Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá trong ngày hôm qua.
Tuy nhiên, sắc xanh có phần chiếm ưu thế đã đẩy chỉ số hàng hoá MXV-Index tăng 0,19% lên 2.165 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 8.400 tỷ đồng, lên mức cao nhất trong hơn một tháng qua. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến nhóm hàng kim loại và nông sản tăng rất mạnh, lần lượt 63% và 39% so với hôm qua.
Kim loại quý gặp áp lực sau dữ liệu lạm phát Mỹ
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 12/3, bảng giá kim loại có sự phân hoá. Nhóm kim loại quý gặp áp lực rõ rệt sau báo cáo lạm phát tháng 2 của Mỹ cho thấy con số cao hơn kỳ vọng thị trường. Trong khi đó, nhóm kim loại cơ bản ghi nhận các mức tăng giảm khá trái chiều.
Giá bạc và bạch kim đều giảm khoảng 1,3% trong phiên hôm qua, xuống các mức lần lượt là 24,39 USD/ounce và 928,2 USD/ounce.
Thông tin đáng chú ý nhất dồn về dữ liệu lạm phát Mỹ trong tháng 2 tăng vượt dự báo của thị trường. Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế và tăng tốc từ mức 3,1% của tháng 1. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tháng 2 của Mỹ tăng 0,4%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1.
Chỉ số CPI lõi, loại bỏ biến động giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm, cũng đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 2, cao hơn so với mức 3,7% mà giới chuyên gia dự báo.
Đà hạ nhiệt lạm phát của Mỹ có dấu hiệu chững lại, lạm phát tiếp tục gia tăng trong bối cảnh chi phí nhà ở, dịch vụ vận tải và giá xăng lên cao làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm hạ lãi suất vào nửa đầu năm. Lãi suất duy trì ở mức cao sẽ khiến kim loại quý như bạc và bạch kim kém hấp dẫn hơn, từ đó thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy kỳ vọng FED giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 đã giảm nhẹ 2,5 điểm phần trăm xuống 57% ngay sau dữ liệu. Đồng USD kết phiên cũng tăng cao hơn phiên trước, gây áp lực tới nhóm kim loại quý do chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần trái chiều và hầu như vẫn tuân theo các yếu tố cung cầu trên thị trường. Đồng COMEX mặc dù ghi nhận đà giảm giá ngay sau dữ liệu lạm phát, nhưng đã lấy lại đà phục hồi về cuối phiên và chốt phiên tăng nhẹ 0,09%, lên mức 3,93 USD/pound. Nguồn cung toàn cầu đang có xu hướng thu hẹp khi sản lượng của một số nhà sản xuất hàng đầu suy giảm, đã hạn chế lực bán đáng kể. Dự trữ đồng trên hệ thống LME đã giảm hơn 30% kể từ cuối năm ngoái, trong khi thị trường kỳ vọng nhu cầu theo mùa sẽ sớm mạnh hơn trong quý II.
Quặng sắt cũng tăng hơn 2% sau khi giảm sâu tới gần 7% trong phiên trước đó, khi các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nhu cầu của Trung Quốc trong bối cảnh thiếu các gói kích thích mới. Tuy nhiên, xu hướng chính đang là giảm giá bởi lĩnh vực bất động sản tiêu thụ sắt thép của Trung Quốc hiện vẫn chưa cho thấy sự phục hồi đáng kể nào.
Lực mua mạnh trên thị trường đậu tương
Đóng cửa ngày giao dịch hôm qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá nông sản. Trong đó, cả ba mặt hàng nhóm họ đậu đồng loạt tăng giá. Mặc dù giá phải đối mặt với áp lực bán nhẹ trong đầu phiên, lực mua đã quay trở lại và được thúc đẩy mạnh trên thị trường đậu tương ngay sau thời điểm báo cáo Cung cầu nông sản Brazil tháng 3 của CONAB được công bố vào tối qua. Kết phiên, giá hợp đồng tháng 5 ghi nhận mức hồi phục hơn 1%.
Theo báo cáo CONAB, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil dự báo sẽ giảm xuống 146,86 triệu tấn, từ mức 149,4 triệu tấn ước tính trước đó. CONAB cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết biến động kém thuận lợi ở các vùng sản xuất chính đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cây trồng, khiến năng suất trung bình có thể giảm gần 2% so với dự báo hồi tháng 2. Với sản lượng thấp hơn, CONAB cũng đã cắt giảm dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil xuống 1,9% so với báo cáo trước, xuống còn 92,33 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức ước tính 103 triệu tấn của USDA. Những số liệu này phản ánh triển vọng sản xuất kém khả quan của Brazil, đồng thời gây thêm lo ngại về thiệt hại sản lượng ở quốc gia cung cấp đậu tương số 1 thế giới sẽ góp phần khiến nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn trong năm nay. Đây là yếu tố chính đã thúc đẩy giá đậu tương CBOT trong phiên tối.
Tại Argentina, các chuyên gia thời tiết cho biết mưa lớn đang gây ngập úng tại các vùng nông nghiệp quan trọng có thể khiến cây trồng bị hư hỏng và cản trở hoạt động thu hoạch đậu tương trong những tuần tới. Những rủi ro về thời tiết với mùa vụ của quốc gia Nam Mỹ này cũng góp phần hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.
Khô đậu tương cũng kết phiên với mức tăng nhẹ 0,59%. Trong khi đó, dầu đậu tương trở thành mặt hàng tăng mạnh nhất cả nhóm, khi nhảy vọt 2,53% vào hôm qua. Bên cạnh lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn tại Nam Mỹ, triển vọng sản xuất kém khả quan ở Ukraine - một trong những quốc gia cung cấp dầu thực vật quan trọng trên toàn cầu cũng góp phần nâng đỡ giá mặt hàng này. Cụ thể, UGA cho biết sản lượng hạt có dầu niên vụ 24/25 của nước này dự kiến sẽ giảm mạnh so với niên vụ hiện tại, chủ yếu là do nông dân cắt giảm diện tích gieo trồng vì giá thấp và chi phí xuất khẩu đắt đỏ.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 12/3, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam chưa có nhiều thay đổi. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 11.500 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.450 - 11.550 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.
Giá một số hàng hóa khác