Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy sắc xanh áp đảo trên thị trường hàng hoá trong ngày giao dịch 25/3.
Chỉ số giá toàn bộ bốn nhóm hàng đồng loạt tăng, đặc biệt chỉ số MXV nguyên liệu công nghiệp ghi nhận 4 ngày tăng điểm liên tiếp lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023. Chốt ngày, chỉ số MXV-Index tăng thêm 1,01% lên 2.236 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức hơn 6.200 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản tăng mạnh hơn 4% so với hôm qua và chiếm 33% tổng giá trị.
Thị trường đậu tương phục hồi
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, dòng tiền đầu tư đến thị trường nông sản tăng mạnh hơn 4%, mức hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị giao dịch. Nhiều mặt hàng tăng giá, trong đó, thị trường đậu tương phục hồi.
Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 5 tăng nhẹ. Mặc dù chịu một số áp lực bán khi mở cửa, tuy nhiên, phe mua đã nhanh chóng được đẩy mạnh ngay sau đó và duy trì thế áp đảo đến cuối phiên. Lo ngại về tình hình nguồn cung tại Brazil và triển vọng gieo trồng thấp hơn tại Mỹ là yếu tố chính nâng đỡ thị trường.
Theo hãng tư vấn nông nghiệp AgRural, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil tính đến ngày 21/3 đã đạt 69% diện tích dự kiến, tăng 7 điểm phần trăm so với tuần trước nhưng thấp hơn mức 70% cùng kì năm ngoái. Con số mà AgRural đưa ra phù hợp với số liệu của Pátria AgroNegócios. Công ty tư vấn này cho biết 69,33% diện tích đậu tương niên vụ 23/24 đã được thu hoạch, thấp hơn so với mức 70,42% cùng kỳ năm ngoái và mức 71,73% trung bình lịch sử. Điều này cho thấy hoạt động thu hoạch đậu tương tại Brazil đang chậm lại do cây trồng chưa kip chín và thời tiết xấu và có thể khiến nguồn cung từ nước này tung ra thị trường chậm hơn so với trước, tác động “bullish” đến giá.
Hôm qua (25/3), hãng tin Reuters đã tổng hợp dự đoán của các tổ chức lớn về báo cáo Triển vọng gieo trồng Mỹ năm 2024 của USDA, dự kiến công bố vào thứ Năm (28/3). Theo đó, trung bình dự đoán của các nhà phân tích cho rằng diện tích trồng đậu tương năm 2024 của Mỹ có thể sẽ chỉ đạt 86,53 triệu mẫu, thấp hơn so với mức 87,5 đưa đưa ra trước đó tại diễn đàn USDA Ag Forum. Điều này có thể khiến nguồn cung tại Mỹ thấp hơn so với kỳ vọng trong niên vụ tới, góp phần hỗ trợ giá.
Tương tự đậu tương, cả hai mặt hàng thành phẩm là dầu đậu và khô đậu đều đồng loạt tăng giá vào hôm qua. Giá dầu đậu tương đã ghi nhận mức nhảy vọt tới gần 3%, là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản nhờ diễn biến dầu cọ hỗ trợ. Theo công ty khảo sát hàng hóa Amspec Agri, Malaysia đã xuất khẩu 1.046.049 tấn sản phẩm dầu cọ trong 25 ngày đầu tháng 3, tăng 21,2% so với mức 863.108 cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu dầu cọ thấp hơn từ Indonesia trong hai tháng đầu năm nay lại đang dấy lên những lo ngại về nguồn cung dầu thực vật, thúc đẩy lực mua đối với dầu đậu.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 25/3, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam giảm nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 12.150 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.700 - 11.900 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.
Căng thẳng địa chính trị tiếp diễn đẩy giá dầu phục hồi
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 25/3, lực mua tích cực quay lại thị trường dầu thô trong bối cảnh rủi ro địa chính trị tại cả khu vực Trung Đông và xung đột giữa Nga - Ukraine đều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, nỗ lực thắt chặt nguồn cung từ Nga cũng củng cố cho đà tăng của giá dầu ngay trong phiên. Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 1,64% lên sát 82 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 1,47% lên mức 86,08 USD/thùng.
Chính phủ Nga đã yêu cầu các công ty giảm sản lượng dầu trong quý II để đảm bảo mục tiêu sản xuất 9 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6 theo cam kết với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), theo Reuters. Việc cắt giảm sản lượng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bảo trì cao điểm theo mùa tại các nhà máy lọc dầu của quốc gia này.
Trong tháng này, ít nhất 7 nhà máy lọc dầu của Nga đã bị máy bay không người lái từ phía Ukraine tấn công, ảnh hưởng tới khoảng 12% tổng công suất chế biến dầu của Nga. Điều đó khiến cho nguồn cung dầu thô trở nên cạnh tranh hơn, kéo theo lực mua áp đảo đặc biệt ngay sau thông tin nỗ lực thắt chặt sản lượng từ Nga.
Sản lượng dầu khí ngưng tụ của Nga đã giảm từ mức cao nhất hàng năm là 11,7 triệu thùng/ngày trong năm 2019 xuống còn khoảng 10,8 triệu thùng/ngày trong những tháng gần đây do các hành động phối hợp với OPEC.
Dữ liệu từ các nguồn cung cấp và tính toán của Reuters cho thấy sản lượng dầu của Nga trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 dự kiến sẽ giảm lần lượt khoảng 3,6%, 4,1% và 4,9% so với tháng 3, phù hợp với lời hứa của Nga về việc tự nguyện giảm sản lượng.
Ở một diễn biến khác, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và các chiến binh Palestine Hamas, đồng thời thả tất cả con tin sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Giá dầu mặc dù hạ nhiệt ngay sau thông tin nhưng diễn biến tại Biển Đỏ vẫn còn phức tạp đã giúp dầu thô duy trì lực mua áp đảo.
Vào hôm qua (25/3), Bộ trưởng Dầu mỏ Sudan đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với việc vận chuyển dầu qua đường ống tới một kho cảng gần cảng Sudan trên bờ Biển Đỏ, làm gia tăng rủi ro nguồn cung gián đoạn. Trước đó, Nam Sudan đã gửi khoảng 150.000 thùng dầu thô mỗi ngày qua Sudan để xuất khẩu.
Giá một số hàng hóa khác
NGUỒN: MXV