Mở cửa phiên giao dịch ngày 09/05, giá đậu tương đang tiếp tục suy yếu khi thị trường thiếu đi yếu tố hỗ trợ. Triển vọng nguồn cung vẫn ổn định và tác động “bearish” tới giá. Những đánh giá tích cực về 2 quốc gia sản xuất lớn nhất cũng củng cố cho kỳ vọng của chúng tôi về xu hướng giảm trung hạn của giá đậu tương.
Trong báo cáo Crop Progress sáng nay của Bộ nông nghiệp Mỹ, tiến độ gieo trồng đậu tương đã đạt mức 35% tổng diện tích dự kiến, tăng gần gấp đôi so với tiến độ tuần trước đó. Con số này cũng cao hơn so với mức kỳ vọng của thị trường. Nhờ độ ẩm thích hợp, tiến độ năm nay cũng vượt lên hẳn so với mức trung bình 5 năm là 21%. Dự báo thời tiết sắp tới cũng sẽ thuận lợi và mùa vụ vẫn chưa phải trải qua hình thái thời tiết đáng nghiêm trọng nào nên triển vọng năng suất có thể sẽ khả quan và tạo áp lực tới giá đậu tương trong trung hạn.
Trong khi đó, xét về nguồn cung ngắn hạn, xuất khẩu đậu tương tháng 05 của Brazil có thể lên tới 15,3 triệu tấn, công ty hàng hải Cargonave dự báo, tăng hơn 3 triệu tấn so với ước tính tuần trước của công ty. Nếu được xác nhận, con số này sẽ tăng so với mức 14 triệu tấn đậu tương mà Cargonave ước tính Brazil đã xuất khẩu trong tháng 04, đồng thời cũng cao hơn mức 10 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong báo cáo tuần trước, Cargonave đã dự báo Brazil chỉ có thể xuất khẩu 12 triệu tấn đậu tương trong tháng 05, trong bối cảnh nước này dự kiến sẽ có một vụ đậu tương kỷ lục hơn 150 triệu tấn. Cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ sẽ hạn chế hoạt động xuất khẩu của Mỹ trong thời gian tới khi giai đoạn thu hoạch tiếp tục được đẩy nhanh. Không những thế, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 7,26 triệu tấn đậu tương trong tháng vừa rồi, thấp hơn nhiều so với mức 9 triệu tấn mà các thương nhân dự đoán. Thông tin này cũng góp phần củng cố đà giảm của giá đậu tương.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)