Không phải Nga hay Mỹ, đây mới là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu dầu thô về Việt Nam trong tháng 8 đạt hơn 1,08 triệu tấn, tương đương hơn 684 triệu USD, giảm 23,7% về lượng và giảm 18,3% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế 8 tháng đầu năm lượng nhập khẩu dầu thô của nước ta đạt hơn 9,1 triệu tấn, trị giá hơn 5,7 tỷ USD, tăng 23,3% về lượng và tăng 26,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường, một nhà cung cấp giữ vị trí đứng đầu về lượng dầu thô bơm đến Việt Nam trong nhiều năm qua là thị trường Kuwait. Trong 8 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu dầu từ quốc gia này đạt hơn 7,9 triệu tấn, tương đương 494 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhập khẩu tăng 5% so với 8T/2023, đạt 624 USD/tấn.
Nếu như trong 8 tháng/2023, chỉ có 2 nhà cung cấp dầu thô duy nhất cho Việt Nam là Kuwait và Malaysia thì bước sang năm nay, nước ta có 3 nhà cung cấp là Kuwait, Nigeria và Brunei. Nigeria đứng thứ 2 với hơn 525 nghìn tấn, trị giá hơn 352 triệu USD và Brunei với hơn 82 nghìn tấn, đạt hơn 55 triệu USD.
Về nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Kuwait có trữ lượng dầu mỏ ước tính khoảng 101 tỷ thùng, theo các số liệu của OPEC và các tổ chức năng lượng quốc tế khác. Kuwait là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ và đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu.
Quốc gia này chủ yếu khai thác dầu từ mỏ Burgan, một trong những mỏ dầu lớn nhất thế giới. Doanh thu từ dầu mỏ của Kuwait đạt gần 82 tỷ USD theo số liệu trong ngân sách năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2023 do giá dầu tăng mạnh trong năm 2022. Dầu mỏ đã tạo ra hơn 90% GDP của quốc gia này.
Trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 10 triệu m3 xăng dầu, tương đương 8,4 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 1,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Lý giải về nguyên nhân nước ta nhập khẩu dầu thô dù có thể tự khai thác, các chuyên gia cho biết mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế để lọc một loại dầu nhất định, hoặc một hỗn hợp dầu có tính chất nhất định.
Hiện nay, Việt Nam có 2 nhà máy lọc dầu với khả năng lọc các loại dầu thô khác nhau. nhà máy lọc dầu Dung Quất (Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn) được thiết kế để lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ. Dầu Bạch Hổ của Liên doanh Vietsovpetro là loại dầu ngọt nhẹ, hàm lượng lưu huỳnh chiếm 0,03% trọng lượng.
Còn nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được thiết kế cho hỗn hợp dầu Kuwait hàm lượng lưu huỳnh 2,52. Do đó dù có khai thác được dầu trong nước nhưng không phải dầu thô nào cũng phù hợp với công nghệ lọc của hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải xuất dầu thô không phù hợp công nghệ lọc trong nước và nhập khẩu loại dầu thô thích hợp để về lọc.
Nguồn: CAFEF