Bản tin MXV ngày 07/03/2024: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tăng giá trở lại
Tác giảNHẬT LINH

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, sắc xanh quay trở lại chiếm ưu thế trên thị trường trong ngày giao dịch hôm qua (6/3).

Chốt ngày, chỉ số giá của 3/4 nhóm mặt hàng đều tăng, kéo chỉ số MXV-Index thêm 0,78% lên 2.146 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 5.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư chảy mạnh mẽ vào thị trường kim loại khi chiếm đến 38,5% tổng giá trị giao dịch, tăng 23% so với ngày hôm qua.

Sắc xanh bao phủ bảng giá kim loại

Kết thúc ngày giao dịch 6/3, lực mua quay lại thị trường kim loại nhờ sự suy yếu của đồng USD. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Giá bạc tăng 2,12% lên 24,49 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2023. Giá bạch kim chốt phiên tại 914,4 USD/ounce sau khi tăng 3,07%. Đây cũng là mức tăng lớn nhất của giá bạch kim kể từ giữa tháng 12/2023.

Đồng USD tiếp tục suy yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất được thúc đẩy.

Cụ thể, theo báo cáo bảng lương phi nông nghiệp do ADP công bố ngày 6/3, Mỹ đã tạo thêm 140.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 2, thấp hơn 9.000 so với dự báo của giới chuyên gia, cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt nhanh hơn so với dự kiến. Số liệu này một lần nữa cho thấy rằng kinh tế Mỹ đang gặp áp lực, trước đó dữ liệu đã chỉ ra rằng lĩnh vực hoạt động và dịch vụ suy yếu trong khi niềm tin tiêu dùng sụt giảm. Hơn nữa, trong bài phát biểu ngày hôm qua, Chủ tịch FED Jerome Powell đã gợi ý về khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Những điều này đã gây áp lực mạnh lên đồng USD, chỉ số Dollar Index kết phiên giảm 0,41% về 103,37 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ giữa tháng 2. Đồng USD giảm giá khiến chi phí đầu tư trở nên rẻ hơn, giúp giá kim loại quý được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, đối với bạch kim, mặt hàng này đón nhận lực mua tích cực bởi lo ngại nguồn cung thu hẹp trong năm nay. Trong báo cáo cung – cầu quý IV/2023 mới được Hội đồng Đầu tư Bạch kim Thế giới (WPIC) công bố hôm qua, thâm hụt bạch kim năm 2024 đã được chỉnh tăng lên 418.000 ounce, tăng từ mức 353.000 ounce trong báo cáo trước.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi sau hai phiên giảm liên tiếp, đóng cửa tại 3,87 USD/pound nhờ tăng 0,73%. Trong phiên sáng, giá đồng di chuyển giằng co trong biên độ hẹp khi tâm lý thị trường ảm đạm do Trung Quốc không công bố các gói kích thích kinh tế lớn. Tuy vậy, đồng USD giảm mạnh vào phiên tối đã hỗ trợ lực mua đồng tăng cao và giúp giá kết phiên trong sắc xanh.

Ngoài ra, giá kẽm LME cũng tăng 1,61% lên 2.494,5 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn một tháng qua. Nguồn cung từ mỏ hạn chế vẫn đang là yếu tố hỗ trợ chính cho giá. Bank of America cho biết yếu tố nguồn cung không chắc chắn có thể giúp giá kẽm đạt được mức trung bình 2.375 USD/tấn vào năm 2024.

Giá dầu tăng trở lại trước các rủi ro nguồn cung thắt chặt

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 6/3, giá dầu tăng trở lại sau hai phiên giảm trước đó. Sức bật được hỗ trợ chủ yếu bởi báo cáo trạng thái nhiên liệu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Ngoài ra, rủi ro về một thị trường thắt chặt trước các tác động về địa chính trị và sự can thiệp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng mình (OPEC+) cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua.

Chốt ngày, giá dầu WTI tăng 1,25% lên 79,13 USD/thùng. Dầu Brent tăng 1,12% lên sát mốc 83 USD/thùng.

Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas dường như rơi vào bế tắc khi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza ngày càng sâu sắc.

Lực lượng Houthis đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công, khiến con tàu True Confidence mang cờ Barbados thuộc sở hữu của Hy Lạp bốc cháy, cách bờ biển Aden của Yemen khoảng 50 hải lý. Anh và Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công trả đũa chống lại người Houthis và việc xác nhận số người thiệt mạng có thể dẫn đến áp lực phải có hành động quân sự mạnh mẽ hơn. Những diễn biến này đã làm gia tăng rủi ro trên thị trường và hỗ trợ giá dầu tăng cao.

Ngoài ra, theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), các công ty năng lượng đã bổ sung 1,4 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 1/3, ít hơn dự báo của thị trường, trong khi tồn kho sản phẩm chưng cất và xăng giảm nhiều hơn dự kiến, với mức giảm lần lượt là 4,1 triệu và 4,4 triệu thùng dầu. Điều này cho thấy việc tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ đang gần lấy lại đà khởi sắc hơn.

Thêm vào đó, sản lượng của Mỹ cũng giảm 100.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống 13,2 triệu thùng/ngày, ngay trong bối cảnh nhóm nước OPEC+ tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng. Giai đoạn trước đó, sản lượng đạt đỉnh của Mỹ đã bù đắp đáng kể cho những thiếu hụt nguồn cung dầu trên thị trường. Do vậy, dấu hiệu suy yếu nguồn cung từ Mỹ cũng mang tính hỗ trợ cao đối với giá dầu trong phiên.

Tình trạng thắt chặt nguồn cung, đặc biệt là ở các thị trường châu Á đã được thể hiện rõ khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã tăng giá bán chính thức (OSP) đối với dầu thô Arab Light hàng đầu sang Châu Á trong tháng 4 ở mức 1,7 USD/thùng, cao hơn so với mức 1,5 USD/thùng trong tháng trước. Điều này cũng thúc đẩy lực mua dầu trong ngày giao dịch hôm qua.

Giá một số hàng hóa khác

 

NGUỒN: MXV


 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/mzmypc835
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Bạn cần hỗ trợ?