kim loại giao dịch liên thông với Sở LME cũng đồng loạt tăng giá.

Bên cạnh sự hỗ trợ của đồng bạc xanh, các tín hiệu có phần tích cực hơn của nền kinh tế Trung Quốc cũng thúc đẩy tâm lý thị trường. Cụ thể, theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 27/12, lợi nhuận công nghiệp tháng 11 của Trung Quốc tăng 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,7% trong tháng 10. Trong số 41 ngành công nghiệp chính được khảo sát, 33 ngành có sự cải thiện trong giai đoạn tháng 1 - 11. Điều này là kết quả của những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chính sách kinh tế tại Trung Quốc trong thời gian qua.

Đáng chú ý, giá nhôm LME tăng 2,63% nhờ hoạt động mua mạnh của các quỹ đầu tư Commodity Trade Advisor (CTA). Ngoài ra, nguồn cung từ Guinea, quốc gia sản xuất bauxit lớn thứ ba thế giới bị ảnh hưởng do vụ nổ ngày 18/12 làm hư hỏng các thùng nhiên liệu tại các kho cảng.

Giá ngô đứt chuỗi tăng 3 ngày, lúa mì sụt giảm 2%

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 27/12, giá ngô ghi nhận mức giảm nhẹ gần 1%, chấm dứt chuỗi ba phiên liên tiếp tăng giá. Sau giai đoạn diễn biến giằng co, lực bán ngô được đẩy mạnh. Tình hình thời tiết tại Brazil đã có cải thiện kết hợp với lo ngại nhu cầu sụt giảm tại Trung Quốc là yếu tố đã tạo sức ép lên giá mặt hàng này.

Theo các chuyên gia, những cơn mưa rào dự báo sẽ quay trở lại Brazil trong 5 ngày tới, mang theo độ ẩm có lợi cho các khu vực chịu khô hạn. Refinitiv cho biết triển vọng thời tiết tại Brazil từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau tương đối khả quan ở hầu hết các khu vực. Điều này sẽ giúp nông dân đẩy nhanh việc gieo trồng ngô và đậu tương trong niên vụ hiện tại, giảm bớt thiệt hại về năng suất.

Bên cạnh triển vọng nguồn cung tốt hơn từ Brazil, kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu của Trung Quốc cũng tạo áp lực lên thị trường. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã cấp giấy phép cho 26 công ty hạt giống nội địa để sản xuất, phân phối và bán hạt giống ngô biến đổi gen (GMO) ở một số tỉnh, mở đường cho việc trồng thương mại các loại ngũ cốc GMO. Mặc dù vẫn còn thận trọng với công nghệ GMO nhưng Trung Quốc vẫn đang dần dần mở cửa thị trường. Kể từ năm 2019, Bắc Kinh đã phê duyệt nhiều đề án về công nghệ sinh học nông nghiệp. Việc trồng thương mại các giống GMO sẽ làm tăng năng suất cây trồng và giảm đáng kể lượng nhập khẩu ngô và đậu tương từ Mỹ và Brazil của Trung Quốc trong tương lai.

Giá lúa mì đã giảm hơn 2% vào hôm qua, xóa đi hoàn toàn mức tăng đạt được trong phiên trước đó. Mặc dù tình hình chiến sự tại khu vực biển Đen một lần nữa nóng trở lại sau khi Ukraine tiến hành tấn công tàu quân sự Nga ở bán đảo Crimea, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu từ khu vực biển Đen vẫn đang diễn ra bình thường. Điều này cùng áp lực chốt lời là nguyên nhân chính khiến lúa mì suy yếu.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết, nước này dự kiến sản xuất 2 triệu tấn lúa mì durum trong năm 2024, so với mức 1,6 triệu tấn của năm nay. Ông cho biết Nga đặt mục tiêu mở rộng diện tích canh tác và sản lượng lúa mì durum trong năm tới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (27/12) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao quý I trong khoảng 6.600 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao quý II, giá chào bán dao động ở mức 6.550 - 6.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

Giá một số hàng hóa khác

NGUỒN: MXV



 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?