Giá dầu và vàng giảm trong phiên 30/8 sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ đúng như dự kiến làm giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ hạ lãi suất 50 điểm phần trăm trong kỳ họp tháng 9.
Dầu giảm 1 USD
Giá dầu giảm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng nguồn cung dầu của OPEC+ bắt đầu tăng từ tháng 10 nhưng lại giảm hy vọng về việc Mỹ sẽ hạ mạnh lãi suất vào tháng tới, sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vẫn mạnh mẽ.
Giá dầu thô Brent giao tháng 10 kết thúc phiên giảm 1,14 USD, tương đương 1,43%, xuống còn 78,80 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 2,36 USD, tương đương 3,11%, xuống còn 73,55 USD.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,3% trong khi WTI giảm 1,7%. Trong cả tháng 8, dầu Brent 2,4% còn dầu WTI giảm 3,6%.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh vào tháng 7, cho thấy nền kinh tế vẫn vững chắc vào đầu quý 3, cản trở việc Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất nửa điểm phần trăm vào tháng tới.
Cụ thể, dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 7, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế.
Khí gas tăng
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tăng trong tuần này do tình trạng ngừng hoạt động tại các cơ sở LNG ở Úc và Malaysia làm dấy lên lo ngại về nguồn cung, mặc dù nhu cầu mua từ Trung Quốc vẫn hạn chế do giá tăng.
Giá LNG giao vào tháng 10 tới Đông Bắc Á trung bình là 14,00 USD/mmBtu, tăng so với mức 13,80 USD/mmBtu vào tuần trước.
Những lo ngại về nguồn cung LNG đã giúp hỗ trợ giá ở Châu Á và Châu Âu. Thời gian ngừng hoạt động không theo kế hoạch tại cơ sở Ichthys của Úc ảnh sẽ ảnh hưởng kéo dài đến tháng 10 và những hạn chế về sản xuất tại mỏ Bintulu của Malaysia được cho là đã làm gián đoạn lịch trình bốc hàng trong những tuần tới.
Vàng giảm
Giá vàng giảm 1% vào thứ Sáu khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ khớp với kỳ vọng. Vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,9% xuống 2.497,53 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,3% xuống 2.527,6 USD. Mặc dù vậy, tính chung trong tháng 8, giá vàng tăng 2%.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm vào thứ Sáu, chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu ngắn hạn liên tục giảm và lượng hàng tồn kho tăng tại quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới - Trung Quốc, nhưng tính chung cả tuần giá tăng, là tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã kết thúc phiên giảm 0,53% xuống còn 754 nhân dân tệ (106,33 USD)/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 1,03% xuống còn 101,15 USD/tấn.
Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày của các nhà sản xuất thép Trung Quốc được khảo sát đã giảm trong tuần thứ sáu liên tiếp, giảm 1,6% xuống còn khoảng 2,21 triệu tấn tính đến ngày 30 tháng 8, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3, dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy.
Đồng ổn định
Giá đồng ổn định vào thứ Sáu do lạc quan về triển vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế và một số nhà đầu tư đặt cược rằng giá đã chạm đáy vào đầu tháng 8.
Đồng ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London kết thúc phiên hầu như không thay đổi, ở mức 9.245 USD/tấn, sau khi tăng lên 9.382 USD vào đầu phiên.
Đầu phiên, giá tăng sau khi có báo cáo cho biết Trung Quốc đang cân nhắc cho phép tái cấp vốn thế chấp cho chủ nhà lên tới 5,4 nghìn tỷ USD để giảm chi phí vay.
Cà phê cao nhất 16 năm
Giá cà phê robusta lập đỉnh ao mới trong 16 năm. Theo đó, robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 47 USD, tương đương 1%, lên 4.948 USD/tấn vào lúc đóng cửa phiên thứ Sáu, sau khi đạt đỉnh ở mức 5.180 USD, cao nhất trong ít nhất 16 năm. Tính chung cả tuần giá tăng 5%.
Thị trường robusta vẫn được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn hẹp và lo ngại rằng đợt nắng nóng khắc nghiệt vào đầu năm nay có thể làm giảm quy mô vụ thu hoạch tiếp theo tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 1,4% xuống còn 2,4405 USD/lb.
Cao su tăng
Hợp đồng cao su kỳ hạn tương lai trên thị trường Nhật Bản tăng phiên thứ chín liên tiếp và ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất trong gần bốn năm, được thúc đẩy bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung liên tục trong bối cảnh thời tiết ẩm ướt tại quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới - Thái Lan.
Hợp đồng cao su giao tháng 2 trên Sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên tăng 1,7 yên, tương đương 0,45%, lên 375,6 yên (2,59 USD)/kg.
Đầu phiên, hợp đồng đã đạt 380,3 yên, mức cao nhất kể từ ngày 8 tháng 8 năm 2011.
Lúa mì, ngô, đậu tương đều tăng
Giá lúa mì trên sàn Chicago tăng vào thứ Sáu do hoạt động mua vào trong bối cảnh lo ngại về sản lượng giảm ở châu Âu.
Giá đậu tương cũng tăng lên mức cao nhất trong ba tuần và ngô tăng nhẹ do nhu cầu tăng.
Kết thúc phiên, trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá lúa mì tăng 2-1/2 cent lên 5,51-1/4 USD/bushel; ngô tăng 4-1/2 cent lên 4,00-1/2 USD/bushel và đậu tương tăng 5-1/2 cent lên 9,98 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 9 tháng 8.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 31/8: