Sau khi kết thúc chiến dịch tăng lãi suất vào năm ngoái, các quan chức Fed đồng tình rằng động thái chính sách phù hợp nhất với một nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc và lạm phát vẫn còn cao hơn mức mục tiêu là “án binh bất động”.
Trên thực tế, các quan chức đang tận dụng mùa hè này để đánh giá tình hình tuyển dụng, chi tiêu tiêu dùng và lạm phát sau khi kéo lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Kết thúc cuộc họp chính sách vào ngày 12/6, ngân hàng trung ương Mỹ được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5%.
Ngoài ra, các quan chức cũng có thể sẽ giữ nguyên thông điệp trong tuyên bố chính sách, hàm ý rằng động thái tiếp theo nhiều khả năng sẽ là giảm chứ không phải tăng lãi suất.
Vì dự kiến không có thay đổi chính sách lớn nào từ Fed, các nhà đầu tư hẳn sẽ tập trung cao độ vào dự báo lãi suất của ngân hàng trung ương quyền lực này, thể hiện qua biểu đồ dot plot.
Kỳ vọng của các quan chức có thể được định hình vào phút chót bởi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5. Báo cáo sẽ được công bố vào sáng ngày 12/6, chỉ vài giới trước khi Fed tiết lộ dự báo lãi suất.
Tìm điểm cân bằng
Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã “đi trên dây” trong năm nay. Một số dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đã tái cân bằng mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Trong hai năm qua, một số quan chức gợi ý rằng họ có thể không phải đánh đổi như trước kia khi cố gắng làm chậm nền kinh tế, vì nhu cầu lao động đi xuống có thể giúp doanh nghiệp lấy đầy các vị trí trống thay vì sa thải nhân công.
Dữ liệu gần đây về tuyển dụng, số lượng nhân sự nghỉ việc và số cơ hội việc làm cho thấy thị trường lao động đang dần quay trở lại thời điểm trước đại dịch.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế vẫn khá vững chắc. Và đà hạ nhiệt nhanh chóng của lạm phát trong nửa cuối năm ngoái đã chững lại trong năm nay, khiến các quan chức bớt tự tin rằng các xu hướng tích cực sẽ tiếp tục.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) tăng 2,7% so với cùng kỳ vào tháng 4, đi xuống đáng kể so với mức 4,4% trong 12 tháng trước đó.
Song, giá cả vẫn tăng 2,9% trong 6 tháng tính đến tháng 4 (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm), đi lên so với mức 2,4% trong giai đoạn trước. Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp không muốn giảm lãi suất mà không có bằng chứng thuyết phục cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt đã phát huy tác dụng.
Mặt khác, họ cũng lo lắng rằng nếu chờ quá lâu, vào thời điểm nhìn thấy những bằng chứng đó, tình trạng thất nghiệp đã trở nên đáng ngại hơn.
Theo Wall Street Journal, Fed sẽ bớt đau đầu hơn nếu các dữ liệu lạm phát tương lai giảm dần. Nếu không, nền kinh tế Mỹ phải suy yếu hơn dự đoán để các quan chức bắt đầu giảm lãi suất.
Vào năm 2001 và 2007, lần giảm lãi suất đầu tiên xảy ra trước thời kỳ suy thoái khoảng vài tháng, giúp Fed có thể nhanh chóng nới lỏng chính sách hơn.
Sau khi nền kinh tế khựng lại vào năm 1995 và 2019, các quan chức giảm lãi suất một vài lần và dừng lại khi Mỹ tránh được suy thoái.
Biểu đồ dot plot
Vì các nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ không thực hiện bất kỳ điều chỉnh đáng chú ý nào tại cuộc họp tuần này, trọng tâm của họ là các dự báo lãi suất hàng quý - biểu đồ dot plot.
Vào tháng 3, hầu hết các quan chức kỳ vọng sẽ giảm lãi suất hai hoặc ba lần trong năm nay. Ước tính trung vị của 19 quan chức là ba lần.
Song, dự báo được công bố trước khi chính phủ phát hành báo cáo lạm phát đáng thất vọng thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm. Số liệu lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư tự hỏi liệu Fed có thể giảm lãi suất trong năm nay hay không.
Lần này nhà đầu tư tập trung cao độ là bởi cuộc họp có thể bị xáo trộn vì một vài lý do. Trước khi Fed tiết lộ biểu đồ dot plot, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo CPI tháng 5.
Báo cáo được công bố lúc 8h30 sáng (tức 19h30 tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), khoảng 30 phút trước khi các nhà hoạch định chính sách nhóm họp ngày thứ hai.
Một báo cáo lạm phát đáng thất vọng có thể khiến nhiều quan chức phải kiềm chế kỳ vọng. Có khả năng họ chỉ dự báo giảm lãi suất duy nhất một lần trong năm 2024. Ngược lại, một báo cáo tích cực hơn có thể nâng dự báo lên thành hai lần.
Ngoài ra, sự khác biệt giữa ước tính trung vị cho thấy Fed chỉ giảm lãi suất duy nhất một lần hay từ hai lần trở lên là không đáng kể. Chỉ cần một hoặc hai nhà hoạch định chính sách đưa ra nhận định khác biệt là đã có thể khiến ước tính trung vị thay đổi.
Fed sẽ họp lại vào tháng 7, 9, 11 và 12.
Theo nhiều nhà đầu tư, ước tính trung vị cần chỉ ra ít nhất hai đợt giảm lãi suất để ngân hàng trung ương Mỹ có thể “nới tay” vào tháng 9. Ngược lại, ước tính trung vị chỉ ra duy nhất một đợt giảm lãi suất thì Fed có thể phải chờ đến cuối năm mới nới lỏng chính sách.