Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (15/12), lực bán áp đảo trên thị trường hàng hoá. Chỉ số MXV- Index quay đầu suy yếu 0,59% xuống mức 2.440 điểm, kết thúc chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp.
Lực bán chủ yếu đến từ thị trường kim loại khi có đến 9 trên tổng số 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa giảm giá. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư đến thị trường lại cho thấy sự bứt phá. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 4.400 tỷ đồng, tăng gần 12% so với ngày trước đó.
Giá bạc giảm mạnh 3,45%
Sắc đỏ áp đảo trên bảng giá nhóm kim loại trong một ngày mà thị trường đón nhận rất nhiều tin tức kinh tế tiêu cực. Với nhóm kim loại quý, giá bạch kim giảm 2,45% về 1013,2 USD/ounce. Bạc có mức giảm mạnh nhất nhóm, 3,44% về 23,31 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ tháng 11 được công bố giảm 0,6%, mức giảm mạnh hơn rất nhiều so với kỳ vọng của thị trường ở 0,1%. Số liệu đáng thất vọng này cho thấy lạm phát đang ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn dự kiến, nhất là trong giai đoạn mua sắm cao điểm cho các dịp lễ vào cuối năm. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp và sản lượng sản xuất cũng sụt giảm lần lượt 0,2% và 0,6% trong tháng 11, phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế mỹ.
Các tin tức này đã làm gia tăng lo ngại của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể đạt được mục tiêu hạ cánh mềm - nâng lãi suất nhưng không đưa nền kinh tế vào suy thoái.
Điều này khiến các nhà đầu tư gia tăng sức bán với các tài sản rủi ro như chứng khoán, tuy nhiên, giá của các mặt hàng kim loại quý không được hưởng lợi từ việc này, bởi dòng vốn dịch chuyển vào loại tài sản có tính trú ẩn và thanh khoản cao như đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng trở lại lên mức 104,6 điểm, và là sức ép trực tiếp khiến cho giá bạc và bạch kim bớt hấp dẫn khi so sánh với đồng bạc xanh.
Giá bạc giảm mạnh nhất nhóm kim loại quý bởi trong các phiên gần đây, giá bạc tăng mạnh nhất nên sức ép bán chốt lời cũng nhiều hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, ngoại trừ giá quặng sắt tăng 2,65% lên 111,5 USD/tấn, giá các mặt hàng khác đều giảm. Giá đồng giảm 2,97% về 3,76 USD/pound, mức thấp nhất trong vòng hai tuần. Bên cạnh sức ép đến từ đồng USD, giá các mặt hàng kim loại cơ bản suy yếu cũng vì các số liệu kinh tế kém của Trung Quốc, nhà tiêu thụ số một thế giới.
Các chính sách chống dịch nghiêm ngặt đã khiến cho doanh số bán lẻ giảm mạnh 5,9%, còn sản lượng công nghiệp chỉ tăng trưởng 2,2%. Các số liệu cho thấy vẫn còn sớm đề kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc.
Trái lại, giá quặng sắt phục hồi tích cực sau ba phiên giảm liên tiếp, bởi các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung quặng sắt hơn so với các kim loại khác, bởi nếu Trung Quốc kích thích tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ đối với sắt sẽ tăng trưởng mạnh nhất. Vì thế, đà tăng của giá quặng sắt trong thời gian gần đây phần lớn được thúc đẩy nhờ kỳ vọng của giới đầu tư.
Áp lực vĩ mô kéo giá dầu suy yếu trở lại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/12, giá dầu suy yếu trở lại, cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp khi các rủi ro vĩ mô tăng lãi suất vẫn là mối lo ngại cho tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ. Giá dầu WTI giảm 1,51% xuống 76,11 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,8% xuống 81,21 USD/thùng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá khí tự nhiên tăng vọt 8,4% khi báo cáo tồn kho của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thất tổng tồn kho khí gas tự nhiên tại các kho chứa ngầm của Mỹ giảm 50 tỷ feet khối xuống 3,412 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 09/12.
Sức ép bán trên thị trường dầu đã liên tục xuất hiện ngay từ đầu phiên. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi các tín hiệu cho thấy lãi suất có thể đạt đỉnh khoảng 5,1% vào năm sau và sẽ chưa tính đến việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023 như kỳ vọng của thị trường, đã khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ về bức tranh suy thoái kinh tế. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE lõi được dự báo sẽ tăng 3,5% trong năm tới, cao hơn dự báo trung bình tháng 9 là 3,1% và mục tiêu 2% của Fed, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng được nâng lên tới 4,6% vào năm tới.
Vào hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tăng lãi suất lên 50 điểm và báo hiệu họ vẫn cần tăng lãi suất “đáng kể” để chiến đấu với lạm phát. Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3 năm 2023, ECB sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán trung bình 15 tỷ euro (15,9 tỷ USD) mỗi tháng cho đến cuối quý 2 năm 2023, mở rộng nỗ lực kiểm soát lạm phát vẫn đang cao hơn khoảng gần 5 lần so với mục tiêu. Lo ngại lạm phát vẫn cố hữu, chi phí vay tăng cao và nền kinh tế gặp áp lực có thể hạn chế năng lực tiêu thụ dầu đã kéo giá dầu quay đầu giảm trở lại.
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 11 giảm 0,6% so với tháng trước, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm ngoái, trong khi sản lượng công nghiệp cũng giảm nhiều hơn kỳ vọng của thị trường, báo hiệu về những áp lực kinh tế nhất định và kéo giá tiếp tục suy yếu trong phiên tối.
Về mặt cung cầu, thông lượng dầu thô Trung Quốc trong tháng 11/2022 đã tăng lên mức cao nhất trong 12 tháng, đạt 14,5 triệu thùng/ngày, khiến đây trở thành mức thông lượng trung bình theo tháng cao thứ 3 được ghi nhận. Mặc dù sản xuất và tiêu thụ dầu thô tại Trung Quốc có sự cải thiện, và được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn nữa khi quốc gia này nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, nhưng giá dầu không được hỗ trợ quá nhiều trong phiên bởi lo ngại việc dỡ bỏ các quy định Không Covid sẽ làm bùng nổ dịch bệnh trong một giai đoạn nhất định và gây gián đoạn hoạt động kinh tế.
Thêm vào đó, những gián đoạn xung quanh đường ống dẫn dầu Keystone giữa Canada và Mỹ cũng đang được cải thiện khi một phần của đường ống đã được nối lại. Theo Bloomberg, ngay cả khi sự cố ngừng hoạt động, các kho dự trữ ở Bờ Vịnh đã tăng mạnh vào tuần trước, cho thấy thị trường vẫn được cung cấp tốt cho đến thời điểm hiện tại.
Giá dầu có thể tiếp tục gặp áp lực trong ngắn hạn
Theo MXV, sức ép vĩ mô từ các Ngân hàng trung ương lớn trên thế giới với các kế hoạch thắt chặt tiền tệ có thể gây ra rủi ro suy thoái, nhiều khả năng vẫn sẽ cản trở đà phục hồi của giá dầu trong giai đoạn tới. Trong khi đó, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc bùng phát dịch gây cản trở tới sản xuất và tiêu thụ dầu thô, trước khi lấy lại đà phục hồi vào năm sau. Do đó, giá dầu nhiều khả năng vẫn sẽ gặp áp lực trong ngắn hạn, và có thể hướng tới sự phục hồi rõ rệt hơn từ quý 2 năm sau.
Trên thị trường nội địa, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 11 nước ta đã nhập khẩu 1,1 triệu tấn dầu thô, trị giá 851,5 triệu USD. So với tháng 11, nhập khẩu dầu thô đã tăng mạnh 31,4% về lượng và 32,5% về giá trị. Luỹ kế từ đầu năm nay, cả nước nhập khẩu 1,7 triệu tấn dầu thô, tương đương kim ngạch 1,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, trong 11 tháng đầu năm nay, nhập khẩu dầu thô của Việt Nam chỉ tăng 4,5% về lượng nhưng đã tăng vọt 58,8% về kim ngạch; do có những thời điểm giá dầu thô nhập khẩu đã tăng rất cao.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)