Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết giá hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động trong phiên giao dịch hôm qua (10/9). Đóng cửa, sắc đỏ chiếm áp đảo kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,45% xuống 2.048 điểm.
Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá dầu hạ xuống mức thấp nhất trong vòng ba năm qua trước sức ép nhu cầu yếu. Bên cạnh đó, thị trường nông sản, nhất là mặt hàng đậu tương cũng trải qua phiên giao dịch giằng co và giá suy yếu đáng kể.
Giá dầu ngày càng rời xa mốc 70 USD/thùng
Giá dầu thế giới giảm mạnh gần 4% trong phiên giao dịch ngày hôm qua sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu. Kết phiên, giá dầu Brent giảm 4,31% xuống mức 65,75 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,69%, xuống mức 69,19 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng trước, lượng dầu thô nhập khẩu của nước này đạt trung bình 11,56 triệu thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, tổng lượng nhập trong tháng đạt 49,10 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước do mức tiêu thụ nhiên liệu thấp. Số liệu này cũng cho thấy lượng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 367 triệu tấn.
Nhu cầu suy yếu không chỉ tại Trung Quốc đã khiến các nhà máy lọc dầu châu Á buộc phải cắt giảm công suất. Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects cho biết các nhà máy lọc dầu tại khu vực đã phải giảm công suất 400.000 - 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 cho đến nay và dự báo còn tiếp diễn tới cuối năm.
Áp lực trên thị trường cũng tăng mạnh sau khi cáo thị trường dầu mỏ tháng 9 của OPEC được công bố. OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ chỉ tăng 2,03 triệu thùng/ngày trong năm 2024, thấp hơn so với dự báo tăng trưởng 2,11 triệu thùng/ngày trước đó. Đây là lần thứ hai liên tiếp nhóm xuất khẩu hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong báo cáo hàng tháng. OPEC cũng cắt giảm ước tính tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2025 xuống 1,74 triệu thùng/ngày từ mức 1,78 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, trong báo cáo Triển vọng thị trường năng lượng ngắn hạn tháng 9, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đã hạ dự báo nhu cầu năng lượng của Mỹ trong năm nay 0,2 triệu thùng/ngày xuống mức 20,3 triệu thùng/ngày.
Giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần
Theo MXV, thị trường nông sản chịu sức ép bán mạnh trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, mặt hàng đậu tương dẫn dắt xu hướng giảm của nhóm khi hạ hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong vòng một tuần qua. Tình hình mùa vụ tại Mỹ tốt hơn dự kiến xoa dịu tâm lý lo ngại thời tiết khô hạn thời gian gần đây góp phần tác động lên diễn biến giá.
Trong báo cáo Crop Progress, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết tỷ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của nước này ước tính ở mức 65%, ngang với tuần trước đó và trái với kỳ vọng giảm 2% của giới phân tích. Con số này cao hơn nhiều so với mức 52% cùng kỳ năm ngoái, cho thấy tình hình vụ năm nay của Mỹ dù có sự sụt giảm nhất định nhưng vẫn ở mức tốt. Điều này mang đến triển vọng năng suất cây trồng tốt trong năm nay, đồng thời kiến giá đậu tương chịu sức ép.
Đồng pha với diễn biến giá mặt hàng đậu tương, giá ngô ghi nhận mức giảm gần 1% vào hôm qua. Triển vọng nguồn cung tích cực cũng là yếu tố đã tạo áp lực lên thị trường.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine cho biết sản lượng các loại cây trồng ngũ cốc và hạt có dầu cuối vụ của Ukraine sẽ không còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Tuy nhiên, dự kiến sản lượng ngô sẽ giảm từ 10% đến 15% so với năm 2023, thấp hơn so với mức 15% đưa ra trước đó.
Trong khi đó, bất chấp những lo ngại về thời tiết, tiến độ gieo trồng ngô vụ 1 tại bang Parana của Brazil đã đạt mức 18%, tăng 17 điểm phần trăm so với tuần trước. Tình hình thời tiết dự kiến sẽ cải thiện tại Brazil vào tháng tới, hoạt động gieo trồng nhanh chóng sẽ giúp cây trồng được hưởng lợi, mang đến triển vọng nguồn cung tốt trong năm nay.
NGUỒN: MXV