Bản tin MXV ngày 27/11/2023: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trầm lắng trong Lễ Tạ ơn
Tác giảNHẬT LINH

Số liệu từ MXV cho thấy, kết thúc tuần giao dịch vừa qua (20 - 26/11), thị trường hàng hóa nguyên liệu khá trầm lắng do trùng với kỳ Lễ Tạ ơn.

Chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng không đáng kể 0,05%, đạt 2.187 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt trung bình trên 3.000 tỷ đồng mỗi ngày.

Trong đó, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại và dòng tiền liên tục chảy vào thị trường kim loại quý nhờ đồng USD giảm giá.

Giá dầu giảm tuần thứ 5 liên tiếp

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khối lượng giao dịch dầu thô ít hơn thông thường trong Lễ Tạ ơn. Giá dầu tăng mạnh do lo ngại về kế hoạch cắt giảm thêm sản lượng của nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+). Tuy nhiên, OPEC+ đã bất ngờ bị lùi lại 4 ngày cho tới 30/11 và sẽ họp bằng hình thức trực tuyến. Điều đó khiến cho dầu thô bị áp lực trở lại và kết thúc tuần trong sắc đỏ.

Cụ thể, kết thúc tuần 20 - 26/11, giá dầu WTI giảm 0,66% xuống 75,54 USD/thùng. Dầu Brent chỉ giảm 0,04%, chốt tại mức giá 80,58 USD/thùng.

Cuộc họp lần thứ 51 của Ủy ban giám sát chung Bộ trưởng (JMMC), cùng cuộc họp Bộ trưởng OPEC và ngoài OPEC lần thứ 36 (ONOMM), ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 25/11 và 26/11 đã được hoãn sang ngày 30/11. Theo Reuters, các nhà sản xuất OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc việc thống nhất mức sản lượng và có sự bất đồng quan điểm liên quan tới các hạn ngạch sản xuất của các quốc gia châu Phi.

Trước đó trong cuộc họp tháng 6, Angola, Congo và Nigeria đã bị thúc đẩy chấp nhận giảm mục tiêu sản lượng cho năm 2024, do khả năng suy yếu trong hoạt động sản xuất. Nhưng trong giai đoạn gần đây, các thành viên châu Phi đang hướng tới sản lượng dầu cao hơn. Điều này đã đưa dầu WTI có thời điểm xuống dưới mức 74 USD/thùng, trước khi rút chân trở lại do việc chốt lời của các nhà đầu tư trước thềm nghỉ lễ.

Giám đốc Bộ phận Thị trường và Công nghiệp Dầu mỏ tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết thâm hụt thị trường dầu hiện tại sẽ chuyển sang thặng dư nhẹ vào năm tới ngay cả khi các nhà lãnh đạo OPEC+ là Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản xuất và xuất khẩu đến năm 2024. Điều này xuất phát từ lo ngại tăng trưởng kinh tế kém sắc hạn chế tiêu thụ dầu mỏ.

Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 17/11 tăng mạnh 8,7 triệu thùng lên mức 447,05 triệu thùng, cho thấy nhu cầu đang có dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, sản lượng dầu Mỹ duy trì ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, tổng số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp, thêm 4 giàn lên 622 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 22/11.

Dòng tiền chảy liên tục vào thị trường kim loại quý

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá nhóm kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng 3,9% lên 936,9 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng 2,05%, dừng chân tại mức 24,34 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2023. Cả giá bạc và giá bạch kim đều ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Tuần trước, dòng tiền liên tục chảy vào thị trường kim loại quý nhờ đồng USD giảm giá. Chỉ số Dollar Index giảm 0,49% về 103,4 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp. Động lực tăng của đồng USD không còn nhiều khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày càng có ít không gian để tăng lãi suất. Phần lớn nhà đầu tư đều cho rằng FED đã hoàn thành việc tăng lãi suất và đợt cắt giảm lãi suất sớm nhất dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024, theo CME FedWatch.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng khiến đồng USD giảm giá. Theo S&P Global, hoạt đông sản xuất của Mỹ đã bị thu hẹp với chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất đạt 49,4 điểm trong tháng 11, thấp nhất trong vòng ba tháng trở lại đây.

Ngoài ra, riêng với bạch kim, lo ngại nguồn cung bị thu hẹp tại Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy lực mua bạch kim tăng. Công ty điện nhà nước Nam Phi Eskom cho biết dự kiến bỏ 6.000 megawatt ra khỏi hệ thống điện quốc gia. Điều này có thể khiến khai thác bạch kim bị gián đoạn.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng tuần thứ hai liên tiếp, đóng cửa tuần tại mức 3,78 USD/pound nhờ tăng 1,35%. Giá quặng sắt cũng tăng 4,16% lên 133,86 USD/tấn, đánh dấu tuần tăng giá thứ năm liên tiếp.

Riêng với đồng, lo ngại nguồn cung bị thu hẹp cũng hỗ trợ giá. Hoạt động khai thác đồng tại mỏ Panama của công ty First Quantum và mỏ Las Bambas, một trong những mỏ đồng lớn nhất ở Peru, đã gặp gián đoạn trong tuần trước do tình trạng biểu tình và bảo trì mỏ.

Giá một số hàng hóa khác

NGUỒN: MXV


 Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Nhật Linh – Nhat Linh Investment., JSC
 Địa chỉ: Tầng 3, Toà nhà Thái Lâm Plaza, Số 52 Đường Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội
 Hotline: 0243.206.3010
 Zalo Group: https://zalo.me/g/andkkf940
 Fanpage: https://www.facebook.com/NhatLinh.Investments
0 / 5 (0Bình chọn)