Phiên 24/9, chính phủ Trung Quốc công bố các kích thích kinh tế khiến các hàng hóa đồng loạt tăng giá, dầu tăng 2%, vàng tăng lên mức cao kỷ lục, cao su, cà phê đều cao nhất 13 năm.
Dầu tăng 2% lên mức cao nhất 3 tuần do kích thích của Trung Quốc
Giá đồng tăng khoảng 2% lên mức cao nhất 3 tuần do tin tức kích thích tiền tệ từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đồng thời trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột tại Trung Đông có thể bị ảnh hưởng tới nguồn cung trong khu vực.
Các thị trường dầu từ bỏ một phần sự gia tăng trước đó khi tin tức rõ ràng hơn rằng một cơn bão đe dọa Bờ Vịnh của Mỹ vào cuối tuần này có khả năng sẽ không ảnh hưởng tới các khu vực sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên và đổ bộ vào Florida. Khu vực này chiếm 15% sản lượng dầu và 2% sản lượng khí tự nhiên của cả nước.
Chốt phiên 24/9, dầu thô Brent tăng 1,27 USD hay 1,7% lên 75,17 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,19 USD hay 1,7% lên 71,56 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ ngày 2/9.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc công bố các gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch Covid – 19 để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và hướng tới mục tiêu tăng trưởng của chính phủ.
Tại Trung Đông, một khu vực sản xuất dầu mỏ quan trọng, một cuộc không kích của Israel đã giết chết một chỉ huy cấp cao của lực lượng Hezbollah khi các cuộc tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới của cả hai bên làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn dầu trong khu vực này.
Các cuộc phản công có nguy cơ kéo Iran, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, tiến gần hơn đến một cuộc xung đột với Israel. Iran ủng hộ nhóm chiến binh người Liban.
Trong khi đó, OPEC nâng dự báo của họ về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn, với lý do tăng trưởng được dẫn dắt bởi Ấn Độ, Châu Phi và Trung Đồng và sự chuyển dịch chậm hơn sang xe điện và nhiên liệu sạch hơn.
Tại Mỹ, nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn nhất thế giới, một số công ty năng lượng đã dừng sản xuất mặc dù cơn bão nhiệt đới Helene hiện nay dự kiến sẽ không đi qua hầu hết các khu vực sản xuất ở phía tây và trung tâm Vịnh Mexico và tấn công vào Florida như một cơn báo lớn vào cuối ngày thứ năm.
Yếu tố khác giúp giảm sự gia tăng giá dầu ban đầu là tin tức niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 9 giảm nhiều nhất 3 năm, trong bối cảnh một loạt lo sợ về thị trường lao động.
Vàng tăng lên cao kỷ lục do căng thẳng ở Trung Đông và đặt cược cắt giảm lãi suất
Giá vàng tăng 1% và đạt cao kỷ lục, do căng thẳng ở Trung Đông trong khi các nhà đầu tư đang chú ý tới các manh mối mới về việc cắt giảm thêm lãi suất ở Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 1% lên 2.654,39 USD/ounce sau khi tăng lên mức cao kỷ lục trước đó tại 2.655,30 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,9% lên 2.677 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng hơn 28% từ đầu năm 2024 tới nay, do lo sợ một cuộc chiến tranh leo thang ở Trung Đông.
Vàng có thể vượt mức 2.700 USD, có thể sớm nhất vào cuối tuần này, nếu chúng ta thấy sự leo thang hơn nữa ở Trung Đông và với những lời đồn đoán về việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa.
Các ngân hàng lớn dự kiến vàng tiếp tục tăng giá kỷ lục trong năm 2025 vì dòng tiền lớn đổ vảo các quỹ hoán đổi danh mục và dự đoán việc cắt giảm lãi suất bổ sung từ các ngân hàng trung ương lớn.
Đồng tăng lên mức cao nhất 10 tuần do kích thích kinh tế của Trung Quốc
Giá đồng tăng vọt lên mức cao nhất trong 10 tuần sau khi Trung Quốc đưa ra các biện pháp kích thích rộng rãi để thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 2,7% lên 9.802 USD/tấn sau khi đạt cao nhất kể từ ngày 15/7 tại 9.825 USD/tấn.
Đồng Comex của Mỹ tăng 3,1% lên 4,42 USD/lb.
Ngưỡng kháng cự tiếp theo của đồng LME là 9.900 USD tới 10.000 USD.
Hợp đồng đồng kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa tăng 1,8% lên 76.760 CNY (10.909 USD)/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/7.
Cũng hỗ trợ thị trường này là các dấu hiệu nhu cầu kim loại mạnh lên tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Tiêu thụ đồng tại Trung Quốc thường mạnh hơn trong giai đoạn cuối tháng 9 tới tháng 12.
Dự trữ đồng của sàn Thượng Hải giảm một nửa kể từ đầu tháng 6 xuống 164.938 tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 8/2.
Quặng sắt có ngày tăng mạnh nhất trong hơn một năm
Giá quặng sắt tăng mạnh nhất một ngày trong hơn một năm do một làn sóng kích thích kinh tế mới của Trung Quốc và việc tích trữ trước đợt nghỉ lễ Quốc khánh ở Trung Quốc.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 4,64% lên 699,5 CNY (99,38 USD)/tấn, ngày tăng mạnh nhất kể từ 29/5/2023.
Tại Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 10 tăng 5,8% lên 94,65 USD/tấn.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc tiết lộ gói kích thích lớn nhất kể từ đại dịch để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát và quay trở lại mục tiêu tăng trưởng của chính phủ, nhưng giới phân tích cảnh báo rằng cần có thêm hỗ trợ tài chính để đạt được các mục tiêu này.
Các nhà sản xuất thép trong nước dần nâng sản lượng kim loại này sau khi lợi nhuận từ việc bán thép phục hồi nhờ nhu cầu của người tiêu dùng cuối tăng trở lại và nhu cầu bổ sung quặng sắt của các nhà máy trước đợt nghỉ Quốc khánh sắp tới từ ngày 1 - 7/10.
Giá quặng sắt dự kiến biến động trước đợt nghỉ lễ vì áp lực dự trữ trong ngắn hạn vẫn còn tương đối lớn, theo trang thông tin tài chính Hexun Future của Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, dây thép cuộn tăng 2,47%, thép thanh tăng khoảng 3,2%, thép cuộn cán nóng tăng gần 3,5%, mặc dù thép không gỉ giảm 0,76%.
Cao su Nhật Bản cao nhất 13 năm bởi triển vọng nhu cầu của Trung Quốc
Cao su kỳ hạn của Nhật Bản đạt cao nhất 13 năm do Trung Quốc tiết lộ kích thích kinh tế đã thúc đẩy triển vọng nhu cầu tại nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới này.
Hợp đồng cao su giao tháng 2/2025 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 5% lên 385 JPY (2,66 USD)/kg. Thị trường đã đạt cao nhất kể từ tháng 8/2011 ở mức 386,6 CNY.
Tại Thượng Hải, cao su giao tháng 1/2025 tăng 715 CNY, hay 4,09% lên 18.215 CNY (2.588,24 USD)/tấn.
Giá tấm cao su hun khói RSS3 xuất khẩu của Thái Lan và cao su khối giảm lần lượt 1,56% và 0,74% xuống 91,46 baht (2,77 USD) và 67,23 baht (2,04 USD)/kg.
Cà phê cao nhất 13 năm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 4,15 US cent hay 1,6% lên 2,678 USD/lb, giá đã lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 tại 2.7040 USD.
Các đại lý cho biết mưa cuối tuần qua ở các khu vực trồng cà phê của Brazil có thể đủ để kích thích đợt nở hoa đầu tiên, nhưng cần có những trận mưa tiếp theo để giúp hóa phát triển thành quả.
Sự tăng giá cà phê bị hạn chế mặc dù là các báo cáo cho biết các quy định về chống phá rừng của EU cấm nhập khẩu hàng hóa liên quan tới nạn phá rừng có thể bị trì hoãn. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 12 và đang thúc đẩy nhập khẩu cà phê vào khối này trong phần lớn năm nay.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 0,7% lên 5.312 USD/tấn.
Đường thô cao nhất 7 tháng
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,57 US cent hay 2,5% lên 23,12 US cent/lb, giá đã đạt cao nhất 7 tháng tại 23,3 US cent.
Thị trường này tiếp tục được hỗ trợ bởi việc hạ dự báo sản lượng đường ở Brazil trong cả năm nay và năm tới do hạn hán và các vụ cháy liên quan.
Một khảo sát của S&P Global Commodity Insights dự kiến sản lượng đường tại Trung Nam Brazil sẽ giảm 1,3% trong nửa đầu tháng 9 so với năm ngoái.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,9% lên 595,4 USD/tấn.
Ngô đóng cửa giảm sau khi tăng lên mức cao hai tháng, đậu tương tăng
Ngô trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12 giảm từ mức cao nhất hai tháng.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 1-3/4 US cent xuống 4,11-3/4 USD/bushel, thoái lui sau khi tăng lên 4,18-1/4 USD, cao nhất kể từ ngày 26/7.
Đậu tương lên cao nhất hai tháng do lạc quan rằng các kế hoạch kích thích của chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy nền kinh tế, nhưng thị trường giảm đà tăng do chốt lời và triển vọng đối với thời tiết mùa vụ ở Nam Mỹ cải thiện.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 3 US cent lên 10,42-1/4 USD/bushel sau khi tăng lên 10,58-1/4 USD, cao nhất kể từ ngày 26/7.